Quốc tế

Thượng đỉnh NATO: Tìm cách đối phó Nga-Trung, tập trung vào chiến sự Ukraine

Nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh là cập nhật 'Khái niệm chiến lược mới' của NATO, đề ra các giá trị và mục tiêu chiến lược của liên minh trong một thập kỷ tới.

Ukraine muốn phương Tây gửi thêm 300 hệ thống rocket đa nòng để chống lại Nga / Ukraine ngừng xuất khẩu khí đốt, than đá và dầu nhiên liệu

Các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có mặt ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để tham dự hội nghị thượng đỉnh “mang tính lịch sử và nhiều thay đổi”, theo nhận xét của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Hội nghị khai mạc từ ngày 28 và kéo dài đến ngày 30/6.

Một hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra hồi tháng 4/2022. Ảnh: Nato.int

Tập trung vào Nga, Trung Quốc

Nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự là cập nhật “Khái niệm chiến lược mới” của NATO, đề ra các giá trị và mục tiêu chiến lược của liên minh trong một thập kỷ tới.

Phiên bản hiện tại của khái niệm này được thông qua vào năm 2010 đã phục vụ tốt cho NATO suốt thời gian qua, nhưng hiện giờ không còn phù hợp khi tình hình an ninh châu Âu đang có nhiều biến động. Ở thời điểm đó, cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu và vai trò của NATO trong các hoạt động viễn chinh tại Afghanistan là những yếu tố xác định mục đích chính của khái niệm

Giờ đây, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoană cho biết, liên minh quân sự này đang tập trung nhiều hơn vào những gì mà ông cho là sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Theo tờ El Pais của Tây Ban Nha, đây được coi là nỗ lực nhằm duy trì trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh do phương Tây chi phối, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đã đến lúc sụp đổ.

Khái niệm chiến lược mới nhiều khả năng sẽ được thông qua nhằm đối phó với sức mạnh quân sự của Nga và “những thách thức hệ thống” do Trung Quốc đặt ra. Những mối đe dọa hỗn hợp và phi đối xứng, việc quân sự hóa không gian, đảm bảo an ninh mạng và tầm quan trọng về địa chiến lược tại Bắc Cực cũng như châu Á-Thái Bình Dương đều liên quan mật thiết đến tính toán của NATO về Nga, Trung Quốc.

 

Ba chủ đề tại hội nghị thượng đỉnh góp phần nêu bật nội dung kể trên.

Thứ nhất, lãnh đạo các nước thành viên sẽ đưa ra quyết định về “quy mô và cấu trúc thế trận tương lai của NATO” trong lĩnh vực quốc phòng. Kế hoạch này đã được khởi xướng tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO vào giữa tháng 6 và được xây dựng dựa trên những biện pháp thực tiễn triển khai từ tháng 2 nhằm củng cố năng lực phòng thủ của các đồng minh ở phía Đông.

Lo ngại ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, NATO đang có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô nhóm tác chiến đồn trú tại khu vực Đông Âu, từ con số 1.000 -1.600 binh sỹ ban đầu và nâng cấp thành các nhóm lữ đoàn.

Thứ hai, là cam kết tăng cường ngân sách quốc phòng. Các nước thành viên NATO đã cam kết dành 2% GDP của họ cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, nhưng chỉ 9 trong số 30 thành viên đạt được mục tiêu này vào năm 2022.

Thứ ba, hội nghị còn có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc - một tín hiệu rõ ràng cho thấy NATO đang có xu hướng xây dựng một liên minh đối phó Trung Quốc.

 

Ukraine: Đối tác hay đồng minh?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng sẽ là tâm điểm trong chương trình nghị sự của hội nghị với điểm nhấn là bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Zelensky.

Binh sĩ ủng hộ Nga đứng trước tòa nhà quản lý nhà máy thép Azovstal bị phá hủy ở Mariupol ngày 21/4. Ảnh: Reuters

Chiến sự tại Ukraine đã sang tháng thứ 4 và Kiev dường như đang rơi vào thế bất lợi trên chiến trường miền Đông. NATO nhiều khả năng sẽ thông qua một gói hỗ trợ toàn diện để huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang Ukraine nhằm khẳng định sự ủng hộ của khối đối với chính quyền Kiev. Điều đó được cho là mang lại lợi ích cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga nhưng không thể đánh đồng gói hỗ trợ này với nỗ lực viện trợ vũ khí cho Ukraine bởi đây là vấn đề riêng rẽ do từng nước thành viên quyết định dựa trên khả năng của họ.

 

Về mặt chính trị, sự phối hợp trong hoạt động cung cấp vũ khí được thông qua tại Nhóm liên lạc Quốc phòng Ukraine do Mỹ dẫn đầu và ở cấp độ kỹ thuật, thông qua Cơ quan điều phối của các nhà tài trợ quốc tế có trụ sở tại Stuttgart.

Theo giới phân tích, NATO nhiều khả năng sẽ không nhất trí về thỏa thuận thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine hoặc thực thi hành động hàng hải nhằm phá vỡ sự phong tỏa của Nga đối với các cảng của Ukraine trên Biển Đen. Việc thiết lập vùng cấm bay từng bị Anh và Mỹ bác bỏ vì lo ngại đối đầu quân sự trực tiếp với Moscow. Còn vấn đề thứ hai chắc chắn sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ phủ quyết do ảnh hưởng đến vị thế của nước này tại Biển Đen.

Ngoài ra, việc vạch ra cho Ukraine một lộ trình rõ ràng để nước này trở thành thành viên NATO có thể không được nhắc đến trong chương trình nghị sự. Ba Lan từ lâu cho rằng, Ukraine nên được mời tham gia Kế hoạch Hành động Thành viên (Membership Action Plan) - chương trình giúp các quốc gia chuẩn bị cho việc trở thành thành viên NATO trong tương lai dù sự tham gia chương trình này không đảm bảo tư cách thành viên. Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối sáng kiến này. Nga từng cảnh báo việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là “lằn ranh đỏ”.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Ukraine ngày càng tỏ ra thất vọng. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gần đây nói rằng, chỉ có “phép màu” mới giúp Ukraine có được lộ trình rõ ràng để gia nhập NATO.

Tương lai của NATO

 

Vào năm 2021, NATO đã trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lớn sau khi khối này rút quân khỏi Afghanistan. Nhưng liên minh đã hồi sinh sau cuộc chiến ở Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, các thành viên trong khối sẵn sàng thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm song vẫn có những giới hạn nhất định.

Tổng thư ký Stoltenberg từng cho rằng, dù Ukraine có lý do chính đáng để yêu cầu NATO tăng cường sự giúp đỡ nhưng việc bảo vệ các đồng minh dựa trên hiệp ước chung của liên minh vẫn quan trọng hơn bảo vệ một nước không phải thành viên như Ukraine. Nhiệm vụ quan trọng hiện giờ của NATO là ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào lãnh thổ của liên minh. Tính cấp bách của nhiệm vụ này có thể khiến các vấn đề quan trọng khác không nhận được sự chú ý cần thiết.

Trong bối cảnh nhiều thành viên của NATO quá quan tâm đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã có rất ít cuộc thảo luận về một số thách thức lâu dài trong nội bộ khối; chẳng hạn như tính bền vững của vai trò lãnh đạo mà Mỹ đảm đương hay việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối quyết định Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối, cũng như những chia rẽ, rạn nứt trong quan hệ giữa các thành viên. Bên cạnh đó là việc cải thiện bộ máy điều hành cồng kềnh của NATO, cũng như xem xét lại mối quan hệ lỏng lẻo giữa tổ chức quân sự này với Liên minh châu Âu.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm