Triều Tiên kêu gọi tự lực cánh sinh trước “cuộc chiến khốc liệt” với Mỹ
Tân thủ tướng Nga Mikhail Mishustin là ai? / Truyền thông Anh phân tích nguyên nhân Indonesia trở nên cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên biển
Đề cập tới tình hình hiện tại mà Triều Tiên đang phải đối mặt là “cuộc chiến khốc liệt” với Mỹ và các nước theo chân Mỹ, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, chỉ trích Washington có các “mưu đồ khiêu khích về chính trị, quân sự và kinh tế nhằm bóp nghẹt hoàn toàn và hủy diệt” Triều Tiên.
“Những kẻ thù của chúng ta đang thực hiện nỗ lực điên cuồng cuối cùng để phá hủy tất cả mọi thứ quý giá thuộc về chúng ta”, báo đảng của Triều Tiên nhấn mạnh.
Theo Rodong Sinmun, những gì Triều Tiên cần bây giờ không phải là tiền hay sự ủng hộ từ bên ngoài, mà là ý chí và trách nhiệm từ người dân nước này để vượt qua thử thách.
“Tinh thần núi Paekdu rất mạnh mẽ, vì tinh thần đó tạo ra mọi thứ, tinh thần đó giúp đạt được mục tiêu ngay cả khi chúng ta không có gì ngoài nước và không khí”, bài viết trên Rodong Sinmun nêu rõ.
Núi Paekdu được xem là một trong những nơi thiêng liêng nhất tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng tin rằng ngọn núi này là nơi cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sinh ra.
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), truyền thông nhà nước Triều Tiên gần như ngày nào cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần “tự lực cánh sinh”, kể từ khi ông Kim Jong-un gần đây kêu gọi Triều Tiên tăng cường chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài nhằm chống lại sức ép do Mỹ dẫn đầu trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc.
Trong bài phát biểu mừng năm mới, ông Kim Jong-un cho biết ông không kỳ vọng gì ngoài việc mong muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt càng sớm càng tốt. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng kêu gọi người dân nước này tạo ra “bước đột phá” để giải quyết những thách thức mà Triều Tiên đang phải đối mặt, đồng thời tăng cường nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ.
Quan hệ Mỹ - Triều Tiên có xu hướng căng thẳng trở lại thời gian gần đây trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp tục rơi vào bế tắc. Giới chức Bình Nhưỡng cuối năm 2019 tuyên bố ngừng đàm phán giải trừ hạt nhân với Washington và sẽ theo đuổi "con đường mới" nếu Mỹ không nhượng bộ trong đàm phán.
End of content
Không có tin nào tiếp theo