Quốc tế

Việt Nam cải tiến lớn trên pháo phòng không ZSU-23-4

Hiện đại hóa các tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka là yêu cầu cấp thiết.

Hiện tại trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn số lượng khá lớn pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka do Liên Xô viện trợ có tuổi đời đã hàng chục năm, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chiến tranh hiện đại thì việc hiện đại hóa chúng là vấn đề cấp thiết.

Thậm chí yêu cầu trên còn trở nên cấp bách hơn khi lục quân đang được tiến lên hiện đại, thể hiện qua việc Binh chủng Tăng - thiết giáp đã xây dựng được 2 tiểu đoàn xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK tối tân, rất cần có một hệ thống phòng không tự hành đủ sức đi theo đội hình tiến quân để làm cận vệ.

Thiết bị quang điện tử do Việt Nam tự chế tạo nhằm thay thế radar 1RL33 trên ZSU-23-4

Đối với tổ hợp Shilka, thực chất hỏa lực của nó với 4 nòng pháo 23 mm tạo ra mật độ đạn 4.000 viên/phút vẫn đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, điểm yếu trên ZSU-23-4 được chỉ ra là khó nối dài cự ly tác chiến, hay radar dẫn bắn nguyên bản 1RL33 không phù hợp khi đánh chặn mục tiêu bay thấp như UAV hay tên lửa hành trình.

Giải pháp đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai đó là thay thế radar 1RL33 bằng khí tài trinh sát quang điện tử sẽ cho khả năng bám bắt tốt hơn và đặc biệt là tránh được tên lửa chống bức xạ của đối phương.

Bên cạnh đó, khí tài quang điện tử còn dễ dàng dẫn bắn cho tên lửa phòng không vác vai tích hợp vào hệ thống, khiến cho độ tin cậy của tổ hợp vũ khí đã cao tuổi này tăng vọt về cả độ chính xác lẫn tầm bắn so với pháo cao xạ cơ bản.

Hình minh họa nguyên mẫu pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka do Việt Nam nâng cấp

Sau khi tham khảo một số chương trình nâng cấp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka tiêu biểu trên thế giới thì có vẻ như Việt Nam đã chọn hướng đi của Ba Lan với nguyên mẫu ZSU-23-4MP Biala để thực hiện công việc hiện đại hóa vũ khí của chính mình.

Kênh truyền hình quốc phòng mới đây đã phát sóng phóng sự giới thiệu về dự án nâng cấp ZSU-23-4 do các kỹ sư quân sự của chúng ta tự triển khai, trong đó đã xuất hiện hình ảnh về thiết bị quang điện tử nội địa thay thế radar 1RL33, cũng như đồ họa về cấu hình của tổ hợp sau nâng cấp đã được tích hợp thêm 4 tên lửa tầm ngắn.

Theo đánh giá ban đầu, sau khi công việc hoàn thành thì phòng không lục quân Việt Nam sẽ có trong biên chế một hệ thống vũ khí tạm thời đáp ứng yêu cầu tác chiến trong giai đoạn chờ được trang bị những tổ hợp hiện đại hơn.

Dự kiến nguyên mẫu hoàn chỉnh của pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 do Việt Nam tự nâng cấp sẽ chính thức được ra mắt trong tương lai không xa.

Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo