Quốc tế

Tổng thống Trump đối mặt những ngày "giông bão" nhất trong nhiệm kỳ

Giữa lúc đối mặt nhiều chỉ trích vì đại dịch Covid-19 mà cho tới nay đã làm hơn 100.000 người Mỹ thiệt mạng và khiến nền kinh tế lao dốc không phanh, Tổng thống Trump lại hứng chịu một "cú sốc" khác.

Quân đội Đức thử nghiệm súng máy thế hệ mới / Liên tục gãy cánh, "gà đẻ trứng vàng" Mi-8 Nga bị báo động đỏ về mức độ an toàn

Tổng thống Trump đối mặt những ngày giông bão nhất trong nhiệm kỳ - 1 Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/5. (Ảnh: Reuters)

“Những người Mỹ đang theo dõi bài diễn văn đêm nay đã chứng kiến những hình ảnh bạo lực gần đây trên đường phố của chúng ta và những vụ bạo loạn trong các cộng đồng của chúng ta. Nhiều người là nhân chứng của tình trạng bạo lực này, trong khi một số người khác là nạn nhân của tình trạng đó. Tôi có một thông điệp gửi tới tất cả các bạn: tội ác và bạo lực đang dày vò đất nước của chúng ta ngày hôm nay sẽ sớm, ý tôi là rất sớm, đi đến hồi kết”.

Phát biểu trên là của ông Donald Trump, tuy nhiên không phải vào thời điểm tháng 5/2020 mà là vào tháng 7/2016, khi ông chấp thuận trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong hội nghị toàn quốc của đảng ở Cleveland.

Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, ông Trump, vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ đắc cử nhưng không hề có kinh nghiệm về quân sự hay chính trị, đã gặp may mắn và vượt qua khủng hoảng. Nhưng tới năm thứ 4, mọi thứ dường như thay đổi.

Ngay cả những người chỉ trích Tổng thống Trump nặng nề nhất cũng không thể đổ lỗi cho ông về loại virus được tin là bắt nguồn từ một khu chợ ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hay về sự sụp đổ của nền kinh tế hoặc về 4 thế kỷ của nô lệ, chia rẽ, đàn áp của cảnh sát và phân biệt chủng tộc.

Nhưng lần này, họ có thể đổ lỗi cho đương kim tổng thống Mỹ vì cách ông biến tình hình vốn đã tồi tệ càng trở nên tồi tệ hơn. Năng lực lãnh đạo hạn chế, sự chia rẽ về sắc tộc, những phát ngôn gây tranh cãi, sự xói mòn về quy tắc, thể chế… tất cả đã kết hợp lại để tạo thành “mồi lửa” chỉ chờ bùng nổ khi các cuộc khủng hoảng xuất hiện.

 

Những người chỉ trích cho rằng Tổng thống Trump chưa được chuẩn bị kỹ càng cho thời điểm này. Ông tìm cách coi nhẹ mối đe dọa về Covid-19 và không chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch. Ông cũng không để tâm tới việc các cộng đồng người da màu sẽ phải chịu đựng những hệ quả về y tế và kinh tế như thế nào do dịch Covid-19. Khi tình trạng bạo loạn đang lan ra hàng chục thành phố tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, ông đưa ra những phát biểu gây tranh cãi như gọi người biểu tình ở Minneapolis là “những kẻ côn đồ”, hay cảnh báo “khi cảnh cướp bóc xảy ra, súng sẽ bắt đầu nổ”.

Theo nhà bình luận David Smith của hãng tin Guardian, nước Mỹ vẫn đang chờ đợi trong vô vọng một bài phát biểu giúp hàn gắn những vết thương, hướng đến mục tiêu chung và thừa nhận nỗi đau truyền qua nhiều thế hệ của người Mỹ gốc Phi. Điều này cần đến sự hiểu biết sâu sắc, sự nhạy cảm về văn hóa và cả sự cảm thông của con người. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như chưa làm được điều đó.

Người Mỹ chờ đợi bài phát biểu hàn gắn đất nước

Tổng thống Trump đối mặt những ngày giông bão nhất trong nhiệm kỳ - 2 Người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng đêm ngày 31/5. (Ảnh: EPA)

Ngày 31/5, tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, người dân chứng kiến những mảnh kính vỡ vụn, những chiếc xe bị thiêu rụi, những cơ thể bầm tím và những tòa nhà bị tàn phá. Người biểu tình ồ ạt xuống đường phản đối nạn phân biệt chủng tốc. Hàng nghìn người tập trung bên ngoài Nhà Trắng, biểu tình và phóng hỏa.

 

Trong khi đó, Tổng thống Trump vẫn ở trong Nhà Trắng và không có bài phát biểu chính thức, ngoài những bài đăng với giọng điệu giận dữ trên Twitter khiến người biểu tình càng bất mãn.

Chưa bao giờ trong 1.227 ngày cầm quyền của Tổng thống Trump, nước Mỹ cần đến tiếng nói lãnh đạo của ông như cuối tuần qua. Tuy nhiên, ông Trump dường như vẫn chưa thể hiện được vai trò này.

Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận định, Tổng thống Trump và một số cố vấn của ông có thể tính toán rằng, ông không nên phát biểu trước toàn dân vào thời điểm này vì thực chất, ông cũng không có thông tin gì mới để nói và cũng chưa có chính sách hay hành động cụ thể nào để thông báo. Khi chưa cảm thấy có động lực cấp bách để đưa người dân xích lại gần nhau, ông Trump đã chọn cách im lặng.

Tổng thống Trump đã để các bài đăng trên Twitter thay ông lên tiếng. Một bài chỉ trích thị trưởng Dân chủ Minneapolis; một bài khác thông báo chính quyền của ông sẽ coi phong trào Antifa là tổ chức khủng bố vì liên quan đến làn sóng biểu tình tại Mỹ; một bài cáo buộc truyền thông xúi giục sự thù hận và vô chính phủ; một bài tự ca ngợi về quyết định triển khai Vệ binh Quốc gia và một bài chỉ trích cựu phó Tổng thống Joe Biden.

Trong vòng tròn chính trị của Tổng thống Trump, các cố vấn cũng đưa ra những quan điểm mâu thuẫn về việc ông chủ Nhà Trắng nên thể hiện vai trò lãnh đạo như thế nào sau khi vụ việc của George Floyd khiến nước Mỹ rơi vào bất ổn. Sau khi tham vấn một số cố vấn, ông Trump quyết định không đưa ra bài phát biểu nào hôm 31/5 về các cuộc biểu tình bạo lực mà nhiều người cho là sự bất bình đẳng sắc tộc mang tính hệ thống do lực lượng thực thi luật pháp gây ra.

 

Tổng thống Trump đối mặt những ngày giông bão nhất trong nhiệm kỳ - 3 Cảnh sát xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình tại Washington (Ảnh: Reuters)

Một số thành viên trong đội ngũ tái tranh cử của ông Trump và một số nhân viên Nhà Trắng, vẫn đang hối thúc tổng thống đưa ra bài phát biểu tại Phòng Bầu Dục. Ông Trump có thể sẽ phát biểu trong tuần này, nhưng trước hết, các cố vấn muốn ông phát triển các ý tưởng mang tính xây dựng.

Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Trump dự kiến sẽ sắp xếp các cuộc họp trong tuần này với các quan chức hành pháp, các nhà lãnh đạo da màu và các bên liên quan. Các cố vấn của ông Trump cho rằng đây là cơ hội để ông giải quyết tình hình hiện tại và đưa ra các chính sách.

“Chúng tôi muốn nói về pháp luật và trật tự, cách hàn gắn mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát và cộng đồng người Mỹ gốc Phi, những chính sách cụ thể mà chúng tôi có thể triển khai, đồng thời vạch trần những phần tử xấu đang lợi dụng tình hình thảm họa để biến chúng thành cơ hội gieo rắc sự bất hòa và ngờ vực”, quan chức Mỹ cho biết.

Khi được hỏi liệu Tổng thống Trump có kế hoạch phát biểu trước cả nước hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O’Brien nói với CNN rằng ông Trump đã đưa ra những “bình luận rất thuyết phục” về cái chết của George Floyd và ông vẫn “diễn thuyết trước cả nước gần như hàng ngày” trên mạng xã hội hoặc trên những phương tiện khác.

 

Trong chuyến thăm tới Trung tâm Không gian Kennedy ở bang Florida ngày 30/5, Tổng thống Trump nói rằng sự ra đi của Floyd là “thảm kịch” không nên xảy ra. Ông cũng tự mô tả mình là “một người bạn và đồng minh của mọi người Mỹ đang đang kiếm sự công bằng và hòa bình”, song cũng phản đối “bất kỳ ai lợi dụng thảm kịch để cướp bóc, tấn công và đe dọa”.

“Ông ấy đang cố gắng để ngăn chặn tình trạng bạo lực mà chúng ta đã chứng kiến diễn ra đêm qua và gửi thông điệp mạnh mẽ đó là, chúng tôi muốn luật pháp và trật tự tại đất nước này”, Cố vấn An ninh Quốc gia O’Brien nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm