Quốc tế

Trì hoãn thêm 13 tháng, chương trình F-35 của Mỹ vẫn chưa hết 'sóng gió'

Chương trình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 'đầy sóng gió' của Mỹ đối diện với nguy cơ trì hoãn thêm 13 tháng để kiểm tra đánh giá toàn diện máy bay này.

Theo Tạp chí Quốc phòng Jane's số ra mới nhất (18/10), do vẫn chưa thể kiểm tra cụ thể năng lực của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 trong việc đối phó hiệu quả với những đe dọa cấp cao, Lầu Năm Góc Mỹ quyết định lùi lại tiến trình sản xuất máy bay này. Nguyên nhân cụ thể là do Mỹ thiếu hệ thống mô phỏng thực tế để kiểm tra, đánh giá năng lực đối kháng của máy bay trong lúc gặp phải đe dọa cấp cao không xác định khi phóng vũ khí.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm Ellen Lord cho biết, theo kế hoạch cũ, tháng 12/2019 bắt đầu sản xuất hàng loạt, tuy nhiên căn cứ vào tình hình hiện nay Mỹ sẽ tạm dừng đến tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021.

Trước đó, trong tháng 6/2019, Defense News đưa tin, chương trình F-35 đang đối mặt với 13 vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng trong thử nghiệm và vận hành. Các vấn đề bao gồm tăng áp suất ở cabin, một số hư hỏng hiếm gặp trong cấu trúc khi bay ở tốc độ siêu âm, hoặc trong các tình huống cơ động đột ngột. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến an toàn hoặc gây nguy hiểm cho phi công.

Bên cạnh đó, khi những chiếc F-35 được bàn giao cho các phi đội của Mỹ đã tạo ra những vấn đề mới ở các căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ. Chi phí vận hành cao, thiếu phụ tùng và cách tiếp cận mới trong việc bảo trì bằng phần mềm mã hóa buộc các quan chức chương trình phải tìm giải pháp thay thế.

Trước tháng 12/2020, máy bay F-35 của Mỹ vẫn chưa thể hoàn thành các bài kiểm tra, đánh giá. Nguồn: Huanqiu

Nghiên cứu viên quân sự Dan Grazier thuộc Tổ Giám sát Dự án Giám sát Chính phủ (POGO) tiết lộ với tạp chí Jane’s, do những hạn chế trở ngại trong hành trình bay thời gian qua nên máy bay F-35 đang phải tiến hành bay thử nghiệm trong các nhiệm vụ đặc biệt cao cấp, như vượt qua mạng lưới phòng không siêu dày đặc, tích hợp cao.

Trên lý luận, Lầu Năm góc nên có đủ mô hình các loại nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, và phải có máy bay chiến đấu tấn công liên hợp với tính năng thông thường để hoàn thành đánh giá và thử nghiệm vận hành toàn diện (IOT&E), đây là điều kiện tiền đề để có thể sản xuất hàng loạt F-35.

Trong tương lai, Mỹ sẽ chế tạo ít nhất 3 hệ thống mô phỏng thực tế toàn diện. Hải quân Mỹ đã tiến hành nghiên cứu phát triển ở căn cứ Không quân Hải quân Patuxent River, Maryland trong thời gian khoảng 3 năm. Không quân Mỹ cũng có kế hoạch đến tháng 5/2020 sẽ chế tạo 2 hệ thống mới. Hệ thống thứ nhất sẽ bố trí ở căn cứ không quân Edwards, California, diện tích 21.988 mét vuông, hệ thống thứ hai sẽ bố trí tại căn cứ không quân Nellis, Nevada, diện tích 15.535 mét vuông.

F-35 được kỳ vọng sẽ bổ sung sức mạnh cho Mỹ và đồng minh trong bối cảnh F-22 của Mỹ chưa được xuất khẩu. Nguồn: Huanqiu

Được biết, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ do công ty Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo sẽ trở thành một trong những máy bay thế hệ 5 chủ lực trong tương lai của Mỹ và đồng minh. Ngày 9/2/2015 Anh có chiếc F-35 đầu tiên; ngày 28/6/2015 đến lượt Nhật Bản. Ngày 11/6/2018 công ty Lockheed Martin chế tạo chiếc thứ 300. Đến ngày 28/9/2018, một chiếc F-35B đã bị rơi trong chuyến bay huấn luyện ở Nam Carolina, Mỹ. Ngày 11/10/2018 Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, tất cả các máy bay chiến đấu F-35 sẽ tạm dừng bay để tiến hành kiểm tra.

Tham vọng của Mỹ sẽ là sản xuất F-35 với số lượng lớn, ước tính khoảng gần 3.000 chiếc. Máy bay này cũng được xem là một “cứu cánh” để Mỹ có thể hỗ trợ các nước đồng minh của Mỹ một loại máy bay tàng hình khi mà F-22 không được phép xuất khẩu.

Theo Đức Trí/Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo