Quốc tế

Từ 'vua bắt chước' tới cường quốc quân sự, vũ khí Iran phát triển 'không ngờ'

Là một cường quốc quân sự ở Trung Đông, Iran ngoài việc sở hữu quân số lớn thì trên phương diện tự nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị cũng đạt được nhiều thành công dựa trên việc 'bắt chước' vũ khí của Nga, Mỹ và một số quốc gia khác.

Không giống như các quốc gia khác ở Trung Đông, mua các thiết bị tiên tiến từ nhiều nước khác nhau, Iran có thể “bắt chước” sản xuất nhiều vũ khí và thiết bị dựa trên ngành công nghiệp quân sự hoàn chỉnh trong nước, bao gồm cả vũ khí của Nga, Mỹ, trong dó, tên lửa đối không AIM-54 của Mỹ, xe tăng chủ lực T90MS của Nga đã xuất hiện “phiên bản Iran”.

Càng “khủng” hơn là năm 2011 Iran đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử phiên bản dã chiến dựa theo phiên bản của Nga đã thành công “lừa gạt” máy bay trinh sát không người lái (UAV) RQ-170 – “vương bài” của quân đội Mỹ.

Iran đã “bắt chước” nhiều máy bay của Nga, Mỹ để chế tạo cho mình lực lượng máy bay chiến đấu hùng hậu. Nguồn: Huanqiu

Trước đây Iran là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ, do vậy đã nhập khẩu của Washington nhiều loại vũ khí. Thậm chí vào những năm 1970 để đạt mục đích đối trọng với Liên Xô, Mỹ còn hỗ trợ Iran nhiều máy bay chiến đấu F-14 và biến Iran thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ sở hữu máy bay chiến đấu vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng Iran, chính phủ mới của Iran bắt đầu dần dần đối lập với Mỹ. Cùng với nhưng mâu thuẫn không ngừng gia tăng, Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt Iran trong thời gian dài. Trong điều kiện khó khăn như vậy, để duy trì được lực lượng quân sự mạnh mẽ, Iran không thể không đi theo con đường “bắt chước” vũ khí trang bị của nước khác.

Ưu tiên đầu tiên của Iran trong việc phỏng chế vũ khí Mỹ là sự ra mắt sớm của tên lửa không đối không AIM-54 với máy bay chiến đấu F-14. Do sự tiêu hao của các tên lửa nguyên bản và sự phong tỏa toàn diện của Mỹ, Iran đã không còn đủ tên lửa để cung cấp cho quân đội. Trong hoàn cảnh như vậy, người Iran đã tiến hành “cải cách ma thuật” DIY (Do it yourself – tự tay làm lấy), trong đó đã chế tạo thành công tên lửa không đối không Fakour-90, tên lửa này của Iran có hình dáng bên ngoài và cấu trúc khí động học hoàn toàn giống với tên lửa AIM-54 của Mỹ, động cơ của tên lửa, đầu đạn lại áp dụng kỹ thuật tên lửa HAWK của Liên Xô.

Điều này trở thành động lực để Iran chế tạo máy bay chiến đấu Kowsar dựa trên máy bay chiến đấu F-5 do Mỹ sản xuất trước đó, tính năng máy bay của Iran không yếu hơn so với F-5 của Mỹ. Thậm chí vào năm 2018, trong tình hình Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở vịnh Ba Tư, Iran vẫn căn cứ vào hệ thống đánh chặn tầm cực gần Mk 15 Phalanx của Mỹ để chế tạo ra hệ thống "Camand" của mình có tính năng tương tự hệ thống của Mỹ.

Phỏng chế thành công tên lửa không đối không Fakour-90 là bước ngoặt của Iran trong công cuộc DIY. Nguồn: Huanqiu

Ngoài trang bị của Mỹ, Iran cũng phỏng chế vũ khí theo vũ khí của Nga. hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga đã được Iran phỏng chế thành công. Iran cũng chế tạo ra xe tăng chủ lực phỏng theo xe tăng T-90MS của Nga, Iran lấy xe tăng T-72 làm nền tảng, mượn thiết kế của T-90MS để cải tiến xe tăng này, phiên bản của Iran thậm chí còn được quan chức cấp cao trong quân đội Nga đánh giá cao.

Không chỉ như thế, dưới sự hỗ trợ của Nga, Iran còn có khả năng tác chiến điện tử nhất định, hệ thống tác chiến điện tử của Iran đã thành công đánh lừa máy bay trinh sát không người lái RQ-170 của Mỹ.

Cùng với đó, Iran đã thành công trong việc sao chép một số UAV tiên tiến dựa trên UAV của quân đội Mỹ bị bắt. Đặc biệt là trong cuộc đối đầu quân sự ở Vịnh Ba Tư, các UAV Iran đã tiếp cận nhóm tàu sân bay tác chiến Nimitz của Hải quân Mỹ và thể hiện thái độ cứng rắn của Iran. Hiện nay, nhiều máy bay chiến đấu của Iran được tích hợp nhiều kỹ thuật của các quốc gia khác nhau, bao gồm cả MiG-29 do Nga sản xuất hiện nay thuộc Không quân Iran.

Máy bay chiến đấu Kowsar là thành tựu quan trọng giúp nâng cao sức mạnh Không quân Iran. Nguồn: Huanqiu

Trong các thành công của công cuộc “bắt chước” của Iran không thể không nói đến lĩnh vực tên lửa đạn đạo. Trong hàng chục năm qua, Tehran đã mạnh tay đầu tư xây dựng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) nhằm răn đe, ngăn chặn các chiến dịch quân sự của Washington ở vịnh Ba Tư. Nòng cốt của chiến lược này là các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình được Iran chế tạo với sự hỗ trợ từ Libya, Triều Tiên và Trung Quốc.

Trụ cột của lực lượng tên lửa Iran là dòng tên lửa đạn đạo Shahab với ba biến thể được nâng cấp liên tục. Mẫu Shahab-1 phát triển dựa trên dòng Scud-B Liên Xô, được Iran mua lại từ Libya và Triều Tiên. Biến thể này có tầm bắn 285-330 km và mang đầu đạn nặng một tấn. Iran đang sở hữu khoảng 300 quả tên lửa loại này.

Tên lửa Shahab-2 có tầm bắn xa gấp rưỡi Shahab-1 nhưng chỉ mang được đầu đạn 770 kg. Shahab-2 được Iran nghiên cứu từ 100-170 tên lửa Scud-C mua từ Triều Tiên rồi tự mình sản xuất. Tên lửa được thử nghiệm lần đầu năm 1998 và đưa vào biên chế năm 2004.

Phiên bản nổi bật nhất của dòng Shahab là tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) Shahab-3 được Iran phát triển từ nền tảng tên lửa Nodong-1 của Triều Tiên. Mỗi quả đạn có thể đạt tầm bắn 1.000-2.000 km tùy phiên bản, có thể mang đầu đạn hạt nhân với tải trọng 1,2 tấn.

Không chỉ vậy, Iran cũng đang biên chế tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh sử dụng nhiên liệu rắn với hai phiên bản chính là Fateh-110 và Fateh-313. Tên lửa Fateh-110 đạt tầm bắn 210 km, có độ chính xác vượt xa dòng Shahab với khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 100 m. Iran bắt đầu phát triển Fateh-110 từ năm 1995 và biên chế năm 2004.

Iran đang sở hữu lực lượng tên lửa đạn đạo mạnh mẽ, đủ khả năng đe dọa lực lượng Quân sự Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Nguồn: Huanqiu

Fateh-313 là bản tăng tầm của tên lửa Fateh-110, có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 500 km với độ chính xác rất cao nhờ được lắp đầu dẫn quang - điện. Mẫu Fateh-313 dường như đã xuất hiện trong biên chế quân đội Iran từ năm 2015.

Năm 2016, Iran ra mắt biến thể mới nhất thuộc dòng Fateh mang tên Zolfaghar. Tên lửa có tầm bắn 700 km, hình dáng và kích cỡ giống Fateh-110 nhưng có hệ thống dẫn đường hoàn toàn mới. Zolfaghar có thể mang đầu đạn nổ mạnh hoặc đạn chùm với khối lượng tối đa 450 kg. Loại tên lửa này từng được Iran dùng để tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria năm 2017.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Sejjil là một trong những vũ khí uy lực nhất của Iran, có tầm bắn 2.000 km và mang theo đầu đạn nặng tối đa 1,5 tấn. Iran bắt đầu phát triển Sejjil cuối thập niên 1990, nhưng chỉ đưa vào biên chế từ năm 2012. Dù mẫu tên lửa này hoàn toàn do Tehran tự thiết kế, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Sejjil có rất nhiều điểm tương đồng với tên lửa DF-11 và DF-15 của Trung Quốc. Tehran tuyên bố đã phát triển được nhiều biến thể của dòng Sejjil, trong đó có mẫu Sejjil-3 đạt tầm bắn tối đa 4.000 km.

Theo Đức Trí/Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo