Quốc tế

Vì sao các nước đua nhau phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa?

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa là một trong ba loại vũ khí hạt nhân chiến lược, có khả năng uy hiếp lớn, mang được nhiều loại bom đạn nên được các cường quốc quân sự tập trung phát triển.

Máy bay ném bom chiến lược là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ uy hiếp trên không chiến lược và tấn công chiến lược, đồng thời cũng là loại vũ khí quan trọng nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của các nước lớn. Tuy nhiên, do việc phát triển máy bay ném bom chiến lược chiếm nguồn tài chính lớn, yêu cầu phải có một hệ thống doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng hiện đại, hoàn thiện và nền khoa học kỹ thuật hiện đại, vì vậy trên thế giới hiện nay chỉ có một số ít nước có đủ điều kiện phát triển loại máy bay này. Trong đó, dẫn đầu là các cường quốc quân sự và kinh tế như Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc.

Mặc dù thông tin cụ thể liên quan đến kế hoạch phát triển loại máy bay của các nước không được tiết lộ, tuy nhiên căn cứ vào yêu cầu tác chiến, trình độ phát triển kỹ thuật hàng không và tiềm lực kinh tế, có thể dự đoán, máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới hạng nặng trong tương lai sẽ phát triển theo một số xu hướng chủ đạo sau.

Có thể nói, năng lực phòng không hiện nay của các nước không ngừng được nâng cao chính là động lực chủ yếu để các nước phát triển máy bay ném bom tầm xa chiến lược. Phương thức thực hiện đột kích hệ thống phòng không thành công của máy bay ném bom chiến lược tầm xa chủ yếu là dựa vào khả năng tàng hình cao.

Hiện nay, để nâng cao năng lực tàng hình cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới, cả Nga và Mỹ đều xây dựng phương án thiết kế riêng tuy nhiên vẫn dựa trên các kỹ thuật cơ sở như: Thay đổi kết cấu khí động học; sử dụng vật liệu chế tạo thân vỏ có khả năng hấp thụ sóng radar; phát triển loại sơn phủ mới; giảm thiểu tối đa các hệ thống phát xạ sóng điện từ... với mục tiêu giảm chỉ số phản xạ radar ở phần chính diện xuống dưới 0,1m2.

Khả năng tác chiến xuyên lục địa. Mục đích chủ yếu của các nước khi phát triển máy bay ném bom chiến lược đó là trực tiếp tiến hành các cuộc không kích, phá hủy căn cứ, tiềm lực hậu phương của đối phương về các mặt chính trị, kinh tế, trung tâm văn hóa, trung tâm chỉ huy quân sự. Do đó, khả năng hành trình ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi tấn công của máy bay ném bom chiến lược đồng thời các yếu tố về khoảng cách địa lý tới vị trí mục tiếu cũng tác động trực tiếp tới mức độ uy hiếp cũng như hiệu quả tấn công của máy bay ném bom chiến lược.

Hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới, quân đội Mỹ yêu cầu máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới phải có năng lực hành trình tối thiểu là 9.000km, nếu được tiếp tục tiếp dầu trên không thì phải có năng lực tác chiến trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, Nga yêu cầu máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của không quân là Tu-22M phải có năng lực hành trình liên tục 7.000km, nếu được tiếp dầu trên không thì cũng có khả năng tác chiến trên phạm vi toàn cầu.

Năng lực mang vũ khí hạt nhân. Hiện nay, hầu hết máy bay ném bom chiến lược của Nga và Mỹ đều có khả năng mang được các loại vũ khí hạt nhân, đồng thời lực lượng này luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. So với tên lửa đường đạn liên lục địa và tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm, việc dùng máy bay ném bom chiến lược phóng vũ khí hạt nhân có sức uy hiếp cao hơn đồng thời tính cơ động cũng mạnh hơn.

Một khi phát hiện dấu hiệu đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công, ngay lập tức có thể huy động máy bay ném bom chiến lược cất cánh và tấn công lập tức mục tiêu đối phương. Do đó, duy trì ưu thế phóng vũ khí hạt nhân từ máy bay ném bom chiến lược là một trong những biện pháp quan trọng để các cường quốc quân sự nâng cao sức mạnh răn đe “đòn hạt nhân thứ hai” của mình. Chính vì vậy, yêu cầu mang được các loại vũ khí hạt nhân là một yêu cầu bắt buộc đối với thế hệ máy bay ném bom chiến lược tiếp theo trong thời gian tới.

Tác chiến mạng trình độ cao. Chiến tranh tương lai sẽ là cuộc chiến tranh đối kháng mà thành phần chủ yếu là đối kháng thông tin và đối kháng mạng. Chính vì vậy, máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới không những đơn thuần chỉ có năng lực độc lập thực hiện nhiệm vụ mà còn yêu cầu có năng lực tác chiến mạng cường độ cao và mạnh.

Do đó, trên máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới sẽ được trang bị nhiều thiết bị thu thập thông tin tình báo, trinh sát, giám sát với hệ thống rađa, hồng ngoại, thiết bị vô tuyến hiện đại đảm bảo có thể thực hiện được nhiều thủ đoạn trinh sát, giám sát khác nhau.

Ngoài ra, máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới phải có năng lực trao đổi thông tin, chỉ huy hiệp đồng tác chiến đồng bộ với các hệ thống vũ khí trang bị trên các máy bay, hệ thống vũ khí khác, qua đó hình thành mạng đồng bộ, cung cấp kịp thời các thông tin tình báo cho các lực lượng chiến đấu.

Trong điều kiện tác chiến điện từ phức tạp, số lượng thông tin chiến trường của kho số liệu tổng hợp và của bản thân máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới phải được mở rộng, đồng thời năng lực truyền số liệu, xử lý số liệu…của máy bay ném bom chiến lược tầm xa cũng phải được nâng cao. Như vậy mới bảm đảm cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa có khả năng trao đổi thông tin với các lực lượng khác để thực hiện mọi nhiệm vụ tác chiến.

Theo Anh Tú/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo