Tin vui về chương trình tên lửa nội địa của Việt Nam
Trong năm 2018 dã xuất hiện những thông tin đầu tiên về đề tài VT/TLĐ/14-15 “Tiếp cận kỹ thuật phóng tên lửa đẩy tầm thấp bằng mô hình vật lý dựa trên cơ sở mẫu tên lửa thử nghiệm TV-01” do PGS.TS Vũ Thanh Hải chủ trì.
Dự án trên được thực hiện với sự tham gia của Khoa Hàng không - Vũ trụ thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam. Đây là tiền đề để Việt Nam tiến tới chế tạo tên lửa đẩy hoàn chỉnh để phóng vệ tinh do mình tự sản xuất lên quỹ đạo vũ trụ.
Tên lửa thử nghiệm TV-01 có kết cấu 2 tầng động cơ (động cơ phóng, động cơ hành trình) và 1 tầng công tác mang "hộp vệ tinh" đến vị trí xác định trong không gian. Tên lửa thử nghiệm TV-01 đã bay lên được độ cao hơn 4.000 m, tầm xa hơn 3.000 m, thực hiện được các quá trình tách tầng, bung dù thu hồi "hộp vệ tinh".
Hầu hết các hệ thống, thiết bị trên tổ hợp tên lửa thử nghiệm TV-01 (trừ một số linh kiện, thiết bị của phần điều khiển) được chế tạo hoàn toàn bằng công nghệ và nguồn vật liệu, nhiên liệu trong nước.
Tiếp nối đà thành công của tên lửa đẩy TV-01, phiên bản nâng cấp TV-02 mới đây đã xuất hiện trong phóng sự "Bước phát triển mới trong ngành Hàng không - Vũ trụ" do Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam thực hiện.
Theo thông tin trên hình ảnh, tên lửa thử nghiệm TV-02 được thiết kế với 3 phương án gồm: sơ đồ con vịt kiểu 1, sơ đồ con vị kiểu 2 và sơ đồ truyền thống, trong đó đều sử dụng kết cấu 2 tầng động cơ đẩy.
Thông số kỹ thuật cụ thể của tên lửa TV-02 bao gồm tổng khối lượng 92 kg; khối lượng khoang chứa 12 kg; tổng chiều dài 4 m; đường kính thân tầng 1/ tầng 2 là 235/ 120 mm; trọng lượng phóng tầng 1 /tầng 2 là 29/ 14,7 kg; thời gian cháy tầng 1/ tầng 2 là 2,8/ 4,6 giây; lực đẩy tầng 1/ tầng 2 là 19.300/ 5.950 N.
Dự kiến tên lửa đẩy TV-02 sẽ sớm được chế tạo và phóng thử trong tương lai không xa.
Cần lưu ý rằng công nghệ tên lửa đẩy là loại công nghệ lưỡng dụng, có thể dùng để chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa bằng cách thay tầng công tác mang "hộp vệ tinh" bằng đầu đạn, khi đó đây sẽ là vũ khí mang tầm chiến lược.
Ngoài ra còn có thể thấy rằng kết cấu tên lửa với tầng đẩy khởi tốc và tầng mang động cơ hành trình với "đầu đạn" như trên rất giống kết cấu của một số loại tên lửa phòng không như 57E6 hay 9M311 do Nga chế tạo.
Chính vì vậy ngoài khả năng biến đổi thành tên lửa đạn đạo thì TV-02 còn có tiềm năng hoán cải thành tên lửa phòng không, đây rõ ràng là một bước tiến mới rất đáng ghi nhận của chương trình tên lửa nội địa của Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo