Quốc tế

Thượng đỉnh Mỹ - Nga về Ukraine: Mọi niềm tin đổ dồn vào cơ hội mong manh

Dù còn nhiều nghi ngại về cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Biden sắp tới, nhưng tín hiệu nhất trí về mặt nguyên tắc đối với sự kiện này vẫn là một điều tích cực trong bối cảnh hiện tại.

Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass / Tổng thống Putin kêu gọi phi quân sự hóa Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã nhất trí về mặt nguyên tắc việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh "về ổn định an ninh và chiến lược ở châu Âu", theo văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Văn phòng của ông Macron cho biết, các chi tiết của cuộc gặp sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thảo luận và đi đến nhất trí khi họ gặp nhau vào ngày 24/2, văn phòng của ông Macron cho biết vào tối Chủ nhật.

Về phía Washington, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận việc ông Biden dự kiến tham gia hội nghị và điều kiện của phía Mỹ. "Như Tổng thống (Biden-pv) đã nhiều lần nói rõ, chúng tôi cam kết theo đuổi ngoại giao trong trường hợp không xảy ra tấn công. Về nguyên tắc, Tổng thống Biden chấp nhận một cuộc gặp với Tổng thống Putin với điều kiện đó, một lần nữa nhắc lại, là chỉ khi không xảy ra tấn công", bà Psaki nói.

Tiềm ẩn nhiều nghi ngại

Thông tin trên được đưa ra sau khoảng thời gian cuối tuần tăng cường mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao giữa các nước liên quan và trong khi đồn đoán về những hành động quân sự của Nga vẫn đang khiến thế giới căng thẳng.

Thượng đỉnh Mỹ - Nga về Ukraine: Mọi niềm tin đổ dồn vào cơ hội mong manh - Ảnh 1.

Cả thế giới đang kì vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ diễn ra và sẽ đạt được kết quả tích cực cho cuộc xung đột Ukraine. Ảnh: Getty.

Hiện vẫn chưa có lịch trình cụ thể hoặc địa điểm diễn ra cho hội nghị thượng đỉnh lần này và khả năng diễn ra sự kiện này vẫn phụ thuộc vào kết quả của cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở châu Âu trong tuần này. Và ngay cả cuộc gặp đó cũng phụ thuộc vào tình trạng hoạt động quân đội của Moscow ở khu vực biên giới Ukraine.

Một quan chức Mỹ thông tin với kênh CNN: "Ông Blinken và ông Lavrov sẽ thảo luận thêm nếu không diễn ra tấn công. Còn trong trường hợp đã tấn công rồi thì mọi chuyện chấm hết".

Thông điệp về khả năng diễn ra thượng đỉnh quan trọng này cũng được đưa ra khi tất cả các bên trong cuộc xung đột - Nga, Ukraine và các đồng minh phương Tây chưa thực sự tin tưởng nhau.

Và tình hình xung quanh biên giới của Ukraine, nơi có hơn 150.000 quân Nga đang ở trong tình trạng báo động cao, vẫn căng thẳng đến mức khi một số cuộc đụng độ cục bộ xảy ra cũng có thể gây ra một cuộc xung đột quy mô lớn hơn và dẫn đến tình trạng đóng lại cánh cửa ngoại giao.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh vẫn đang nghi ngờ rằng việc ông Putin đang sẵn sàng đối thoại không phải vì ông ấy rơi vào tình thế bế tắc, mà thay vào đó là Moscow đang tìm cách chia rẽ nước Mỹ với bạn bè quốc tế.

 

Một cơ hội xứng đáng để theo đuổi

Trong khi còn nhiều nghi ngờ như vậy nhưng nếu ông Putin dừng lại các hành động quân sự ở khu vực biên giới với Ukraine, thì đây sẽ được coi là một thành công tạm thời cho những nỗ lực vừa qua của Nhà Trắng nhằm loại bỏ phần nào nguy cơ từ việc Nga tập trung quân lực sát biên giới nước láng giềng.

Như vậy, bằng cách nhất trí về mặt nguyên tắc tham dự một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin, Tổng thống Joe Biden đang hướng đến một chiến thắng đặc biệt về chính sách đối ngoại.

Bất cứ khi nào ngăn chặn được một cuộc chiến tranh, đặc biệt là một cuộc chiến mà Mỹ dự đoán có hàng nghìn dân thường thương vong và có khả năng kéo theo dòng người tị nạn quy mô lớn, thì đều xứng đáng để nỗ lực với mọi cơ hội có được.

Theo CNN, các tổng thống Mỹ được bầu chọn để đưa ra những quyết định khó khăn nhất. Nếu ông Biden từ chối gặp mặt và chiến tranh nổ ra ở Ukraine, ông sẽ bị cáo buộc rằng không theo đuổi tiến trình ngoại giao tới mức giới hạn cao nhất.

 

Ông Blinken cũng đã giải thích về sự cởi mở đối với ngoại giao của Tổng thống Biden dù nhà ngoại giao Mỹ vẫn nghi ngại về ý định đàm phán của Nga. Thông tin với kênh CNN hôm Chủ nhật, nhà ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi tin rằng Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định, nhưng cho đến khi xe tăng thực sự lăn bánh và máy bay đang bay, chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội và từng phút một để xem liệu ngoại giao có thể ngăn cản Tổng thống Putin thực hiện điều này hay không".

Và cũng có nhiều lý do khác để Mỹ tìm kiếm mọi cơ hội tích cực có được với Nga. Với thực tế là Mỹ sẽ không gửi quân đến bảo vệ Ukraine vì nước này không phải là thành viên NATO, ông Biden có lý do chính đáng về tình hình nội bộ để tránh chiến tranh ở Ukraine. Bất kỳ hành động tấn công nào của Nga đều có thể gây ra sự gia tăng đột biến về giá xăng dầu vốn đã tăng và tỷ lệ lạm phát cao – điều có thể làm giảm sút đi cơ hội của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Như vậy, dù vẫn còn rất nhiều tín hiệu chưa chắc chắn nhưng việc hai nước nhất trí bước đầu về một cơ hội đối thoại cấp cao nhất vẫn là một tín hiệu mừng không chỉ với các bên liên quan mà với cả cộng đồng quốc tế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm