Toàn cảnh chiến sự trưa 01/4: Nga hạ 2 trực thăng Ukraine vào cứu chỉ huy Azov ở Mariupol
NÓNG: Khói lửa mịt mù tại kho dầu Nga - Quan chức cáo buộc Không quân Ukraine tập kích! / Vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng của Mỹ và Đức đã cập bến Ukraine? Hé lộ chân tướng
CNN dẫn nguồn tin từ quan chức Ukraine cho biết các đợt tập kích mưa hỏa lực ở miền Đông nước này đang diễn ra dồn dập, đặc biệt là ở Luhansk và Donetsk thuộc vùng Donbass và xung quanh phía Đông Bắc thành phố Kharkiv.
Động thái này của Nga được cho là chuyển hướng mục tiêu quân sự trọng tâm sang vùng Donbass. Tổng thư ký NATO cảnh báo rằng các lực lượng Nga không rút lui mà đang tái bố trí lực lượng khi duy trì sức ép ở thủ đô Kiev và các thành phố khác. Các quan chức Mỹ và Ukraine cho rằng Nga có thể sẽ củng cố binh lực ở Belarus.
Fox News dẫn nguồn từ một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết Kiev vẫn liên tục bị không kích, bất chấp việc Nga thông báo giảm cường độ hoạt động ở thủ đô Ukraine và phía Bắc thành phố Chernihiv để "tăng cường lòng tin đa phương" cho các cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền của Tổng thống Zelensky.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, 31/03/2022, Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Alexey Arestovich nói rằng lực lượng Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Ông cho biết:
"Cả hai bên đều chịu thiệt hại. Nếu bạn nghĩ rằng chúng tôi không thiệt hại, bạn đã nhầm to. Trên thực tế, lực lượng Nga đã phá hủy ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi và đang kết liễu nó. Họ cũng đang tàn phá ngành công nghiệp dân sự".
Ông Arestovich cho rằng mục tiêu của Nga là biến Ukraine thành một quốc gia "không ai để tâm đến", giống như "một lãnh thổ bị phá hủy".
Nga chưa bình luận về tuyên bố nói trên của cố vấn Tổng thống Ukraine.
Bản đồ cập nhật chiến sự Ukraine tính tới hết ngày 31/03/2022.
Hãng tin CNN đưa tin, trong bài phát biểu vào đêm 31/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã loại bỏ hai tướng lĩnh hàng đầu của Ukraine và gọi họ là "những kẻ phản bội".
"Hôm nay, một quyết định khác đã được đưa ra liên quan đến những kẻ phản anh hùng. Giờ đây, tôi không có thời gian để đối phó với tất cả những kẻ phản bội. Nhưng dần dần những kẻ đó sẽ bị trừng phạt", ông nói.
Theo hãng tin AP, công ty điện lực nhà nước của Ukraine, Energoatom, cho biết việc Nga rút quân tại Chernobyl diễn ra sau khi các binh sĩ phơi nhiễm "liều lượng đáng kể" bức xạ trong lúc đào hào chiến đấu ở khu vực cấm xung quanh nhà máy đã đóng cửa này. Tuy nhiên hiện không có xác nhận độc lập cũng như phản hồi từ phía Nga về điều đó.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ đã được Ukraine thông báo bằng văn bản rằng các lực lượng Nga tại địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới đã chuyển giao quyền kiểm soát cơ sở này.
Theo đó, Ukraine thông báo ba đoàn xe của lực lượng Nga đã rời đi về phía Belarus, trong khi những binh sĩ còn lại dường như cũng đang lên kế hoạch rút khỏi Chernobyl.
Quân đội Nga thông tin về chiến sự
Truyền thông Nga dẫn tuyên bố của Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào
"Sáng ngày 31/3, Kiev đã cố gắng sơ tán ban chỉ huy Trung đoàn Azov (lực lượng cánh hữu khét tiếng) khỏi thành phố Mariupol bằng 2 trực thăng Mi-8. Sự tính toán này không qua mặt được các tổ hợp phòng không di động của Dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR)".
Máy bay trực thăng Mi-8 số 1 của Ukraine đã bị một kíp chiến đấu tên lửa phòng không vác vai cơ động của Dân quân Nhân dân Cộng hòa Donetsk (DPR) tự xưng, sử dụng tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất bắn hạ và bị rơi gần Rybatskoe.
Cũng theo vị tướng Nga, chiếc Mi-8 thứ 2 của Ukraine bị hư hại do trúng tên lửa, đã cố gắng di chuyển về phía biển nhưng bị rơi cách bờ chừng 20 km.
Trước đó, có thông tin cho rằng phó chỉ huy của Azov có tên Svyatoslav Palamar được biết đến với bí danh "Kalina" đã thiệt mạng ở Mariupol - theo Bộ Quốc phòng Nga, chỉ huy Ukraine đã ở trên 1 trong những chiếc trực thăng bị bắn rơi.
Tờ Vz.ru thì đưa tin những người sống sót sau vụ trực thăng quân sự Mi-8 bị bắn rơi ở Mariupol mới đây đã hé lộ chi tiết nhiệm vụ và số lượng của họ.
Cụ thể một trong 2 người sống sót và cũng là thành viên Trung đoàn Azov có bí danh "Odessit" (người đến từ Odessa) đã khai rằng có tới 4 chiếc trực thăng Mi-8 vận chuyển đạn dược tới vị trí của quân Ukraine ở Mariupol.
Sau đó mỗi chiếc trực thăng đã chở theo mình khoảng 16 người (tổng cộng khoảng hơn 60 người) rời khỏi thành phố cảng bị bao vây.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cũng thông báo mở một hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường từ thành phố Mariupol tới Zaporozhye.
Trong khi đó, chiến sự ở Mariupol gần như "đã xong" khi các lực lượng vũ trang Nga kiểm soát được hơn 95% diện tích thành phố này, dồn quân Ukraine vào khu vực nhà máy thép, nơi được cho là có nhiều hầm ngầm để cố thủ.
Mỹ khuyến cáo tất cả công dân rời Nga và Ukraine ngay lập tức
"Tất cả công dân Mỹ ở Nga và Ukraine nên rời đi ngay lập tức," đài RT (Nga) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price tuyên bố tại cuộc họp báo hàng ngày tại Foggy Bottom.
Ông Price cho biết cố vấn du lịch của Bộ Ngoại giao hôm 30/3 đã cập nhật khuyến cáo đi lại với Nga, yêu cầu công dân Mỹ cư trú hoặc đi du lịch ở nước này rời đi ngay lập tức. Trong khi đó, khuyến cáo đi lại với người Mỹ ở Ukraine được cập nhật trước đó một ngày và chỉ yêu cầu người Mỹ ở đây đăng ký với đại sứ quán.
Trang web khuyến cáo đi lại của Mỹ cảnh báo công dân không nên đến Nga do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tỉ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin cao kỉ lục giữa trừng phạt từ phương Tây
Tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga với Tổng thống Putin lên mức cao kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Levada công bố ngày 31/3 cho thấy có 83% số người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Nga, tăng mạnh so với tỉ lệ 69% hồi tháng 1/2022 cũng do Levada công bố, cũng như tỉ lệ tín nhiệm 71% do Quĩ Dư luận công (POF) khảo sát hồi đầu tháng 3.
Mức độ tín nhiệm của công dân Nga đối với các thiết chế chính quyền cũng tăng.
Ukraine sẽ tiếp tục đàm phán trực tuyến với Nga về Hiệp ước hòa bình
Ngày 31/3, đại diện phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ tiếp tục bằng hình thức trực tuyến vào ngày 1/4.
Ông Arakhamia nói thêm rằng các bên sẽ bắt đầu thảo luận về dự thảo Hiệp ước hòa bình do phía Ukraine chuẩn bị.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov không xác nhận chính xác ngày diễn ra vòng đàm phán tiếp theo.
Biểu tượng chữ Z trên các xe tăng và phương tiện cơ giới Nga.
Một số nước châu Âu cấm biểu tượng chữ V và Z
Theo RT (Nga), Quốc hội Latvia ngày 31/3 đã thông qua luật cấm hiển thị các chữ cái "Z" và "V" ở nơi công cộng với lý do đây là biểu tượng mà quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, hiện là thành viên EU và NATO, đã hành động sau khi chính phủ Ukraine kêu gọi kiểm duyệt các biểu tượng.
Quốc hội Latvia đã sử dụng thủ tục khẩn cấp để bỏ phiếu trong ngày 31/3 về các sửa đổi luật, yêu cầu cấm hiển thị các biểu tượng về "xâm lược quân sự và tội ác chiến tranh" tại các sự kiện công cộng. Các cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tới 400 euro, trong khi các tổ chức có thể bị phạt tới 3.200 euro.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã kêu gọi toàn thế giới "hình sự hóa" việc sử dụng biểu tượng chữ "Z" như một sự ủng hộ Nga. Một nhà ngoại giao Slovenia cùng ngày 31/3 tiết lộ rằng đại sứ quán nước này ở Kiev đã bị yêu cầu hạ quốc kỳ của họ vì nó quá giống với lá cờ của Nga.
RT cho biết một số bang của Đức cũng tuyên bố sẽ phạt các cá nhân hiển thị biểu tượng chữ Z. Nước láng giềng của Latvia là Lithuania (Litva) cũng đang xem xét lệnh cấm hiển thị chữ "Z".
End of content
Không có tin nào tiếp theo