Quốc tế

Vì sao ông Trump đàm phán với Triều Tiên nhưng 'dọa nạt' Iran?

Tổng thống Donald Trump đã “chìa cành ô liu” hòa bình với Triều Tiên thông qua cuộc gặp mới nhất với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong khi vẫn quyết tâm sử dụng “cây gậy” với Iran bằng các lệnh trừng phạt và hiện diện quân sự tại vùng Vịnh.

Giải mã vụ máy bay U-2 Mỹ bị Liên Xô bắn hạ 1960 / Mỹ nói Nga gặp khó khăn khi chế tạo tên lửa siêu thanh “bất khả chiến bại"

Từ trái qua phải: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: Getty)

Từ trái qua phải: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: Getty)

Trong động thái căng thẳng mới nhất với Iran, Tổng thống Trump ngày 1/7 cảnh báo quốc gia Trung Đông đang “chơi đùa với lửa” khi “phá rào” về hạn mức dự trữ uranium theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Vũ khí hạt nhân cho đến nay vẫn là vấn đề trọng tâm, châm ngòi căng thẳng cho mối quan hệ giữa Mỹ với Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, cách tiếp cận của chính quyền Trump với Tehran và Bình Nhưỡng đã cho thấy sự khác biệt.

Với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ dường như bình tĩnh hơn, thậm chí hai nước có cơ hội đạt được một thỏa thuận về hạt nhân.

Ông Kim Jong-un dường như sẵn sàng gặp mặt ông Trump hơn khi tổng thống Mỹ ngỏ ý gặp mặt và trao đổi trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội gặp ông Trump tại Khu phi quân sự chia tách biên giới Hàn - Triều hôm 30/6, sau khi nhận được lời mời chớp nhoáng từ ông chủ Nhà Trắng trước đó 24 giờ đồng hồ.

Tổng thống Trump cũng từng “chìa cành ô liu” với các nhà lãnh đạo Iran, tuy nhiên kết quả không khả quan như với Triều Tiên. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về chính sách của chính quyền Mỹ đối với hai quốc gia được xem là “điểm nóng” trên bản đồ chính trị thế giới.

 

Nếu Tổng thống Trump có thể họp thượng đỉnh, đàm phán và gửi những bức thư chứa chan tình cảm dành cho ông Kim Jong-un, lãnh đạo của một quốc gia được cho là sở hữu tới 60 vũ khí hạt nhân, từng phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản và đe dọa Hàn Quốc; tại sao ông ấy không thể ngồi xuống với các quan chức Iran để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay?

Theo CNN, câu trả lời nằm ở bối cảnh của cuộc khủng hoảng hiện nay khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran, bao gồm lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào lãnh tụ tối cao Iran. Chính điều này khiến Iran không còn hứng thú với các cuộc đàm phán, dù ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng ngồi xuống đối thoại vô điều kiện với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Lưu danh sử sách

Vì sao ông Trump đàm phán với Triều Tiên nhưng dọa nạt Iran? - 2

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bắt tay tại đường ranh giới quân sự tại khu phi quân sự hôm 30/6 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump dường như thích thú khi tuyên bố rằng chính ông đã đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo ông Trump, mặc dù Mỹ và Triều Tiên đang đứng trên bờ vực chiến tranh, nhưng nhờ sự gắn kết của ông mà nhà lãnh đạo Triều Tiên không còn phóng tên lửa tầm xa hay tiến hành thử hạt nhân đe dọa Mỹ.

 

Thực tế, ông Trump đã đặt ông Kim vào vùng an toàn trước những lời chỉ trích như ông từng gặp phải khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông chủ Nhà Trắng thường xuyên dành những lời “có cánh” cho nhà lãnh đạo Triều Tiên, khoe những bức thư “nồng ấm” mà ông nhận được từ “người bạn” ở Bình Nhưỡng.

Mặc dù các hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc mà không đạt được kết quả như kỳ vọng, song Tổng thống Trump vẫn muốn giữ giấc mơ Triều Tiên.

Tổng thống Trump có niềm tin rằng Triều Tiên, không giống Iran, sẽ đem lại cho ông thành công chưa từng có tiền lệ, mang tới một “tấm vé” giúp ông lưu danh sử sách, thậm chí giúp ông nhận được giải Nobel Hòa bình. Hơn hết, không giống những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã gặt hái được thành công khi dám chấp nhận rủi ro để đích thân đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Iran - Câu chuyện cũ và phức tạp

Không giống Triều Tiên, nơi Tổng thống Trump có thể theo đuổi cách tiếp cận độc nhất vô nhị về ngoại giao; Iran là một câu chuyện đã cũ. Trong suy nghĩ của ông Trump, câu chuyện Iran đã trở nên phức tạp vì những nỗ lực vụng về của các tổng thống tiền nhiệm.

 

Ông Trump dành phần lớn thời gian trong chiến dịch vận động tranh cử của mình để chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran là văn kiện tồi tệ nhất trong lịch sử loài người, đồng thời sử dụng chính thỏa thuận này để công kích người tiền nhiệm Barack Obama. Theo đó, ông Trump cam kết sẽ xé bỏ hoặc ít nhất phải đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chỉ riêng việc thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết nhờ vai trò của Obama cũng đủ khiến Tổng thống Trump không mặn mà với thỏa thuận này. Ông Trump muốn cho mọi người thấy rằng ông là tổng thống mới và có cách tiếp cận mới. Đó cũng là lý do Tổng thống Trump quay lưng với mọi nỗ lực mà ông Obama từng dày công vun đắp, từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho tới các thỏa thuận khí hậu và nhập cư.

Tóm lại, Iran là vấn đề cũ, là câu chuyện dưới thời Obama. Nếu ông Obama không thể rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump sẽ rút. Thậm chí, ông còn triển khai chiến dịch gây sức ép tối đa mới Tehran.

“Với Iran, mục tiêu thực sự là thay đổi chính quyền, bao gồm cả phương án quân sự của Mỹ. Với Triều Tiên, mục tiêu không hẳn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, mà là một kết quả cho phép ông Kim Jong-un vẫn duy trì kho hạt nhân, trong khi xóa bỏ chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa để giảm thiểu nguy cơ đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia Mỹ. Việc đạt được mục tiêu dễ hơn có thể lý giải vì sao ông Trump xích lại gần Triều Tiên một cách bất thường như vậy”, AP dẫn lời Michael McFaul, đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm