Triều Tiên bắn tín hiệu cứng rắn qua vụ khai hỏa tên lửa từ tàu ngầm
Tên lửa đạn đạo do Triều Tiên phóng đi vào sáng sớm ngày 2/10 là tên lửa đầu tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, nơi cách bờ biển Nhật Bản khoảng 320 km, trong gần 2 năm.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên hôm nay xác nhận một tàu ngầm của nước này đã phóng tên lửa vào sáng hôm qua. Điều này hoàn toàn trùng khớp với suy đoán của quân đội Hàn Quốc khi Seoul nói rằng tên lửa Triều Tiên được phóng từ biển.
Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng thử tên lửa từ tàu ngầm là 3 năm trước. Tên lửa này đặt ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng vì chúng khó bị phát hiện hơn so với các tên lửa khác, đồng thời mở rộng tầm tấn công của kho vũ khí Triều Tiên.
Vụ việc hôm qua đã gợi nhắc lại vụ phóng tên lửa được cho là khiêu khích hơn của Triều Tiên hồi năm 2017 khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay qua đảo chính ở cực bắc của Nhật Bản. Vụ phóng khiến chính quyền Nhật Bản phải phát đi báo động trên điện thoại di động và dừng các chương trình trên truyền hình để nhắc nhở người dân tìm nơi trú ẩn.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không nghiêm trọng đến mức phải phát đi cảnh báo như vậy. Tuy nhiên việc Triều Tiên phóng tên lửa chỉ vài giờ sau khi nước này thông báo nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ từ lâu với Mỹ rõ ràng là hành động leo thang, nhằm thể hiện sự phát triển về công nghệ vũ khí của Bình Nhưỡng cũng như lập trường cứng rắn mà nước này sẽ theo đuổi trên bàn đàm phán.
“Trước đây họ từng tuyên bố rõ ràng rằng, họ muốn nhìn thấy một thỏa thuận thực chất vào cuối năm nay “hoặc phương án khác”. Họ không nói rõ “phương án khác” là gì, nhưng tôi cho rằng vụ phóng này là hành động báo trước về những gì sẽ xảy ra nếu họ (Triều Tiên) không nhìn thấy những kết quả như nới lỏng trừng phạt hay một thỏa thuận tạm thời”, Alexandra Bell, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Chống Phổ biến Vũ khí, cho biết.
Theo giới phân tích, Nhật Bản có thể gặp hạn chế trong việc đối phó với Triều Tiên. Vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới nhất một lần nữa cho thấy Nhật Bản đã bị gạt ra ngoài lề như thế nào, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách đưa đàm phán hạt nhân với Triều Tiên trở về quỹ đạo.
Nhật Bản cho biết nước này sẽ thiết lập một hệ thống phòng thủ trên mặt đất, hay còn gọi là Aegis Ashore, để đánh chặn các tên lửa. Tuy nhiên trên mặt trận ngoại giao, Tokyo gần như rơi vào thế bị động khi Mỹ đang tìm cách “bắt tay” với Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản phải duy trì sự cân bằng trong bối cảnh Tổng thống Trump mong muốn đạt được một chiến thắng lớn về chính sách đối ngoại với Triều Tiên, điều mà ông chủ Nhà Trắng cho đến nay vẫn chưa làm được. Tokyo không có nhiều ảnh hưởng về đàm phán với Triều Tiên, mà chủ yếu trông cậy vào mối quan hệ gần gũi giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Shinzo Abe.
Những hạn chế trong cách tiếp cận của Nhật Bản thể hiện rõ khi ông Trump nhiều lần “phớt lờ” tuyên bố của Thủ tướng Abe rằng, các vụ phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Nhật Bản phải xem xét diễn biến phức tạp trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay. Tổng thống Trump tuyên bố rõ ràng rằng ông không thấy các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là điều đáng lo ngại, vì thế nếu Thủ tướng Abe lựa chọn cách gây sức ép cứng rắn, rốt cuộc ông có thể bị đổ lỗi vì phá hỏng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, hoặc bị cho là can thiệp vào chiến lược hay chính sách của Mỹ trong khu vực”, Kristi Govella, trợ lý giáo sư về nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii cho biết.
Khi Tổng thống Trump tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên trong 2 năm qua, Nhật Bản lo sợ rằng ông chủ Nhà Trắng có thể đang vội vã giành được chiến thắng, trong đó Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình phát triển tên lửa có tầm bắn tới lục địa Mỹ, nhưng vẫn duy trì kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể bắn tới Nhật Bản.
“Thông điệp kể từ năm 2018 đó là, Nhật Bản giống như một bao cát”, Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ ở Washington, nhận định.
Chỉ trong vài năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nguyên thủ của nhiều nước, bao gồm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Tuy nhiên, ông Kim dường như cố tình phớt lờ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Abe đánh tiếng rằng ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không cần bất kỳ điều kiện gì. Tuyên bố này đánh dấu sự khác biệt so với lập trường trước đây, khi Nhật Bản yêu cầu Triều Tiên phải có một số bước tiến trong việc giải quyết những tranh cãi kéo dài hàng chục năm qua về vụ các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt giữ trong thập niên 1970 và 1980. Cho đến nay, ông Kim Jong-un vẫn chưa hồi đáp đề xuất của ông Abe.
Giới phân tích nhận định, Triều Tiên vẫn muốn gây sức ép với quốc gia láng giềng vì các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn kiên quyết ủng hộ các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.
Theo Narushige Michishita, giám đốc Chương trình Nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo, Triều Tiên có thể đang tận dụng những lợi thế khi Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa hè vào năm tới.
“Khoảng thời gian từ bây giờ tới khi diễn ra Olympic sẽ là thời điểm tốt nhất để Triều Tiên đàm phán với Nhật Bản. Nhật Bản đang ở vị thế tương đối yếu và dễ bị tổn thương vì nếu Triều Tiên gây ồn ào trước thềm Olympic, điều đó sẽ đặt Nhật Bản vào tình thế rất khó khăn”, ông Michishita nói.
Ngoài Nhật Bản, giới phân tích cho rằng Triều Tiên cũng muốn dồn sự tập trung nhiều hơn vào Mỹ, trong bối cảnh Washington đang chứng kiến cuộc chiến luận tội giữa Tổng thống Trump và phe Dân chủ.
“Triều Tiên nhìn nhận chính quyền Mỹ với vị thế đang bị suy yếu do nỗ lực luận tội tổng thống cũng như sự sụt giảm trong số người ủng hộ ông Trump”, Suzanne Dimaggio, nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình quốc tế, nhận định.
Theo bà Dimaggio, chính quyền Triều Tiên có thể cảm nhận được “khao khát giành chiến thắng” của Tổng thống Trump, sau khi nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng trong việc bảo trợ một thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan bị thất bại vào phút chót, đồng thời cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng không diễn ra bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York gần đây.
“Họ đang gặp thuận lợi trong việc khai thác các điểm yếu của ông Trump”, nhà nghiên cứu Suzanne Dimaggio cho biết.
Theo Thành Đạt/Dân trí
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo