Quốc tế

Tiêm kích Su-27 Nga vẫn rất đáng gờm: Mỹ, NATO chớ coi thường

Các biến thể Su-27SM2/SM3 được xếp vào dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ và vẫn đóng vai trò nòng cốt trong kho vũ khí của Không quân Nga cho tới những năm 2030.

Thời oanh liệt đã suy giảm...

Kể từ khi lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong Không quân Liên Xô năm 1985, Su-27 Flanker đã trải qua nhiều lần nâng cấp giúp nó cạnh tranh tốt hơn về khả năng chiến đấu chiếm ưu thế trên không trước các đối thủ hiện đại hơn.

Su-27 ban đầu được thiết kế phục vụ cho mục đích tấn công và giành ưu thế vượt trội so với F-15C Eagle của Mỹ và cả hai đều được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ 4 đóng vai trò trụ cột trong không quân hai khối quân sự đối lập Warsaw và NATO.

Sau này, khi có thêm nhiều dòng máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không mới và tiên tiến hơn được phát triển như F-15X và Su-35 thế hệ thứ 4++ hay F-22 và Su-57 thế hệ thứ 5, Không quân Nga đã tập trung nhiều nguồn lực nâng cấp mẫu Flanker ban đầu và tích hợp các công nghệ tiên tiến thế hệ mới giúp S-27 cạnh tranh tốt hơn trên chiến trường hiện đại.

Trong khi đó, Mỹ từ lâu đã có kế hoạch loại biên F-15C nên không còn chú trọng đầu tư hiện đại hóa các phi đội Eagle của mình.

Ở thời đại của chúng, các phiên bản Su-27 đầu tiên (Su-27S trang bị cho Không quân và Su-27P cho Phòng không) không có đối thủ về các khả năng chiến đấu trong tầm nhìn nhưng khi phải đối diện với các khả năng chiến đấu ngoài tầm nhìn đầu những năm 2000 thì Su-27 bị tụt hậu đáng kể so với F-15 và F-22 của Không quân Mỹ.

Máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-27P

Một giai đoạn dài, tên lửa tác chiến ngoài tầm nhìn duy nhất - R-27R/P buộc Su-27 phải hướng mũi về phía mục tiêu trong suốt thời gian bay của tên lửa và nó cũng chỉ có tầm bắn khiêm tốn khoảng 80 km (hơn một chút so với MICA của Pháp hoặc AIM-120B của Mỹ).

Việc tích hợp ở mức độ có giới hạn các biến thể tên lửa R-27 mới hơn như R-27ER và ET với tầm bắn lên tới 130 km cũng như các hệ thống dẫn đường và tác chiến điện tử được cải thiện phần nào đó đã giúp củng cố hiệu suất tác chiến của Su-27 dù ngân sách dành cho mua sắm những tên lửa dạng này vẫn còn hạn chế.

Mặc dù R-27ER/ET cũng phần nào đó đã bù đắp cho những thiếu sót về chức năng dẫn đường trung gian của thiết kế tên lửa ban đầu, nhưng nó vẫn ngăn cản Su-27S/P tiến hành một số chiến thuật mà máy bay chiến đấu trang bị tên lửa dẫn hướng bằng radar chủ động có thể thực hiện.

Trước bối cảnh Mỹ và các lực lượng không quân đồng minh tăng cường trang bị tên lửa AIM-120C vào cuối những năm 1990 thì một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không như Su-27 gặp nhiều bất lợi không nhỏ.

Được thiết kế là phương tiện chiếm ưu thế trên không chuyên dụng nhưng Su-27 thậm chí còn thiếu khả năng tấn công không đối đất và không đối hạm cơ bản trong khi đây lại là những yêu cầu quan trọng vào thời điểm Không quân Nga bị cắt giảm nguồn lực vào năm những 1990. Các đơn hàng bổ sung như MiG-29 bị cắt giảm còn MiG-27 và Su-22 đã nghỉ hưu.

Su-27 trang bị tên lửa không đối không R-27

...nhưng vẫn là trụ cột của Không quân Nga đến 2030

Su-27SM - thế hệ Su-27 thứ hai, tuy vẫn được coi là máy bay thế hệ thứ tư nhưng đã tập trung mạnh vào việc tích hợp các hệ thống không đối đất tiên tiến hơn để bù đắp cho việc giảm khả năng tấn công nói chung của Không quân Nga.

Các chiến đấu cơ Flanker được nâng cấp hoặc sản xuất theo chuẩn Su-27SM được trang bị chế độ lập bản đồ mặt đất và lần đầu tiên tương thích với các radar và vũ khí không đối đất dẫn đường như tên lửa xuyên giáp tầm ngắn Kh-29 và bom dẫn đường laser KAB.

Su-27SM cũng được tích hợp các động cơ và hệ thống tác chiến điện tử mới và được chế tạo tương thích với tên lửa không đối không tầm xa R-77.

Mặc dù chính thức đi vào hoạt động năm từ 2002 và được xuất khẩu rộng rãi cho Ấn Độ, Trung Quốc hay Algeria nhưng R-77 đã không được cấp cho Quân đội Nga với số lượng lớn cho đến giữa những năm 2010 vì vấn để giá cả đắt đỏ.

Tiêm kích Su-27SM3 thế hệ 4++

Thay vào đó, Không quân Nga phải dựa vào R-27 và R-33 cho các cuộc giao chiến tầm xa nhưng R-33 lại chỉ dành riêng cho các máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound và không tương thích với khung sườn Flanker.

Tuy nhiên, ngay cả khi được nâng cấp lên tiêu chuẩn Su-27SM thì các khả năng chiến đầu ngoài tầm nhìn của Flanker vẫn tiếp tục tụt hậu so với những máy bay chiến đấu hiện đại nhất do Nga và Mỹ phát triển hoặc những sản phẩm phái sinh của Trung Quốc là J-11B.

Nhưng may mắn, điều này đã được bổ sung phần lớn với việc chế tạo các biến thể Su-27SM2 và SM3. Khả năng tăng cường đáng kể nhất cho Su-27SM2/SM3 có lẽ phải đề cập tới hệ thống radar Irbis-E, loại cũng được sử dụng cho các máy bay Su-35 thế hệ 4++ đưa vào biên chế năm 2014.

Irbis-E là một trong những nền tảng radar mạnh nhất trên thế giới được thiết kế cho nhiệm vụ chiến đấu không đối không. Irbis-E có thể phát hiện hầu hết các mục tiêu kích cỡ máy bay chiến đấu ở cự ly hơn 400 km và có thể theo dõi tới 30 mục tiêu trên không và đồng thời tấn công 8 mục tiêu một lúc.

Su-27SM2/SM3 được xếp vào dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ và vẫn đóng vai trò nòng cốt trong phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Nga tới những năm 2030 với chức năng bổ trợ cho các máy bay đánh chặn tiên tiến MiG-31BSM.

Cho dù Su-35 chắc chắn là máy bay chiến đấu vượt trội hơn nhưng với chi phí thấp và lại có khả năng không mấy kém cạnh, Su-27SM2/SM3 vẫn có thể là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hiệu quả nhất trong kho vũ trang của Nga hiện nay.

Theo Tú Anh/Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo