Trung - Mỹ tái hiện 'Chiến tranh giữa các vì sao'
10 khẩu súng nổi danh nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới / 4 khẩu súng đáng sợ nhất trong chiến tranh hiện đại
Trung Quốc hoàn tất hệ thống Bắc Đẩu
Hôm 23/11, Trung Quốc đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B (Changzheng-3B) mang hai vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu 3 (Beidou-3). Đây đã là các vệ tinh thứ 50 và 51 của hệ thống dẫn đường toàn cầu Beidou do Trung Quốc tự lực tạo ra, còn đối với tên lửa đẩy Changzheng, đây đã là nhiệm vụ thứ 319.
Vụ phóng tên lửa thành công diễn ra vào sáng ngày 23/11, lúc 08h55 giờ địa phương (tức 09h55 giờ Việt Nam), từ bãi phóng Sichan, tỉnh Tứ Xuyên, ở phía tây nam Trung Quốc.
Căn cứ thông báo từ Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), cả hai vệ tinh đã đi vào quỹ đạo định trước và sẽ hoạt động cùng với các vệ tinh Beidou được phóng lên trước đó, sau khi hoàn thành loạt thử nghiệm.
Với vụ phóng tên lửa đẩy thành công này, Trung Quốc cơ bản đã hoàn tất hệ thống dẫn đường và định vị toàn cầu Bắc Đẩu của nước này, hình thành một đối thủ cạnh tranh với các hệ thống GPS của Mỹ và GLONASS của Nga.
Như vậy, Trung Quốc đã thành công tuyệt đối trong việc tạo ra mạng lưới cốt lõi dẫn đường toàn cầu của hệ thống Bắc Đẩu. Đây là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Beidou từ hệ thống nội bộ sang quốc tế.
Sang năm 2020, hệ thống sẽ bắt đầu hoạt động và cung cấp dịch vụ điều hướng cơ bản trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia và khu vực tham gia Dự án “Một vành đai, Một con đường".
Trước những bước tiến như vũ bão của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, bản báo cáo thường niên công bố gần đây của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung thuộc quốc hội Mỹ nhận định rằng, một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Mỹ là chương trình vũ trụ của Trung Quốc, Ủy ban khuyến nghị rằng, chạy đua cạnh tranh vũ trụ giữa Bắc Kinh và Washington đang nhanh chóng gia tăng.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Trung Quốc cho rằng, đây là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế và là ưu tiên quân sự.
Hơn nữa, các tác giả của báo cáo cho rằng, Trung Quốc đặt ra mục tiêu chiếm lấy vị trí quốc gia hàng đầu thế giới cả trong việc thành lập các khu kinh tế vũ trụ và trong cuộc chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ. Bắc Kinh có kế hoạch dài hạn về việc phát triển kinh tế vũ trụ để chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực này.
Trung Quốc là đối thủ chính của Hoa Kỳ?
Báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung thuộc quốc hội Mỹ đã tập trung chú ý đến việc Trung Quốc có tham vọng khám phá Mặt Trăng và không gian gần Mặt Trăng.
Bắc Kinh hiện đang xem xét các kế hoạch khác nhau cho hoạt động trên Mặt Trăng, ví dụ như việc khai thác khoáng sản trên Mặt Trăng, đưa con người lên sống dài hạn trên đó...
Trung Quốc cũng có dự án đầy hứa hẹn là đến năm 2050 sẽ thành công trong việc đưa các nhà máy điện mặt trời lên vũ trụ, để thu năng lượng Mặt Trời trong không gian và đưa nó trở lại Trái Đất để sử dụng.
Hiện nay, Trung Quốc tích cực tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan. Đồng thời, Bắc Kinh tạo ra mạng lưới các thỏa thuận hợp tác với nước ngoài để trong tương lai công ty vũ trụ Trung Quốc có đủ khách hàng và đối tác cần thiết để thực hiện các dự án không gian.
Trong cuộc chạy đua vũ trang trên không gian, Bắc Kinh đã thực hiện bước tiến quan trọng nhất trong những năm gần đây là thành lập lực lượng quân đội mới là Lực lượng hỗ trợ chiến lược chịu trách nhiệm về các khía cạnh khác nhau trong chiến tranh thông tin và các hoạt động quân sự trên không gian.
Theo quan điểm của Mỹ, cách tiếp cận của Trung Quốc đến việc phát triển vũ khí chống vệ tinh đang gây bất ổn, vì Bắc Kinh tạo ra nhiều loại thiết bị quân sự và công nghệ “sử dụng kép” có thể đe dọa các vệ tinh của Mỹ. Tuy nhiên, không rõ tại sao hệ thống của Trung Quốc gây bất ổn nhiều hơn so với các hệ thống chống vệ tinh do Hoa Kỳ tạo ra.
Đồng thời, Trung Quốc đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra các vệ tinh quan sát (các vệ tinh có khả năng cơ động trên quỹ đạo, tiếp cận tàu vũ trụ của nước khác, cũng như các vệ tinh được trang bị máy điều khiển để thực hiện các công việc sửa chữa trên quỹ đạo). Những khả năng này cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các vệ tinh của đối phương.
Các khuyến nghị của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cho thấy rằng, sự cạnh tranh Trung-Mỹ trong không gian sẽ ngày càng gay gắt hơn; do đó, Hoa Kỳ phải thực hiện một số biện pháp đặc biệt để duy trì vị thế số 1 trong lĩnh vực vũ trụ.
Trước hết, Washington cần phải tập trung chú ý đến việc bảo vệ các vệ tinh quân sự, vì Trung Quốc coi sự phụ thuộc của quân đội Mỹ vào thông tin liên lạc và tình báo vũ trụ là một yếu tố khiến nước này dễ bị tổn thương trong cuộc 'Chiến tranh giữa các vì sao'.
Ngoài ra, phía Mỹ sẽ không chỉ tập trung chú ý đến lĩnh vực vũ trụ, mà còn sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn và sẽ kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn để ngăn chặn ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc tiếp cận các công nghệ và những kinh nghiệm của phương Tây. Điều này có thể khiến Nga-Trung xúc tiến đẩy mạnh hợp tác không gian.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cuộc đua chiếm lĩnh không gian giữa các cường quốc đang ngày càng quyết liệt