Quốc tế

Trung Quốc 'giật mình' trước siêu tàu sân bay 60.000 tấn của Nhật Bản

Nếu dự án chế tạo siêu hàng không mẫu hạm có lượng giãn nước đầy tải 60.000 tấn sớm hoàn thành thì Hải quân Nhật Bản sẽ sở hữu sức mạnh vượt trội so với hiện nay.

Hiện nay Hải quân Nhật Bản đang tiến hành nâng cấp 2 khu trục hạm mang trực thăng (DDH) lớp Izumo thành tàu sân bay hạng nhẹ, dự kiến sau khi hoàn thành quá trình hoán cải thì chúng sẽ mang được 24 tiêm kích tàng hình F-35B.

Bên cạnh chiếc Izumo, nhiều khả năng Nhật Bản cũng sẽ thực hiện công việc tương tự với 2 chiếc DDH lớp Hyuga có kích thước nhỏ hơn, theo đánh giá lớp tàu này có thể tiếp nhận được 8 chiếc F-35B.

Tuy nhiên, tham vọng của Hải quân Nhật Bản chưa dừng lại ở đây khi Tokyo còn muốn sở hữu một lớp hàng không mẫu hạm lớn hơn nữa, bản thiết kế sơ bộ của lớp tàu sân bay này vừa được truyền thông của họ đăng tải.

Siêu tàu sân bay thế hệ mới của Hải quân Nhật Bản về cơ bản có thiết kế vẫn dựa trên các khu trục hạm mang trực thăng chứ không phải tàu sân bay đích thực với đường cất hạ cánh riêng biệt.

Điều này được giải thích là do Hải quân Nhật Bản vẫn phải chịu nhiều ràng buộc về các hiệp ước mà họ buộc tuân theo sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, dẫn tới cần có hành động "lách luật".

Mặc dù vậy với lượng giãn nước đầy tải lên tới 60.000 tấn và có khả năng mang theo 45 máy bay các loại, siêu hàng không mẫu hạm tương lai của Nhật Bản đã sánh ngang tàu sân bay Type 002 của Hải quân Trung Quốc.

Hiện tại chưa có thông số kỹ thuật cụ thể của lớp tàu sân bay này nhưng có thể dự đoán nó sẽ có chiều dài lên tới trên 300 m, đây là điều hợp lý vì chiếc Izumo với lượng giãn nước đầy tải 27.000 tấn đã dài tới 248 m.

Tàu sân bay mới của Nhật Bản được tích hợp sẵn đường cất cánh kiểu nhảy cầu, phương án này là tối ưu vì tiêm kích tàng hình F-35B có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng nên không yêu cầu máy phóng.

Bên cạnh tiêm kích F-35B, siêu chiến hạm tương lai của Hải quân Nhật Bản còn có thể mang theo máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey, nó sẽ đảm nhiệm được chức năng tàu đổ bộ tấn công khi cần thiết.

Hải quân Nhật Bản có thói quen đóng chiến hạm kiểu này theo cặp, vì vậy ít nhất sẽ có tới 2 siêu hàng không mẫu hạm 60.000 tấn được lên kế hoạch đóng mới trong tương lai không xa.

Nếu vậy sau khi kết thúc dự án, Hải quân Nhật Bản sẽ có trong biên chế tới 6 biên đội tác chiến tàu sân bay, tạo ra sức mạnh tấn công lẫn phòng thủ cực kỳ đáng gờm.

Đây được xem là câu trả lời rõ ràng nhất của Tokyo trước việc Bắc Kinh gia tăng sức mạnh hải quân trong thời gian gần đây thông qua kế hoạch chế tạo thêm tàu sân bay Type 003 cũng như tàu đổ bộ tấn công Type 075.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, các tàu đổ bộ tấn công Type 075 của Trung Quốc chưa thể đảm nhiệm vai trò tàu sân bay hạng nhẹ vì họ chưa có trong trang bị một loại tiêm kích hạm tính năng tương tự F-35B.

Chính vì vậy truyền thông Trung Quốc đang tỏ ra đặc biệt lo ngại rằng ưu thế hải quân của mình sẽ bị đối thủ xóa nhòa và thậm chí vượt qua trong ngắn hạn.

Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo