Quốc tế

Trung Quốc đi từ 'học việc' đến 'chuyên gia' đóng tàu sân bay thế nào?

Tàu sân bay thứ hai, Type 001A của Trung Quốc vừa thử nghiệm trên biển lần cuối cùng; như vậy có thể khẳng định Trung Quốc đã vượt qua thời gian 'học việc' và bắt đầu tiến tới 'làm chủ' công nghệ.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh trên thực tế là tàu tuần dương hàng không mẫu hạm hạng nặng của Liên Xô, thuộc Dự án 1143.5 Krechet (cùng lớp với tàu Kuznetsov của Nga hiện nay); con tàu này được gọi là Varyag (hoặc Varangian) trong tình trạng đóng dở, tại Nhà máy đóng tàu Biển Đen ở Ukraine vào đầu thập niên 1990.

Năm 1998 Varyag được bán cho Trung Quốc với giá 20 triệu USD để chuyển đổi nó thành một trung tâm giải trí nổi; đồng thời Kiev bàn giao cho người mua tất cả các tài liệu về chế tạo lớp tàu này cho phía Trung Quốc. Nhưng khi về đến Trung Quốc, Varyag đã được chuyển đổi mục đích, cải tạo để trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và được đặt tên là Liêu Ninh; tàu được đưa vào sử dụng năm 2012.

Tàu sân bay Liêu Ninh đóng vai trò hỗ trợ trong hải quân Trung Quốc và được sử dụng như một tàu sân bay huấn luyện; mục đích để hải quân Trung Quốc làm quen, dần thành thạo các quy trình vận hành tàu sân bay cũng như máy bay trên tàu.

Động cơ, vũ khí tự vệ, cơ chế cất và hạ cánh của máy bay trên hạm đều không khác nhiều so với chiếc tàu sân bay Kuznetsov của Nga. Ngoại trừ số lượng máy bay của Liêu Ninh thì ít hơn (chỉ 24 chiếc), lý do là Liêu Ninh sử dụng tiêm kích hạm J-15 (được sao chép từ Su-33 của Liên Xô), còn chiếc Kuznetsov sử dụng MiG-29K, phiên bản dùng cho tàu sân bay nên nhỏ gọn hơn. Bù lại số máy bay trực thăng của Liêu Ninh khá hùng hậu, gồm 14 chiếc với mục đích dùng cho tác chiến điện tử, chống ngầm và tìm kiếm cứu nạn.

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc - Type 001A là chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo, trên cơ sở kinh nghiệm thu được từ việc cải tạo, hoàn thiện chiếc Liêu Ninh; Type 001A được hạ thủy tháng 4 năm 2017 và đang tiến hành thử nghiệm trên biển.

Type 001A lớn hơn một chút so với Liêu Ninh, nhưng thực sự không có nhiều khác biệt. Sự khác biệt là tải trọng của Type-001A tăng thêm 5.000 tấn, đường băng cất hạ cánh dài hơn do thu gọn đài chỉ huy; chiều dài tàu là 315 mét, so với 304 mét của Liêu Ninh.

Số máy bay J-15 của Type-001 đã tăng lên gấp rưỡi so với Liêu Ninh (36 chiếc) nhờ mở rộng hầm chứa máy bay dưới boong; đổi lại các kỹ sư Trung Quốc đã thiết kế lại, nhất là các hệ thống vũ khí phòng vệ hoặc giảm kích thước của các thiết bị; như vậy có thể khẳng định Trung Quốc đã có những bước tiến lớn về công nghệ.

Tuy nhiên, những gì các kỹ sư Trung Quốc làm được không có gì là quá lớn, vì thiết kết lớp tàu sân bay Krechet của Liên Xô ra đời gần nửa thế kỷ trước. Trong nửa thế kỷ qua, công nghệ đóng tàu đã trên thế giới đã có những bước tiến vượt bậc.

Tư duy thiết kết trong Type-001 được cho là ảnh hưởng rất lớn của thiết kế tàu sân bay Mỹ và khác xa tư duy thiết kế tàu sân bay của Liên Xô (trước kia) và Nga (hiện nay), khi trên tàu không còn được trang bị quá nhiều vũ khí phòng vệ; nhiệm vụ này được giao cho các tàu hộ vệ thuộc biên đội tàu sân bay.

Một kỷ lục đáng nể của ngành đóng tàu quân sự Trung Quốc đó chính là việc đóng mới tàu sân bay Type-001A, từ khi khởi công đến khi hạ thủy chỉ ba năm rưỡi; như vậy mới thấy Trung Quốc đã nắm chắc kỹ thuật chế tạo tàu sân bay ở mức nào. Tuy nhiên Type-001A vẫn phải dùng động cơ của Nga. Như vậy có thể khẳng định, tàu sân bay nội địa Type 001A là vị trí trung gian giữa “học nghề” và “làm chủ” về công nghệ trong đóng tàu sân bay của Trung Quốc; nhưng đến chiếc tàu sân bay thứ ba hoàn toàn là công nghệ của nước này.

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc vẫn chưa được đặt tên và được chỉ định là "Type 002A", đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Có thể khẳng định Type 002A hoàn toàn do Trung Quốc phát triển, dựa trên kinh nghiệm tiếp thu được từ sửa chữa, hoàn thiện tàu Liêu Ninh và đóng mới tàu Type 001A. Đây là bước tiến dài của ngành đóng tàu quân sự Trung Quốc, nếu so sánh với chiếc Liêu Ninh đang sử dụng và chiếc Type 001A đang tiến hành thử nghiệm.

Tổng cộng có 522 công ty của Trung Quốc đã tham gia thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư cho đóng tàu Type 002A; trong đó có 441 công ty dân sự, chiếm 84%. Điều này cho thấy sự phát triển rộng rãi của ngành công nghiệp lưỡng dụng của Trung Quốc, trong đó có nhiều công nghệ có thể áp dụng cho tàu sân bay.

Động cơ của tàu sân bay Type 002A sẽ vẫn như hai chiếc tàu sân bay trước của Trung Quốc, dùng động cơ tua bin hơi nước. Nhưng thay vì sử dụng cất cánh kiểu nhảy cầu, Type 002A sẽ dùng máy phóng; tuy nhiên sử dụng loại máy phóng hơi nước hay điện từ thì vẫn chưa được tiết lộ; dự kiến tàu sân bay Type 002A sẽ được hạ thủy vào năm 2021. Ước tính lượng giãn nước toàn tải của tàu sân bay Type 002A khoảng 85 nghìn tấn.

Việc sử dụng máy phóng sẽ cho phép tăng thêm tải trọng cất cánh của máy bay trên hạm và đây cũng là bước tiến lớn; do vậy từ Type 002A trở đi, hải quân Trung Quốc có thể trang bị các loại máy bay cánh cố định như KJ-600 làm nhiệm vụ tác chiến điện tử, chỉ huy cảnh báo sớm trên tàu sân bay. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng mới tàu sân bay Type 003A, đây có thể là câu trả lời cho việc xoay trục của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện nay có rất ít tin tức về tàu sân bay Type 003A; nhưng theo một số thông tin, Type 003 sẽ có lượng giãn nước đến 100.000 tấn và sử dụng động cơ hạt nhân, tương đương với các tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có từ 4 đến 6 tàu sân bay; khẳng định tham vọng vươn ra đại dương của Hải quân Trung Quốc cũng như khẳng định trình độ đóng tàu sân bay của ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc.

Theo Tiến Minh/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo