Quốc tế

Vì sao Thái Lan bất ngờ hủy mua khinh hạm 3.000 tấn thứ hai từ Hàn Quốc?

Mặc dù được đánh giá rất cao về tính năng kỹ chiến thuật và còn được Hàn Quốc đồng ý chuyển giao công nghệ để tự đóng trong nước, nhưng thật bất ngờ khi Thái Lan đã quyết định hủy mua chiến hạm lớp DW-3000F.

Hiện tại Hải quân hoàng gia Thái Lan đang có trong biên chế 1 khinh hạm DW-3000F mang tên Taichin với số hiệu 471 do Hàn Quốc chế tạo.

Theo thỏa thuận với phía Hàn Quốc, hãng đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) sẽ chuyển giao công nghệ để Thái Lan tự chế tạo chiếc thứ 2 trong nước nếu hợp đồng được ký kết.

Được biết lớp chiến hạm DW-3000F này phát triển từ nguyên mẫu khu trục hạm Kwanggaeto (KDX-1) của Hải quân Hàn Quốc, giá trị mỗi tàu lên tới 416 triệu USD.

Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu hộ vệ tên lửa DW-3000F bao gồm lượng giãn nước đầy tải 3.700 tấn; chiều dài 123 m; chiều rộng 14,4 m; mớn nước 8 m.

Tàu được trang bị hệ thống động lực hỗn hợp giữa động cơ diesel và điện, cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động 4.000 hải lý nếu chạy ở vận tốc tiết kiệm nhiên liệu 18 hải lý/h.

Cảm biến chính trên chiến hạm DW-3000F là radar cảnh giới tầm xa Sea Giraffe 4A có phạm vi trinh sát ngoài 350 km; bên cạnh đó là radar tầm trung Sea Giraffe AMB (tầm xa lớn hơn 180 km).

Các thiết bị khác của tàu gồm có 3 radar dẫn đường hàng hải; hệ thống định vị thủy âm (sonar) dạng kéo và gắn liền thân; 1 camera giám sát (bao gồm cả kênh ảnh nhiệt và TV); 2 bệ phóng mồi bẫy gây nhiễu.

Vũ khí trang bị của tàu rất mạnh và toàn diện, bao gồm 1 pháo Oto Melara Super Rapid cỡ 76,2 mm; 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx; 2 bệ pháo DS-30M Mark 2 cỡ nòng 30 mm điều khiển tự động; 2 súng máy M2 cỡ 12,7 mm.

Đáng chú ý nhất trên DW-3000F là bệ phóng thẳng đứng Mk 41 với 8 ống phóng, có thể mang theo 32 tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM (4 tên lửa trong 1 ống), hoặc 8 quả RIM-66/67 SM-2MR/ER, hoặc tên lửa chống ngầm VL ASROC.

Giữa tàu còn có cụm ống phóng nghiêng dành cho tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon và ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 44 do Mỹ sản xuất.

DW-3000F của Hải quân Thái Lan hoàn toàn xứng đáng được coi là khinh hạm số 1 tại khu vực Đông Nam Á, sức mạnh của nó thậm chí còn nhỉnh hơn cả lớp Formidable phục vụ trong Hải quân Singapore, do vậy việc nước này hủy mua chiếc thứ hai được xem là rất bất thường.

Nguyên nhân chủ chốt dẫn đến hành động trên được báo chí Thái Lan giải thích là do nước này muốn tập trung ngân sách cho việc mua sắm chiến hạm Trung Quốc nhằm thắt chặt tình hữu nghị.

Trước mắt số tiền dự định đầu tư cho chiến hạm DW-3000F thứ hai sẽ được chuyển sang mua tàu ngầm diesel-điện S26T, khi Thái Lan muốn nhanh chóng sở hữu biên đội 3 chiếc trong tương lai không xa.

Hợp đồng thi công đóng mới chiếc S26T đầu tiên cho Hải quân Thái Lan được ký kết vào đầu năm 2017 với đơn giá hơn 400 triệu USD và lễ khởi công đã diễn ra vào đầu tháng 9.

Bên cạnh đó, Hải quân Thái Lan mới đây đã công bố hợp đồng mua tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071E cũng do Trung Quốc chế tạo, họ đánh giá những dự án này là cần thiết hơn so với khinh hạm DW-3000F, điều đó đã dẫn đến việc hợp đồng với Hàn Quốc bị hủy bỏ.

Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo