Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Phố Wall đảo chiều sau quyết sách của FED / Du lịch mùa đông tại Trung Quốc “hồi sinh”
Nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng đã được ban hành và bước đầu giúp lĩnh vực tiêu dùng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Chính quyền thành phố Quảng Châu đã bắt đầu phân phát các phiếu mua sắm và quà tặng với tổng trị giá 30 triệu Nhân dân tệ (tương đương 4,3 triệu USD) dành cho 5 lĩnh vực tiêu dùng, trong đó có mua sắm hàng hóa, ăn uống và lưu trú. Người dân Quảng Châu sẽ được giảm giá khi sử dụng các phiếu này mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa, nhà hàng và nhiều địa điểm khác.
Trong khi đó, Thâm Quyến đã tiến hành chiến dịch thúc đẩy mua sắm mới bằng cách hỗ trợ cư dân thành phố số tiền có mức trần là 2.000 Nhân dân tệ (tương đương 285 USD) đối với các mặt hàng điện tử và đồ gia dụng. Chiến dịch kích cầu này sẽ kéo dài đến ngày 26/12. Các chủ cửa hàng cũng có các biện pháp riêng để thu hút khách hàng quay lại mua sắm.
Một chợ thực phẩm ở Trung Quốc. (Ảnh: PK News)
"Chúng tôi chứng kiến khách hàng đã quay trở lại mua sắm online trên nền tảng trực tuyến Douyin, và chúng tô cũng đã tiến hành các hoạt động quảng bá tại cửa hàng để giữ chân khách hàng. Chúng tôi tin rằng tình hình sẽ còn tốt hơn vào năm tới", anh Yang Tian, chủ cửa hàng tạp hóa ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc, cho biết.
Ở cấp trung ương, Chính phủ Trung Quốc ngày 14/12 đã công bố nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư nội địa nhằm đạt được chất lượng tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Các biện pháp này sẽ giảm chênh lệch giữa nông thôn và thành thị thông qua việc đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, mạng 5G, thị trường trái phiếu và năng lượng, tạo thành vòng tuần hoàn kép.
Giới phân tích cho rằng lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng nhờ các biện pháp điều chỉnh và nới lỏng trong phòng chống dịch COVID-19 cùng với các chương trình kích cầu diện rộng.
"Tiêu dùng nội địa là một thành tố rất quan trọng với kinh tế Trung Quốc. Trong thời gian chống dịch, cả 2 lĩnh vực là tiêu dùng nội địa và tiết kiệm đều bị ảnh hưởng lớn. Cùng với các biện pháp nới lỏng phòng dịch, mọi người sẽ tích cực ra ngoài mua sắm nhiều hơn và tôi cho rằng lĩnh vực tiêu dùng sẽ phục hồi rất nhanh. Các cửa hàng nhỏ đã phải đóng cửa trong thời gian dài cũng sẽ được mở lại, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động", bà Wang Tao, ngân hàng đầu tư UBS, nhận định.
Cũng theo bà Wang Tao, lạm phát chưa phải là vấn đề lớn với kinh tế Trung Quốc và điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có nhiều dư địa hơn để thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo