Tuân thủ lệnh cấm của Mỹ, 4 "đại gia" về dịch vụ mỏ dầu dừng đầu tư mới vào Nga
Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 21/3 / NÓNG: Tên lửa Nga biến khu phức hợp ở Kiev thành bình địa - Thứ gì được cất giữ bên trong?
Hãng tin RT (Nga) ngày 20/3 đưa tin, những gã khổng lồ cung cấp dịch vụ khai thác mỏ dầu trên toàn cầu đã tiết lộ kế hoạch ngừng đầu tư mới vào Nga để tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Weatherford International đã trở thành công ty mới nhất hưởng ứng xu thế này.
"Tuân theo các lệnh trừng phạt vào ngày 24/2/2022, chúng tôi đã tạm giữ các lô hàng và ngay lập tức đình chỉ thực hiện bất kỳ khoản đầu tư mới hoặc triển khai công nghệ mới nào ở Nga", công ty Weatherford International cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng họ hiện không có liên doanh nào đang hoạt động hoặc có quan hệ đối tác ở Nga.
Weatherford International cũng cho biết, trong bối cảnh trừng phạt đang leo thang, họ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng hiện có theo luật pháp quốc tế cũng như tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
Theo RT, vào ngày thứ Bảy (19/3), các công ty dịch vụ mỏ dầu Mỹ Halliburton và Schlumberger cho biết họ đã đình chỉ các hoạt động tại Nga để tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Halliburton cho biết, họ đã ngay lập tức tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh trong tương lai và sẽ ngừng hoạt động tại Nga, sau khi đã ngừng vận chuyển các linh kiện và sản phẩm bị trừng phạt.
Schlumberger cho biết, họ đã ngừng đầu tư và triển khai công nghệ mới, nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động hiện có của mình theo luật pháp quốc tế và các lệnh trừng phạt.
Công ty Baker Hughes có trụ sở tại Houston (Mỹ) cũng có động thái tương tự, công bố lý do là cần thiết phải thực hiện các hình phạt của Mỹ đối với Nga về vấn đề Ukraine.
Ngày 8/3/2022, sau khi điện đàm với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, trong đó có dầu và khí đốt, trong một chiến dịch gây áp lực chống lại Moscow, nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu và trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin.
Trước đó, lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga vào Mỹ đã được Quốc hội Mỹ ủng hộ với 415 phiếu thuận và 17 phiếu chống. Đây là quyết định đơn phương của Washington chưa được sự đồng thuận của các nước châu Âu.
Trong một bức thư gửi Nhà Trắng, ông J. Biden nói: "Hôm nay tôi thông báo rằng Mỹ đang nhắm mục tiêu vào huyết mạch của nền kinh tế Nga. Chúng tôi cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng của Nga". Điều này có nghĩa là dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ và Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh nữa vào hoạt động quân sự của Tổng thống V. Putin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo