Quốc tế

Trào lưu tự tử và đầu thú của quan tham Trung Quốc

Đồng thời với trào lưu tự sát, quan trường Trung Quốc cũng đã xuất hiện làn sóng quan tham ra đầu thú.

Bản đồ chiến sự Syria tháng 11/2018 / 4 binh lính Syria thiệt mạng trong cuộc tấn công mới nhất của phiến quân ở Hama

Theo truyền thông Trung Quốc, sáng ngày 1/11, Lý Chí Bân, Phó giám đốc Sở Công an Nội Mông, Cục trưởng Công an thành phố Huvhot, thủ phủ Khu tự trị Nội Mông thắt cổ tự tử tại nhà nghỉ công vụ của công an thành phố. Tại hiện trường thu được một di thư của người xấu số nói ông ta “tự tìm đến cái chết” do mắc phải chứng trầm cảm đã lâu.

Tuy nhiên, theo trang tin Đông Phương, người ta lưu ý đến việc Lý Chí Bân “tự sát vì trầm cảm” xảy ra sau một loạt vụ quan chức địa phương này liên tiếp bị điều tra: ngày 25/10, Hình Vân, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân khu mặc dù đã nghỉ hưu 3 năm vẫn bị cơ quan Ủy ban Kiểm tra kỷ luật - Ủy ban giám sát điều tra vì “có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”; ngày 29/10, Đỗ Bảo Quân, Cục phó Công an thành phố Huvhot, cấp dưới của Lý Chí Bân bị điều tra; ngày 30/10, đến lượt Mạnh Kiến Vĩ, nguyên Phó Giám đốc CA khu Nội Mông đã nghỉ hưu 1 năm trước nay cũng bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”. Hai ông Hình Vân và Mạnh Kiến Vĩ được biết có mối quan hệ thân thiết với Lý Chí Bân.

Trước đó, vào tháng 4. Viện Kiểm sát tối cao đã chính thức phát lệnh bắt Bạch Hướng Quần, nguyên đảng ủy viên, Phó chủ tịch chính quyền khu tự trị Nội Mông; Quần đã bị xử lý khai trừ đảng tịch và công chức hồi tháng 10 vừa qua. Chưa hết, hôm 29/10, Viện Kiểm sát thành phố Thông Liêu đã khởi tố Dương Quốc Văn, nguyên Bí thư thành ủy Ulancha về tội nhận hối lộ và có tài sản không thể giải trình rất lớn.

Theo Đông Phương, tư liệu công khai cho thấy, Lý Chí Bân công tác trong hệ thống công an Nội Mông nhiều năm. Trong thời gian là Phó thị trưởng, Cục trưởng Công an thành phố Xích Phong đã xử lý nhiều vụ án quan trọng, trong đó có vụ Triệu Lê Bình, Giám đốc Sở Công an, Phó chủ tịch Chính Hiệp Nội Mông cố ý giết hại người tình (Triệu Lê Bình đã bị tử hình năm 2017). Cuối năm 2015, Lý Chí Bân được thăng chức Phó Giám đốc Sở kiêm Cục trưởng CA thành phố Huvhot – thủ phủ của Khu tự trị Nội Mông. Ông ta từng được truyền thông ca ngợi là “cán bộ lãnh đạo trẻ, tài năng trưởng thành từ nhân viên đồn cảnh sát ở cơ sở”. Chỉ mấy ngày trước khi Bân tự sát, ông ta còn tháp tùng Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa khi ông này tới Nội Mông thị sát.

Lý Chí Bân không phải là quan chức cấp tỉnh đầu tiên tự sát. Từ sau Đại hội 19, quan trường Trung Quốc đã liên tiếp xảy ra các vụ quan chức chết “bất đắc kỳ tử” kiểu này. Hôm 21/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Trịnh Tiểu Tùng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ trung ương tại đặc khu hành chính Macao “ngã lầu chết do mắc chứng trầm cảm”. Trước đó, Đoàn Kim Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông Thương Thiên Tân cắt tay tự sát chết. Cũng “ngã lầu chết” còn có Trịnh Kim Xa, Cục trưởng Công an khu Quảng Phong, Thượng Nhiêu, Giang Tây; Vương Hiểu Minh, Phó Tổng thư ký chính quyền thành phố Bắc Kinh và ông Cục trưởng Quy hoạch thành phố Ninh Quốc, tỉnh An Huy.

Trào lưu tự tử và đầu thú của quan tham Trung Quốc - ảnh 1 Trịnh Hiểu Tùng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ trung ương ở Macao "ngã lầu" chết

Theo trang tin Đa Chiều, những trường hợp trên được đưa tin công khai chỉ là “phần nổi của tảng băng” quan chức tự sát. Phía sau những vụ tự sát này đều có những câu chuyện bí ẩn, người ngoài rất khó biết được bên trong đã xảy ra điều gì; còn công tác điều tra về những cái chết này thường nói rất mập mờ khiến người ngoài không thể biết rõ. Có điều, những hiện tượng trên cho thấy rõ một điều, áp lực của cuộc chiến chống tham nhũng hủ bại đã bắt đầu đi vào chiều sâu; đồng thời cũng phản ánh tính phức tạp và uy hiếp rất lớn. Có ý kiến cho rằng, một mặt do truyền thống “tử giả vi đại” (tôn trọng người chết), cơ quan điều tra cũng không muốn tiếp tục điều tra vấn đề vi phạm kỷ luật, pháp luật của quan chức đã tự sát để tránh bị mang tiếng xấu là cay nghiệt.

Mặt khác, việc quan chức lấy cái chết để kết thúc việc không chốn nương thân khi bị điều tra có vẻ phản ánh việc quan chức tự biết không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, tâm thái yếu mềm sinh ra ý nghĩ tìm đến cái chết. Tuy nhiên vẫn tồn tại khả năng khác: ngoài việc tự biết khó thoát tội ra, một bộ phận quan chức có vấn đề cũng xem xét dùng cái chết của bản thân để bảo vệ những của cải vơ vét được, đổi lấy sự bình an của người thân.

Đồng thời với trào lưu tự sát, quan trường Trung Quốc cũng đã xuất hiện làn sóng quan tham ra đầu thú. Ngày 31/7, ông Ngải Văn Lễ, Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Hà Bắc ra đầu thú; sau đó một loạt quan tham khác tới tấp tới cơ quan điều tra “đấu án tự thú”: Vương Xã Quần, Trưởng ban Mặt trận thành ủy Hàm Đan, Hà Bắc; Ngụy Siêu Kiệt, Phó thị trưởng Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam; Cương Chấn Đào, Phó chủ tịch HĐND thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm; Trần Hồng Thăng, Phó quận trưởng Lương Khê, Vô Tích, tỉnh Giang Tô; Vương Đại Toàn, Phó chủ tịch HĐND thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc…

Được biết, ngày 20/3/2018, Trung Quốc đã thông qua Luật Giám sát, trong đó có điều 31 quy định: người phạm tội chức vụ nếu chủ động nhận tội, tự động báo án, chân thành hối lỗi…có thể sẽ được đề nghị viện kiểm sát khoan hồng khi xử phạt. Vì thế, “hiệu ứng tự thú” sinh ra cũng không có gì là lạ; những quan chức vi phạm sau khi cân nhắc lợi hại, đã chọn cách tự thú để được khoan hồng khi xét xử.

Đa Chiều cho rằng, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo, Trung Quốc luôn thực hiện phương thức “bàn tay sắt” trong chống tham nhũng; các “Hổ lớn”liên tiếp bị lôi ra, lĩnh vực “đả Hổ” không ngừng mở rộng. Nay xem ra, cuộc chiến này đã chuyển từ kiểu phong trào sang chế độ hóa, diễn biến tiếp theo vẫn đáng phải theo dõi.

Theo tienphong.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm