Quốc tế

Tổng thống Serbia tuyên bố thẳng không mua S-400

Phát biểu trên kênh RTS TV hôm 6/11, Tổng thống Serbia, ông Alexanderar Vucic nói nước này không có kế hoạch mua hệ thống S-400 của Nga.

Tuyên bố được ông Vucic đưa ra sau khi tham dự cuộc tập trận chung giữa Nga và Serbia và kiểm tra các hệ thống phòng thủ S-400, trong đó có cả khoa mục bắn đạn thật.

"Từ những gì tôi được biết, S-400 là hệ thống phòng thủ sở hữu sức mạnh cực ấn tượng. Nhưng chúng tôi không có kế hoạch mua chúng vì ngân sách của chúng tôi không cho phép làm điều đó. Hiện Serbia đang cần tiền cho các dự án làm đường cao tốc và đầu tư vào nhiều dự án khác", ông Vucic nói.

Hệ thống S-400.

Mặc dù không mua nhưng Tổng thống Vucic đã hết lời ca ngợi S-400 khi ông nói: "Bạn biết đấy, nếu bạn có vũ khí như thế này, sẽ không ai dám tấn công bạn".

Vậy Nga bán được gì cho Serbia sau khi điều những phòng không tối tân hàng đầu của mình đến quốc gia này diễn tập? Theo tuyên bố của ông Alexanderar Vucic, dù không mua S-400 nhưng nước này đã quyết định mua tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S (không rõ số lượng).

Những hệ thống Pantsir-S hiện đang được sản xuất, cùng với đó kíp chiến đấu Serbia đang được đào tạo tại Nga. "Mọi thứ đang diễn ra đúng kế hoạch và chúng tôi sẽ nhận được những hệ thống phòng không này trong thời gian sớm nhất", tổng thống Serbia nói.

Được biết, trước khi hai bên ký hợp đồng Pantsir-S, Nga đã đồng ý thông qua gói viện trợ vũ khí lớn nhất từ trước tới nay cho Serbia kể từ khi Liên Xô tan rã. Số vũ khí này bao gồm 6 tiêm kích MiG-29 đã qua sử dụng, 30 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và 30 xe trinh sát bọc thép BRDM-2.

Ngoài ra, hai bên cũng đang xem xét khả năng mở rộng các gói viện trợ quân sự mà Nga dành cho Serbia với việc bổ sung thêm các tổ hợp vũ khí phòng không như Buk-M2 và 2K22 Tunguska. Với các gói viện trợ quân sự này, các công ty quốc phòng Nga cũng sẽ chính thức trở lại Serbia với các hợp đồng nâng cấp hoặc duy tu số vũ khí Moscow mới tặng cho Beograd.

Hiện tại, số MiG-29 mà Nga sắp chuyển giao cho Serbia đã được rút khỏi biên chế của Không quân Nga. Số MiG-29 trên gồm một chiếc MiG-29A (9.12A), ba chiếc MiG-29S (9.13) và hai chiếc MiG-29UB và số máy bay này vẫn có thể hoạt động đến tận năm 2030 sau khi trải qua quá trình đại tu.

Khả năng chiến đấu của Không quân Serbia hiện tại gần như là bằng không khi họ chỉ có ba chiếc MiG-21UM và ba chiếc MiG-29B/UB - tất cả đều có thời gian phục vụ đã khá lớn, còn dòng chiến đấu cơ chủ lực của Serbia là Soko J-22 Orao chỉ thiên về khả năng tấn công mặt đất hơn là không chiến

Còn đối với số xe tăng T-72 và xe bọc thép BRDM-2, nhiều khả năng chúng sẽ được lấy ra từ các kho vũ khí dự trữ chiến lược của Quân đội Nga hiện tại vốn luôn được duy trì với số lượng lên tới hàng ngàn chiếc.

Được biết Quân đội Serbia hiện tại cũng được trang bị những chiếc T-72 và biến thể của nó là M-84 vốn do Nam Tư chế tạo trước đây, tuy nhiên số lượng T-72 của Serbia chỉ khoảng hơn 10 chiếc và chúng hầu như không được nâng cấp gì nhiều.

Do đó dưới sự hỗ trợ của Nga số xe tăng trên nhiều khả năng sẽ được nâng cấp đồng bộ với số T-72 Nga sắp bàn giao cho Serbia.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo