Quốc tế

Vì sao Ukraine rút xe tăng Leopard 2 khỏi tiền tuyến?

Xe tăng Leopard 2 do phương Tây viện trợ cho Ukraine từng tham chiến với quy mô lớn tại mặt trận Zaporizhia, nhưng gần đây chúng lại vắng bóng.

Các nước NATO không thể thống nhất lời hứa với Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh / Cảnh báo không kích được công bố tại 6 khu vực của Ukraine

Vì sao Ukraine rút xe tăng Leopard 2 khỏi tiền tuyến? - 1

Xe tăng Challenger 2 của Ukraine (Ảnh: Forbes).

Phải chăng Ukraine đã hết xe tăng Leopard 2 (Báo đốm) hay có nguyên nhân gì khác?

Ukraine rút xe tăng Leopard 2 khỏi tiền tuyến

Từng được quảng cáo là một trong những dòng xe tăng hiện đại, mạnh mẽ hàng đầu thế giới, vượt trội so với các xe tăng Liên Xô và Nga, nhưng Leopard 2 của Ukraine lại thất bại ngay trong lần đầu tiên ra trận, buộc Kiev phải rút khỏi tiền tuyến.

Không hẳn thất bại của Leopard 2 là do chất lượng kém, vì nó vẫn xứng tầm là xe tăng hiện đại nhất của khối NATO. Có thể có những nguyên nhân sau.

Thứ nhất, các bãi mìn và hỏa lực pháo binh, tên lửa chống tăng, trực thăng tấn công của Nga quá mạnh, trong khi Ukraine chưa có đủ lực để chế áp, che đầu cho lực lượng cơ giới tiến công.

 

Thứ hai, xe tăng Leopard 2 khá phức tạp và dễ hỏng hóc, cần nhiều thời gian bảo dưỡng hơn rất nhiều so với các dòng xe tăng Liên Xô và Nga. Các đơn vị hậu cần - kỹ thuật Ukraine không đủ khả năng sửa chữa lớn xe tăng Đức trên chiến trường. Nếu chúng gặp vấn đề, sẽ phải chuyển sang Ba Lan để sửa chữa.

Thứ ba, chính sách khen thưởng từ Bộ Quốc phòng, Chính phủ, và các cá nhân, tập thể Nga dành cho các binh sĩ bắn hạ khí tài phương Tây, tạo động lực cho họ để ưu tiên tập kích mỗi khi phát hiện ra xe tăng Leopard 2, cũng như các vũ khí Mỹ và phương Tây viện trợ khác.

RIA Novosti dẫn lời của một số tù binh cho biết một số binh lính Ukraine chia sẻ rằng họ cảm thấy bất an khi phải điều khiển các phương tiện chiến đấu do Mỹ và phương Tây viện trợ, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức vì chúng được quân Nga ưu tiên săn lùng.

Mức độ tổn thất đáng kể về phương tiện cơ giới, trong đó có xe tăng trên chiến trường miền Đông cũng khiến Ukraine phải xem xét lại chiến thuật phản công, khi nguồn lực quân sự phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ từ nước ngoài.

Trong vài tuần trở lại đây, các đợt phản công có tham gia của xe tăng đã ít dần đi. Có lẽ Kiev đã thay đổi chiến thuật, hạn chế tổn thất phương tiện chiến đấu hạng nặng ở mức tối thiểu để dành cho các đòn phản công quy mô lớn có thể được thực hiện trong tương lai.

 

Sputnik dẫn tin từ truyền thông Mỹ, trích dẫn tuyên bố từ các quan chức cấp cao và chỉ huy tiền tuyến Ukraine cho biết Quân đội Ukraine, do không có đủ xe tăng, xe bọc thép hoặc đạn dược để vượt qua tuyến phòng thủ kiên cố của Nga, nên đã buộc phải rút khỏi tiền tuyến những chiếc xe tăng Leopard 2 thuộc loại hiện đại nhất của NATO.

Nhìn rộng hơn, không chỉ là hiệu quả tác chiến, hình ảnh các phương tiện chiến đấu phương Tây viện trợ, trong đó có Leopard 2 bị Nga loại khỏi vòng xuất hiện ở thời điểm trước thềm Hội nghị thượng định NATO sẽ tạo hiệu ứng truyền thông tiêu cực, quyết định của Ukraine cho "báo đốm" rút khỏi tiền tuyến là điều dễ hiểu.

Xe tăng được Anh và Mỹ viện trợ đang ở đâu?

Trong việc viện trợ quân sự, đặc biệt là xe tăng cho Ukraine, giữa Mỹ, Anh và Đức, thường tồn tại những bất đồng. London và Washington luôn thúc giục đồng minh viện trợ xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine, nhưng phía Đức lại muốn Mỹ tiên phong trong việc viện trợ xe tăng Ukraine.

Mỹ khuyến khích các đồng minh cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, nhưng lại không đi đầu trong việc cung cấp xe tăng Abrams do họ sản xuất với lý do dòng xe tăng này vận hành phức tạp, sử dụng tốn kém.

 

Mọi việc tưởng chừng có thể thay đổi khi Anh tiên phong viện trợ 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, để khơi mào cho Mỹ sớm chuyển xe tăng hiện đại cho Ukraine.

Dù vậy, bất chấp chiến dịch phản công của Ukraine đã diễn ra được hơn 1 tháng, nhưng không hiểu tại sao vẫn chưa thấy bóng dáng của xe tăng Challenger 2 tham chiến, trong khi đó xe tăng M1 Abrams hứa viện trợ cho Ukraine vẫn… đang trong quá trình sản xuất. Chúng sẽ không có mặt tại Ukraine trước cuối năm 2023.

Về vấn đề này, trên trang tin quân sự VPK, chuyên gia Alexander Bartosh, thành viên của Học viện Khoa học Quân sự Nga, cho rằng Mỹ muốn các nước châu Âu gửi xe tăng đến chiến trường Ukraine nhằm tiêu hao kho vũ khí của châu Âu, đặc biệt khi đối đầu với Nga, xe tăng Leopard 2 của châu Âu khó có khả năng giành phần thắng.

Thực tế này sẽ làm gia tăng giá trị của xe tăng Mỹ trên thị trường vũ khí quốc tế và khả năng xuất khẩu chúng cho các quân đội các quốc gia châu Âu, khi nguồn vũ khí xuất khẩu khan hiếm.

Đây có thể là giải thích cho việc tại sao xe tăng Anh và Mỹ tới thời điểm hiện tại vẫn chưa xuất hiện và tham chiến.

 

Cuộc xung đột tại Ukraine thực tế không chỉ là nơi so tài giữa vũ khí Đông - Tây, mà còn là "sân khấu" cạnh tranh giữa vũ khí của các quốc gia phương Tây với nhau.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm