Tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển độc nhất vô nhị của Nga
Đo độ "khủng" siêu chiến hạm Nga giới thiệu cho Việt Nam / Vì sao Nga đặc biệt lo ngại khi lực lượng Iran áp sát vị trí đóng quân?
A-222 Bereg là tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển tự hành cỡ 130 mm của Nga, được phát triển từ thập niên 1980 và xuất hiện trước công chúng lần đầu vào năm 1993 tại hội trợ triển lãm vũ khí ở Abu Dhabi. Bereg được coi là không có đối thủ trên thế giới vì hiện không quốc gia nào phát triển loại vũ khí tương tự.
Hệ thống Bereg được thiết kế để tiêu diệt hoặc chế áp lực lượng chiến đấu mặt biển hay ven biển của đối phương; ngăn chặn hỏa lực tàu chiến kẻ thù nhắm vào lực lượng chiến đấu ven biển của ta trong tác chiến chống đổ bộ, tác chiến phòng thủ eo biển và vùng ven biển, cũng như bảo vệ tuyến hàng hải và bãi trú đậu ven bờ.
Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng của Bereg chính là lấp kín “vùng chết” của các tổ hợp tên lửa bờ. Ví dụ, đạn tên lửa P-15M của tổ hợp 4K51 Rubezh có tầm bắn tối thiểu 8 km, đạn tên lửa P-35 của tổ hợp 4K44 Redut chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 15 km trở lên còn đối với đạn tên lửa 3M24 Uran của tổ hợp Bal-E thì con số này là 5 km.
Các thành phần của hệ thống pháo phòng thủ bờ biển Bereg. Ảnh: TASS.
Thành phần của tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển A-222 Bereg gồm có 1 xe chỉ huy CPU làm nhiệm vụ chỉ huy hỏa lực cho cả tổ hợp.
Trên xe có các trang thiết bị sau: đài radar trinh sát, tổ hợp trinh sát quang điện tử trang bị máy định tầm laser và kính ngắm xác định mục tiêu, máy tính phần tử bắn kỹ thuật số, thiết bị kiểm tra và đánh giá kết quả xạ kích, thiết bị mô phỏng phần tử dùng huấn luyện kíp chiến đấu, máy phát điện, các thiết bị hỗ trợ chiến đấu và phục vụ kíp chiến đấu.
Hệ thống kiểm soát hỏa lực trên xe có khả năng phát hiện và tính toán phần tử bắn trong môi trường nhiễu tích cực và tiêu cực đối với 4 mục tiêu, chỉ huy tổ hợp xạ kích đồng thời 2 mục tiêu trong số đó. Xe chỉ huy CPU có trọng lượng 43,7 tấn; dài 15,2 m; rộng 3,24 m; cao 4,415 m; kíp chiến đấu 7 người.
Thành phần thứ hai là 1 xe phục vụ chiến đấu MOBD sử dụng khung gầm tương tự với xe chỉ huy CPU, được dùng để cung cấp nguồn điện cho xe điều khiển và xe pháo (việc cấp nguồn điện cho tổ hợp do 2 máy phát diesel đảm nhiệm với cơ số dầu dự trữ đủ dùng cho 7 ngày), cùng với đó là chỗ ăn, nghỉ, y tế cho kíp chiến đấu.
Xe MODB có trọng lượng 43,5 tấn; dài 15,936 m; rộng 3,23 m; cao 4,415 m; kíp vận hành 4 người, xe được trang bị 1 súng máy PKT 7,62 mm.
Xe mang pháo 130 mm của tổ hợp Bereg. Ảnh: Military Today.
Thành phần quan trọng nhất của tổ hợp chính là 6 xe mang pháo tự hành SAU, phía cuối xe có 1 tháp pháo cỡ nòng 130 mm với thiết bị nạp đạn bán tự động cho tốc độ bắn 12 - 14 viên/phút.
Pháo 130 mm có nòng dài 7,02 m, góc phương vị -120 - +120 độ, góc tà -5 - +50 độ, có thể bắn đạn nổ mạnh, đạn nổ phân mảnh, đạn pháo sáng hoặc đạn tự dẫn laser (lượng đạn dự trữ 40 viên).
Pháo có thể bắn theo phần tử của xe chỉ huy hoặc bắn theo phần tử do hệ thống ngắm cơ hữu trên xe (kính ngắm cơ khí - quang học, máy tính đạn đạo và thiết bị đo xa laser) xác định, tầm bắn tối đa đạt 27 km. Xe SAU có trọng lượng 43,7 tấn; dài 13 m; rộng 3,1 m; cao 3,9 m; kíp chiến đấu 8 người.
Tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển A-222 Bereg triển khai bên cạnh tổ hợp tên lửa bờ 4K51 Rubezh. Ảnh: Wikipedia.
Hiện nay, các tổ hợp A-222 Bereg đang được trang bị cho lữ đoàn pháo - tên lửa bờ biển số 111 của Nga. Đơn vị này ngoài Bereg còn có các tiểu đoàn trang bị tổ hợp 4K44 Redut và K-300P Bastion-P.
Phiên bản xuất khẩu của hệ thống pháo phòng thủ bờ biển Bereg được gắn thêm hậu tố "E" có giá bán khá dễ chịu chỉ 20 triệu USD. Bereg-E có thể xem như ứng viên tiềm năng cho vai trò hỗ trợ hỏa lực đối với các tổ hợp tên lửa bờ của các đối tác có quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo