Quốc tế

Ứng phó với lạm phát - Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay

Lạm phát đang được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu và đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất, nặng nề nhất lại là những người lao động nghèo.

Toàn bộ châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch COVID-19 / Những điều chỉnh chính sách kinh tế của Trung Quốc

Theo những công bố mới nhất cuối tuần này, lạm phát ở nhiều nền kinh tế khu vực châu Âu lúc này đã chạm đến mức 2 con số. Lạm phát ở Đức, Italy, Pháp tiếp tục ghi nhận các kỷ lục mới, cao nhất trong vài chục năm. Cũng không ngoài dự báo, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB đã nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong cuộc họp chính sách tuần vừa rồi.

Lạm phát, lãi suất, tỷ giá đang là câu chuyện trung tâm của mọi quyết sách điều hành vĩ mô trong cả nửa năm nay. Lạm phát làm giá cả tăng cao và những người dân lao động sẽ là đối tượng cảm nhận rõ rệt nhất sự thay đổi. Đảm bảo đời sống hàng ngày của người dân, ứng phó với lạm phát đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, dù điều này có thể đồng nghĩa với hy sinh, khiến tăng trưởng chậm lại.

Tác động của lạm phát tới người nghèo

Bãi rác ở ngoại ô Thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày càng có đông người đến kiếm sống. Họ tìm kiếm tất cả những gì có thể bán được như bìa carton, kim loại, nhựa. Thậm chí có cả những người tìm kiếm thức ăn hay quần áo còn sử dụng được tại bãi rác này.

Anh Sergioo Omar có 5 đứa con. Giá thực phẩm tăng phi mã khiến gia đình anh ngày càng khó khăn. Anh phải dành 12 giờ mỗi ngày để bới rác kiếm tiền nuôi gia đình.

"Phải có đến gấp đôi số người đến bãi rác này để kiếm sống vì khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ. Chúng tôi là những người nghèo, chỉ biết kiếm sống được ngày nào hay ngày đó" - anh Sergioo Omar chia sẻ.

Không ít người như anh Omar đang phải vật lộn tồn tại khi tỷ lệ lạm phát tại Argentina có thể lên tới 100% trong năm nay.

Hàng triệu người dân Srilanka cũng đang lao đao khi lạm phát tăng lên hơn 70%. Srilanka đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm đến nhiên liệu đều tăng phi mã.

"Khi giá cả tăng cao thì người dân không mua hàng nữa. Giá lương thực và nhiên liệu đều tăng trong khi lương lại không tăng" - anh Sujith Kumarasinghe, người bán hàng, cho hay.

Anh Hadaragama, 42 tuổi, làm nghề lái xe để nuôi gia đình. Thu nhập của anh giảm xuống khi anh phải tốn gấp đôi tiền để mua xăng.

"Tôi phải đổ xăng thường xuyên mà giá xăng cứ tăng gấp đôi, gấp 3 như thế này thì làm không đủ sống. Chúng tôi chưa từng phải đối mặt với những khó khăn như vậy" - anh Thusitha Hadaragama, người dân Srilanka, cho biết.

"Với việc giá cả đang tăng lên hàng ngày như thế này, tôi phải nấu ít món hơn và số lượng ít hơn" - chị Varuni Hadaragama, vợ anh Thusitha Hadaragama, chia sẻ.

Ứng phó với lạm phát - Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay - Ảnh 1.

Chi phí sống tăng cao khiến nhiều gia đình khó lòng xoay sở (Ảnh: AP)

Tại những nước phát triển như Anh, lạm phát và giá năng lượng cao cũng đang khoét sâu vào ngân sách của nhiều hộ gia đình. Ngày càng nhiều người không còn khả năng thanh toán tiền gas hoặc tiền điện.

Bà Natasha Waterhouse, người dân Anh, cho biết: "Có thể chúng tôi sẽ phải đắp chăn để giữ ấm vì không thể thanh toán tiền gas".

Ông Gary Waterhouse chia sẻ: "Giá đã tăng lên một cách kinh hoàng. Chúng tôi phải mua sắm có kế hoạch hơn. Tôi phải nấu nhiều bữa rồi để trong tủ lạnh ăn dần cho tiết kiệm".

Lạm phát ở Anh ở mức hơn 10%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Giá năng lượng tăng gấp 3,4 lần.

Chị Mandy, người dân Anh, cho hay: "Tôi rất lo lắng về việc làm cách nào để có tiền sưởi ấm, làm thế nào có tiền để mua thức ăn".

 

"Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn cho chúng tôi. Tôi không muốn khóc. Chúng tôi phải cố gắng sống như mọi người" - chị Zahia, người dân Anh, chia sẻ.

Họ không biết mình sẽ vượt qua mùa đông này như thế nào.

Quan điểm lãi suất của FED

Tác động của lạm phát được cảm nhận sớm ở nhiều nền kinh tế phát triển từ đầu năm nay. Cụ thể như ở Mỹ, khi lạm phát lên đến gần 8% hồi tháng 2, tăng lãi suất nhanh và mạnh đã trở thành quan điểm xuyên suốt trong chính sách điều hành nửa năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Để kiềm chế giá tiêu dùng tăng vọt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang hành động với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Hồi tháng 1 đầu năm nay, khi lạm phát ở 7,5%, quan điểm lãi suất vẫn còn trái ngược so với những gì đang thấy.

 

Ứng phó với lạm phát - Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay - Ảnh 2.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell (Ảnh: AP)

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, cho rằng: "Để hỗ trợ các mục tiêu phát triển, Ủy ban Thị trường mở liên bang đã giữ lãi suất chính sách của mình gần bằng 0".

Cho đến khi chỉ số lạm phát neo ở mức 8% suốt mấy tháng qua, một giai đoạn dồn dập điều chỉnh lãi suất bắt đầu.

"Chúng ta phải chiến thắng lạm phát. Tôi ước có một cách nào đó không đau đớn để làm điều này. Nhưng đã không có" - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ nhấn mạnh.

Trong vòng 10 tháng, FED đã có 5 lần tăng lãi suất, lần đầu tiên vào tháng 3 với 0,25 điểm phần trăm, một lần tăng 0,5 điểm phần trăm sau đó và được tiếp nối bởi 3 lần tăng mạnh liên tiếp 0,75 điểm phần trăm mỗi lần. Những bước nhảy lãi suất lớn được thực hiện với hy vọng kìm hãm đà tăng giá hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Ông Steven Ricchiuto, Chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán Mizuho, cho rằng: "Một mình FED không thể xử lý được mọi vấn đề về lạm phát trong dài hạn nhưng cách mà FED có thể làm là có thể giữ cho lạm phát không trở thành vấn đề tâm lý, ăn sâu vào hệ thống. Vì vậy, một khi chúng ta giải quyết được các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng thì lạm phát và lạm phát kỳ vọng, sẽ giảm xuống. Quay lại mục tiêu của FED, tôi nghĩ họ đang làm chính xác những gì họ phải làm. Và quan điểm cho rằng, FED không thể xử lý vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, điều đó đúng và FED đang làm đúng những gì thuộc về trách nhiệm của họ".

Hiện mọi sự chú ý của thị trường toàn cầu đang đổ dồn về hai cuộc họp chính sách cuối năm của FED, ngân hàng trung ương có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Cuộc họp kế tiếp sẽ diễn ra trong tuần tới.

Ông Alex Pelle, Chuyên gia kinh tế Mỹ, nhận định: "Tôi nghĩ, những gì FED sẽ làm là tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 11/2022. Điều chúng ta quan tâm là liệu FED có tiếp tục tăng lãi suất lên 50 hay 75 điểm cơ bản vào tháng 12 hay không. Tôi nghĩ rằng có nhiều người trong Ủy ban điều hành chính sách của FED muốn giảm tốc độ tăng lãi suất trước khi bước sang năm 2023".

Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng thuận của giới phân tích. 95% số chuyên gia được Reuters khảo sát đều bày tỏ tin tưởng rằng, FED sẽ tiến hành tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần đầu tiên tháng 11 tới.

Đã có những so sánh tốc độ tăng lãi suất nửa năm vừa qua của FED với những đợt can thiệp bằng công cụ này trong lịch sử. Một đồ thị vẽ ra các giai đoạn điều chỉnh nổi bật cho thấy, cũng chưa bao giờ lãi suất cơ bản tại Mỹ lại tăng nhanh trong một thời gian ngắn như vừa rồi, 2,36 điểm % chỉ trong 6 tháng. Sự chú ý lúc này của thị trường tài chính vẫn là cuộc họp chính sách tuần sau của Cục Dự trữ liên bang Mỹ để có thêm hình dung về lộ trình, kế hoạch điều hành sắp tới của FED.

 

Xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối quý III, khoảng 90 nền kinh tế trên toàn cầu đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi so với cả năm 2021. Lạm phát toàn cầu đang cho thấy dường như dai dẳng và khó giải quyết hơn so với dự tính ban đầu.

Nhiều ngân hàng trung ương đã phát đi những tín hiệu về việc, sẽ tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất để ứng phó lạm phát trong thời gian tới. Đặc biệt, động thái tăng lãi suất của FED đang đẩy đồng USD tăng mạnh trong năm nay so với các đồng tiền khác. Thêm một áp lực lên tỷ giá để ít ngân hàng trung ương nào có thể đứng ngoài các can thiệp lãi suất.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần qua vừa tiếp tục tăng lãi suất, lên 2%. Động thái thực hiện trong bối cảnh, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu lên xấp xỉ 10% - mức cao kỷ lục kể từ khi đồng Euro ra đời.

Ứng phó với lạm phát - Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay - Ảnh 3.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde (Ảnh: AP)

 

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho rằng: "Với lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp này, chúng tôi đã giảm bớt áp lực chính sách tiền tệ. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiếp tục tăng để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%".

Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, từ đầu năm đến nay, khoảng 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã nâng lãi suất. Một nửa trong số đó có ít nhất một lần tăng với mức từ 0,75 điểm phần trăm trở lên.

Tăng lãi suất là một giải pháp được các ngân hàng trung ương sử dụng để hạ nhiệt lạm phát. Mục tiêu là giảm cung tiền trong nền kinh tế, qua đó giảm sự tăng giá cả của hàng hoá.

Xu hướng tăng lãi suất cũng nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước sự tăng giá của đồng USD. Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã điều chỉnh chính sách lãi suất với 5 lần tăng và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các đợt tăng trong phần còn lại của năm. Mức lãi suất cao hơn của FED thu hút nhiều nhà đầu tư hơn quan tâm đến việc nắm giữ đồng USD, dẫn đến sự tăng giá mạnh của đồng USD. Điều này sẽ gây bất lợi cho các đồng tiền khác.

Ông Rhee Chang Yong, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, cho rằng: "Những biến động về tỷ giá hối đoái đã tạo ra sự bất ổn trên thị trường tài chính khiến dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế và thúc đẩy các hành vi đầu cơ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá rằng, cần tăng cường các phản ứng chính sách bằng cách nâng lãi suất".

 

Lãi suất cao để chống lạm phát nhưng cũng kéo theo rủi ro đối với tăng trưởng và việc làm. Theo một thống kê, việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của FED đồng nghĩa với một cuộc suy thoái sâu và có thêm 3 triệu người thất nghiệp trong nền kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư cũng không thoát khỏi ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng lớn.

IMF cho rằng cần tiếp tục tăng lãi suất

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong ngày 26/10 đã thẳng thắn cho rằng, các ngân hàng trung ương vẫn nên tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa. Bình luận của bà Georgieva được đưa ra tại Berlin chỉ 1 ngày trước cuộc họp chính sách quan trọng của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Đa số các ý kiến đều dự đoán trước, ECB sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm trong cuộc họp này.

Ứng phó với lạm phát - Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay - Ảnh 4.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva (Ảnh: AP)

"Lạm phát cao đang làm suy yếu tăng trưởng và tác động nặng nề nhất tới những nhóm người nghèo nhất trong nền kinh tế. Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương cần phải can thiệp chính sách nhằm kìm hãm lạm phát. Thời gian qua, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đạt tới một mức lãi suất phù hợp kiềm chế lạm phát, nhưng ở hầu hết các quốc gia, chúng ta vẫn chưa đạt tới mức cần thiết này" - bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhận định.

 

Nhiều tháng nay, Ngân hàng trung ương ECB liên tục nhấn mạnh, mục tiêu điều hành của mình là nâng lãi suất lên một mức trung tính, tức là không thúc đẩy nhưng cũng không hạn chế tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách hiện đang ủng hộ một lập trường quyết liệt hơn, cho rằng ECB nên can thiệp mạnh tay hơn để đối phó với áp lực lạm phát.

Giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế cũng cho rằng, phải đến năm 2024, các động thái điều chỉnh lãi suất trên toàn cầu mới thực sự phát huy hiệu quả tích cực.

"Nếu chúng ta nhìn vào trường hợp các nền kinh tế sớm sử dụng công cụ lãi suất để ứng phó lạm phát, sớm thực hiện lộ trình tăng lãi suất, phải mất từ 6 đến 9 tháng để nhìn thấy hiệu quả, nhưng đến lúc đó, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi" - bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh.

Các quyết định tăng lãi suất của ECB gần đây diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế sụt giảm, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên đến 9,9% trong tháng 9 do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.

Kinh tế thế giới đang ở trong một giai đoạn đặc biệt. Đối phó với lạm phát được xem là ưu tiên hàng đầu, vì đảm bảo an sinh và đời sống của người dân. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, chính sách của các ngân hàng trung ương đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát hiện nay. Cũng theo IMF, các can thiệp chính sách cần phải kiên trì cho đến khi tình hình thực sự được cải thiện. Các hành động quyết liệt được cho là cần thiết, để đảm bảo sự bền vững trong dài hạn.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm