Quốc tế

Vai trò của quân đội Mỹ tại Syria hiện nay

Bằng việc khẳng định quyền đối với dầu mỏ Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã góp phần gia tăng thêm tính phức tạp đối với sứ mệnh quân sự mà ông hai lần tuyên bố cần kết thúc để binh sĩ trở về nhà.

Việc mở rộng nhiệm vụ đối với các giếng dầu ở Đông hoàn toàn khớp với quan điểm của Lầu Năm Góc rằng rút hoàn toàn khỏi nơi này có thể góp phần khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi sinh, ngay cả sau khi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của chúng bị thủ tiêu.

Binh sĩ Mỹ kiểm tra thiết bị khi đưa lên máy bay chở hàng tại Syria. Ảnh: AP

Ngày 25/10, nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Chúng ta đã bảo vệ được dầu mỏ do vậy một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ sẽ lưu trú tại khu vực này nơi chúng ta có dầu”. Ba ngày sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố số dầu thuộc về Mỹ.

Tổng thống Trump phát biểu: “Hãy nhớ rằng chúng tôi giữ dầu mỏ. Tôi luôn luôn nói rằng: Hãy giữ lại số dầu. Chúng tôi muốn nắm số dầu này. 45 triệu USD một tháng ư? Hãy giữ dầu mỏ”.

Quân đội Mỹ ngày 31/10 thừa nhận rằng một đơn vị trang bị xe thiết giáp đang hoạt động tại khu vực Deir el-Zour nhưng không công bố chi tiết quân số được bổ sung này.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn nguồn tin từ một số quan chức Lầu Năm Góc chia sẻ họ không nhận được mệnh lệnh chiếm dụng nguồn dầu nào của Syria, kể cả giếng dầu hay dầu thô tích trữ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 31/10 tuyên bố ông hiểu phát biểu của Tổng thống Trump là những phần tử cực đoan sẽ không được tiếp cận nguồn dầu mỏ.

Nga trong khi đó đã phản đối mạnh mẽ phát biểu của Tổng thống Trump. Trong nhiều năm, Mỹ từng nhận định rằng việc can thiệp quân sự ở nước ngoài là nhằm tăng cường hòa bình và an ninh thay vì chiếm dụng nguồn tài nguyên hay lãnh thổ của quốc gia đó.

Giáo sư Stephen Vladeck tại Đại học Texas cho biết không hề có lý luận pháp lý để chính quyền Tổng thống Trump tự nhận sở hữu dầu mỏ của Syria.

Tổng thống Trump cũng cho biết ông muốn công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ đầu tư vào Đông Syria. Các chuyên gia cho rằng đây là điều có vấn đề.

Giáo sư Michael Webber tại Đại học Texas đánh giá Syria có thể là nhà cung cấp năng lượng lớn nhưng nhiều năm bất ổn khiến các giếng dầu xáo trộn do vậy cần ổn định chính trị và đầu tư để đưa chúng trở về với tiềm năng khai thác vốn có.

Chuyên gia năng lượng Jim Krane tại Đại học Rice (Mỹ) cho biết sản lượng dầu mỏ của Syria đã giảm mạnh kể từ cuộc nội chiến năm 2011 từ 400.000 thùng/ngày chỉ còn 80.000 thùng/ngày.

Trong giai đoạn 2015-2016, quân đội Mỹ đã thực hiện chiến dịch có tên Tidal Wave II nhằm vào tiêu diệt các xe chở dầu do phiến quân sử dụng để đưa dầu mỏ tới thị trường đen.

Theo Báo tin tức

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo