Trung Quốc trình làng 'nắm đấm thép' UAV GJ-11, cả thế giới 'ngỡ ngàng'
Đây là loại máy bay được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực tác chiến “nhất thể hóa” và khả năng chi viện của Không quân Trung Quốc, trong tương lai UAV GJ-11 được kỳ vọng là sẽ biên chế trên tàu sân bay thậm chí là tàu tấn công lưỡng thể của Trung Quốc, trở thành “nắm đấm thép” mới của lực lượng Không quân Hải quân Trung Quốc.
UAV GJ-11 được cho có khả năng tàng hình mạnh mẽ, cùng với đó cửa hút gió phần đầu máy bay áp dụng thiết kế hình “S”, từ cửa hút gió hoàn toàn không nhìn thấy cánh quạt trong động cơ tua-bin khí. Phần đuôi áp dụng thiết kế tàng hình phẳng để che đi động cơ tua-bin khí. GJ-11 áp dụng bố cục cánh máy bay không đuôi kiểu cánh dơi, cánh máy bay không đuôi hiện nay đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình không người lái trên thế giới.
Những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đã cạnh tranh mạnh mẽ trong việc chế tạo máy bay tàng hình không người lái, đi đầu là Mỹ với đại diện là máy bay chiến đấu tàng hình không người lái (UCAV) X47B. Tiếp theo là UAV “Neuron” do Pháp chế tạo và xuất hiện gần đây là UAV mới nhất của Nga S-70 “Hunter”. Hiện nay, Nga vẫn tiếp tục phát triển S-70 “Hunter”, còn X47B của Mỹ thì đã bị “bỏ rơi”, “Neuron” thì một thời gian dài không có thông tin mới. Điều này cho thấy, nghiên cứu phát triển UAV tàng hình còn tồn tại không ít khó khăn, ngay cả những nước phát triển trên thế giới cũng chưa thể thành công.
Thời gian qua, Trung Quốc kiên trì phát triển UAV tàng hình chủ yếu nhằm tăng cường khả năng tấn công mặt đất và khả năng liên hợp tác chiến trên không – mặt đất của lực lượng Không quân. UAV tàng hình GJ-11 có chiều dài khoảng 12 m, sải cánh không quá 13 m, sử dụng động cơ tua-bin khí loại nhỏ dòng AL222 không cần tăng áp, lực đẩy trên 2200 kN, thậm chí có thể đạt đến hơn 3500 kN. Máy bay này có trọng lượng rỗng khoảng 6 tấn, trọng lượng cất cánh khoảng 15 tấn, có thể mang theo 1-2 tấn vũ khí. Cánh máy bay có đặc tính khí động học mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cất cánh. Tốc độ cất cánh của máy bay không cao, khoảng 200 km/h là có thể cất cánh, do đó UAV này có thể cất cánh trên đường cao tốc, cũng có thể cất cánh trên tàu sân bay, trong tương lai nếu thay thế động cơ mạnh hơn có thể cất cánh trên tàu tấn công lưỡng thể.
Trung tâm của GJ-11 là nơi bố trí các trang thiết bị tác chiến điện tử, hệ thống thông tin liên lạc và động cơ máy bay, hai bên thân được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại, trọng lượng của tên lửa mang theo lên đến 500 kg. Với khả năng mang vác mạnh mẽ như vậy, một UAV loại này có thể tiêu diệt 2 công sự kiên cố hoặc 4 mục tiêu thông thường trên mặt đất trong một lần tấn công. Thời gian tới, nếu Quân đội Trung Quốc nghiên cứu chế tạo các loại tên lửa có trọng lượng nhẹ hơn sẽ góp phần gia tăng số lượng mục tiêu có thể tiêu diệt trong một lần tấn công của UAV này.
GJ-11 không có thiết bị trinh sát quang điện tử, dường như tất cả các thiết bị thăm dò mặt đất đều được thiết kế ở phần dưới của thân máy bay. Đây là nhược điểm của GJ-11. Thời gian tới, Không quân Trung Quốc sẽ hoàn thiện điểm yếu này, phương án thay thế được tiết lộ là sẽ sử dụng thiết kế của UAV Pterizard-2 do Trung Quốc chế tạo. Pterizard-2 có hệ thống trinh sát quang điện tử ở phần đầu của máy bay, có thể xoay tròn 3.600 độ, làm gia tăng khả năng trinh sát trên không, mặt đất.
Vũ khí tấn công chủ yếu của GJ-11 là các loại tên lửa dẫn đường bằng hệ thống laser và hệ thống “Bắc Đẩu”. Mục tiêu tấn công chủ yếu của GJ-11 trên chiến trường là các mục tiêu chiến thuật của đối phương như: Trung tâm thông tin, trung tâm chỉ huy, hệ thống kho chiến lược, trận địa tên lửa phòng không… GJ-11 không có khả năng chống tăng như Pterizard-2.
Nhiều tài liệu về UAV tàng hình chỉ ra rằng, vấn đề khó nhất của UAV tàng hình chính là hệ thống thông tin liên lạc. Hiện nay, phương thức liên lạc, truyền số liệu và điều khiển các UAV đều phải thông qua hệ thống vô tuyến điện, đây là một trong những hệ thống rất dễ làm lộ vị trí của UAV tàng hình trong trường hợp bị đối phương chặn thu được tín hiệu.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà chế tạo UAV tàng hình của Trung Quốc đã áp dụng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI), dùng trí tuệ nhân tạo để thực hiện tấn công mà không dùng con người chỉ huy điều khiển, từ đó hạn chế tối đa tần suất liên lạc vô tuyến điện với GJ-11. Khi bắt đầu tấn công cũng có nghĩa là hệ thống vô tuyến điện ở trạng thái “im lặng” để đề phòng đối phương thăm dò, do đó phải cung cấp thông tin tình báo chính xác về mục tiêu. Khi nhận được thông tin, GJ-11 sẽ căn cứ vào vị trí đối phương, sử dụng trí tuệ nhân tạo tự động hình thành lộ tuyến tấn công và tự tấn công mục tiêu.
Có thể nói, GJ-11 xuất hiện là minh chứng cho trình động kỹ thuật máy bay tàng hình của Trung Quốc đã bước lên tầm cao mới. Truyền thông Nga cho biết, sau khi GJ-11 xuất hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến loại máy bay này.
Trong khi đó truyền thông Anh đánh giá, GJ-11 là bước đột phá của Trung Quốc trong cuộc đua chế tạo UAV tàng hình trên thế giới, UAV này được kỳ vọng là sẽ vượt qua các loại UAV tấn công của Mỹ trong thập kỷ tới.
Theo Đức Trí/Infonet
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo