Quốc tế

Tiêm kích tàng hình J-20 đã về đích trước Su-57

Thông qua việc tích hợp đầy đủ động cơ 'chuẩn thế hệ 5' WS-10G, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc được tuyên bố đã hoàn thiện 100%.

Hiện nay trên thế giới mới chỉ có Mỹ đang khai thác sử dụng thế hệ 5 đúng nghĩa bao gồm hai dòng F-22 Raptor và F-35 Lightning II. Trong khi đó mặc dù Nga và Trung Quốc đã tuyên bố sản xuất hàng loạt hay đưa vào trực chiến tiêm kích tàng hình nội địa J-20 và Su-57 nhưng chúng vẫn chưa hoàn thiện.

Điểm yếu lớn nhất của J-20 và Su-57 chính là chúng vẫn đang sử dụng động cơ của tiêm kích thế hệ 4, trái tim này không cung cấp đủ lực đẩy để máy bay bay hành trình với tốc độ siêu âm cũng như không che giấu được tín hiệu hồng ngoại phát ra khi hoạt động.

Tiêm kích tàng hình J-20B của Trung Quốc bay thử với 2 động cơ WS-10G

Nhằm khắc phục nhược điểm này, Nga và Trung Quốc đang tích cực thử nghiệm động cơ "chuẩn thế hệ 5" WS-10G cùng với Izdeliye-30, tuy nhiên Bắc Kinh đã về đích trước Moskva trong cuộc đua công nghệ cao này.

Để đảm bảo an toàn khi thử nghiệm, động cơ mới bao giờ cũng được lắp song song với loại cũ trên cùng một máy bay để tiến hành đánh giá. Đối với J-20 thì WS-10G phối hợp cùng AL-31F, trong khi trên Su-57 AL-41F1S sẽ làm việc cùng Izdeliye-30.

Cận cảnh các đường cắt răng cưa trên động cơ "chuẩn thế hệ 5" WS-10G

Mới đây Trung Quốc đã công bố bức ảnh J-20B của mình bay thử nghiệm với 2 động cơ WS-10G và thu về kết quả tốt, cho thấy dự án vũ khí đầy tham vọng này của họ đã chính thức về đích khi điểm yếu cuối cùng đã được khắc phục.

Trong khi đó hình ảnh mới nhất về mẫu thử T-50 mang số hiệu 052 của Nga vẫn đang phải lắp song song AL-41F1S và Izdeliye-30, chưa rõ đến khi nào máy bay mới bay thử nghiệm được với 2 động cơ thế hệ mới như J-20.

Mẫu thử T-50 của tiêm kích tàng hình Su-57 hiện vẫn phải dùng song song AL-41F1S và Izdeliye-30

Thực ra đây không phải là điều gây ngạc nhiên bởi từ lâu chương trình J-20 của Trung Quốc đã được đánh giá qua mặt Nga, máy bay đã được chấp nhận đưa vào biên chế và sản xuất hàng loạt, trong khi đó đã gần hết năm 2019 mà chiếc Su-57 đầu tiên của Nga vẫn chưa rời dây chuyền lắp ráp.

Ngay cả đối với lô 12 máy bay Su-57 đầu tiên, chúng vẫn được xác định là dùng động cơ cũ AL-41F1S, Moskva chưa có kế hoạch tích hợp động cơ Izdeliye-30 cho các lô Su-57 sản xuất sau, chí ít là tới năm 2025.

Nhìn thấy thành công của Trung Quốc thì có lẽ Nga sẽ phải tập trung nguồn lực để sớm hoàn thiện tiêm kích tàng hình của mình, nhưng khó khăn lớn nhất với họ nằm ở ngân sách hạn chế hơn nhiều so với Bắc Kinh.

Theo Chí Linh/Báo Đất Việt

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo