Quốc tế

Trung Quốc khoe tổ hợp vũ khí "tiêu diệt cả lữ đoàn xe tăng đối phương"

DNVN - Hệ thống tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo có thể sẽ trở thành “vũ khí thay đổi cuộc chơi” trong tác chiến lục quân tương lai.

Iran "ngấm đòn" của Mỹ sau khi "lỡ tay" bắn hạ RQ-4A Global Hawk / Tiết lộ sốc về vai trò của Trung Quốc trong chương trình chế tạo F-35

Lục quân Trung Quốc vừa tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại căn cứ Chu Nhật Hòa, trong đó hệ thống tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 đã trình diễn tính năng đáng ngại.

Trong cuộc diễn tập nói trên, nhiều phương tiện thiết giáp, trực thăng, bộ binh... của Trung Quốc đã thực hành bài tấn công trực diện vào đối phương trên địa hình bằng phẳng.

Tuy ít được chú ý hơn nhưng hệ thống AFT-10 cũng đã chứng tỏ năng lực tác chiến thực sự đáng gờm của mình khi phóng tên lửa chống tăng HJ-10 (Hồng Tiễn 10) phá hủy chính xác các mục tiêu từ khoảng cách gần 10 km.

Hệ thống tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 trong cuộc tập trận tại căn cứ Chu Nhật Hòa. Ảnh: Sina.

Hệ thống tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 trong cuộc tập trận tại căn cứ Chu Nhật Hòa. Ảnh: Sina.

Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 chính thức được giới thiệu trước công chúng trong cuộc diễu binh tổ chức năm 2014, tuy nhiên tại thời điểm đó nó đã phục vụ trong biên chế Quân đội Trung Quốc với số lượng khá lớn.

Hệ thống này sử dụng khung gầm xe chiến đấu bộ binh ZBD-08 có sức cơ động cao, phía trên nóc lắp 8 container chứa tên lửa chống tăng HJ-10, đây là phiên bản thu nhỏ của tên lửa hành trình tấn công mặt đất CM-501G với trọng lượng rút gọn chỉ bằng một phần ba.

Dễ dàng nhận thấy HJ-10 có rất nhiều nét tương đồng với tên lửa chống tăng không đường ngắm Spike NLOS (Non Line Of Sight) do Israel chế tạo, vũ khí này sở hữu tính năng kỹ chiến thuật cực kỳ đáng nể.

Nhờ công nghệ dẫn đường quang học/hình ảnh, HJ-10 có thể khóa mục tiêu trong khi đang lấy đường ngắm hoặc sau khi phóng (Lock on after launch), nó nhận dữ liệu và nhận dạng mục tiêu trong thời gian thực bằng đường truyền tín hiệu thông qua cáp quang kết nối giữa đạn với bệ phóng.

 

Do sử dụng đường truyền thông qua cáp hữu tuyến mà mọi biện pháp gây nhiễu hay chế áp điện tử của đối phương đều tỏ ra vô tác dụng hoàn toàn với tên lửa chống tăng HJ-10.

Hệ thống AFT-10 phóng tên lửa chống tăng có điều khiển HJ-10. Ảnh: 81.cn.

Hệ thống AFT-10 phóng tên lửa chống tăng có điều khiển HJ-10. Ảnh: 81.cn.

Tên lửa HJ-10 có tầm bắn nằm trong khoảng 3 - 10 km, mang theo đầu đạn nổ lõm 2 tầng tấn công theo kiểu "đột nóc" ở góc 60 độ với sức xuyên 1.000 mm thép đồng nhất sau giáp phản ứng nổ, đủ khả năng đánh bại mọi xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân nhất hiện nay.

 

AFT-10 đáng ngại ở chỗ nó có thể đứng từ xa, ngoài tầm chống trả của xe tăng rồi "câu" tên lửa vào, khiến đối phương chỉ biết chịu trận, đây được xem là giải pháp đơn giản và rẻ tiền hơn nhiều nếu so sánh với trực thăng vũ trang.

Trung Quốc còn tự tin tuyên bố rằng một biên đội AFT-10 có thể tiêu diệt tới 1 lữ đoàn xe tăng của đối phương. Đây có lẽ là lời tuyên bố nhằm mục đích hướng tới các cuộc tập trận quy mô lớn đang được các cường quốc quân sự trên thế giới tiến hành, trong đó huy động rất nhiều xe tăng, xe bọc thép tham gia.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm