Quốc tế

UAV cảm tử: Phiến quân IS tiên phong sử dụng 'vũ khí chết người'?

Trong khi một số phương tiện truyền thông cho rằng IS đã đi tiên phong trong việc sử dụng UAV cảm tử thì thực tế, quân đội nhiều nước đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử trong gần 3 thập kỷ dưới tên gọi vũ khí tuần kích.

Trong khi máy bay không người lái cảm tử phổ biến hơn trong các quân đội chính quy tiên tiến thì IS chuộng máy bay không người lái đã cải biên, nhưng về mặt kết cấu và nguyên tắc sử dụng thì cơ bản giống nhau.

Đó là UAV có khả năng bay xung quanh khu vực, xác định mục tiêu rồi tấn công chính xác.

Israel đã đi tiên phong trong việc phát triển các loại UAV cảm tử vào cuối những năm 1980 hoặc đầu những năm 1990 như là một giải pháp chống radar, dựa trên kinh nghiệm của Chiến tranh Lebanon 1982.

Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) khi đó đã sử dụng UAV để trinh sát, và đặc biệt là làm mồi nhử rồi tiêu diệt radar của Syria.

Trong vũ khí tuần kích đầu tiên mang tên Harpy, Công ty hàng không vũ trụ Israel (IAI) đã kết hợp máy bay không người lái và tên lửa chống radar. Chỉ cần phát hiện mục tiêu, Harpy sẽ phá hủy radar bằng đầu đạn phân mảnh mang theo.

Harpy được tiết lộ cho công chúng vào năm 1990. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã mua Harpy vào cuối thập kỷ đó.

Tuy nhiên, máy bay không người lái cảm tử chỉ thực sự có đột phá từ năm 2010 khi công nghệ cảm biến được cải thiện và máy bay trở nên nhỏ gọn hơn.

Công nghệ máy ảnh được cải tiến có nghĩa là hệ thống vũ khí này có khả năng quan sát và nhắm vào bất cứ thứ gì có thể nhìn thấy trên chiến trường, không chỉ là radar.

Năm 2016, UAV cảm tử đã lần đầu tiên được Azerbaijan sử dụng chống lại lực lượng ly khai Armenia ở Nagorny Karabakh. Những chiếc UAV chiến đấu này đã khiến phía Armenia chịu tổn thất về sinh lực.

UAV chết người này có tên Harop, do công ty IAI của Israel sản xuất, phát triển từ nguyên mẫu Harpy. Нarop là mẫu UAV sử dụng một lần, trọng lượng cất cánh 135 kg, có thể điều khiển nhờ hệ dẫn quang-điện tử và thiết bị truyền video.

Harop bay trên không nhờ động cơ cánh quạt và có thể thám thính ở độ cao không dễ bị hạ suốt 6 tiếng. Ngay khi mục tiêu bị phát hiện và lựa chọn, UAV lao xuống mục tiêu và nổ tung.

Tháng 6/2015, IAI cho biết, họ đã bán hàng trăm hệ thống UAV cảm tử loại này cho Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Harop được coi là đỉnh cao công nghệ UAV của nền công nghiệp quốc phòng Israel.

Với Mỹ, họ đã chế tạo loại UAV cảm tử thu nhỏ của riêng mình vào năm 2012 có tên gọi AeroVironment Switchblade. Nó được sử dụng ở Afghanistan để nhắm vào “các mục tiêu có giá trị cao” như thủ lĩnh phe nổi dậy, phiến quân đang di chuyển.

Mặc dù bị giới hạn về độ bền, AeroVironment Switchblade có thể lảng vảng trên chiến trường. Trong vai trò này, nó thay thế pháo binh dẫn đường và máy bay không người lái truyền thống.

Được camera gắn vào trực tiếp hướng dẫn, chúng phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn so với đạn pháo dẫn đường bằng laser.

Trong năm 2018, quân đội Mỹ tăng cường mua sắm vũ khí tuần kích, khi lực lượng thủy quân lục chiến định thay thế chúng cho súng cối 120mm.

Trong khi đó, quốc gia có kho vũ khí mạnh về UAV cảm tử chính là Iran. Iran đã tìm cách xây dựng lực lượng tác chiến UAV từ thập niên 1980 với nòng cốt là các sản phẩm nội địa.

Hồi tháng 1/2019, Tehran trưng bày một loạt mẫu phi cơ mới, nổi bật là UAV tàng hình Shaded-171 với khả năng mang 4 tên lửa dẫn đường chính xác.

Tehran muốn phô diễn năng lực tác chiến UAV nhằm cho thấy họ có thể đối phó các biện pháp trừng phạt của Mỹ và củng cố tiềm lực quân sự để duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông.

“Trong 10-15 năm nữa, đây sẽ là một trong những xu hướng chính trong lĩnh vực phát triển các hệ thống vũ khí”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga phụ trách trang bị Yuri Borisov khẳng định vào năm 2016.

Theo Hải Yến/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo