Quốc tế

Việt Nam hoàn thiện hệ thống tên lửa bờ nội địa?

Xe bệ phóng của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo đã được Kênh truyền hình Quốc phòng công bố mới đây.

Hiện tại ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành thiết kế tên lửa hành trình chống hạm KCT 15 dựa trên nguyên mẫu Kh-35 Uran-E do Nga chuyển giao công nghệ chế tạo.

Sau lần ra mắt vào năm 2015, đã có nhiều nhận định cho rằng vũ khí này sẽ được tích hợp lên các tàu mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên cho tới thời điểm này suy đoán trên vẫn chưa thành hiện thực khi Gepard 3.9 cùng Molniya 1241.8 vẫn sử dụng Uran-E, còn các cặp tàu có thể đóng mới dự định trang bị Kalibr-NK.

Vậy vai trò nào sẽ thuộc về tên lửa chống hạm KCT 15, câu hỏi này đã được giải đáp phần nào trong phóng sự "Hiệu quả của những công trình trẻ" phát sóng ngày 12/8 trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa bờ do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo

Cụ thể, thùng xe tải đã được dỡ bỏ và thay vào đó là cụm 4 ống phóng nghiêng tương tự KT-184 của tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 Uran-E.Phóng sự trên đã cho thấy một thiết kế xe bệ phóng của hệ thống tên lửa bờ do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo dựa trên việc hoán cải xe tải việt dã KamAZ 43118 (6x6) 3 cầu chủ động, đây là sản phẩm của các kỹ sư trẻ thuộc Tổng cục Kỹ thuật.

Trước đó loại ống phóng này cũng đã được kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam giới thiệu trong một phóng sựkhác.

Phương án thiết kế của Việt Nam theo nhận xét có nhiều nét tương đồng với xe mang phóng tự hành thuộc tổ hợp Rubezh-ME mà Nga vừa giới thiệu tại triển lãm IDMS 2019, tuy nhiên xe chưa được tích hợp radar dẫn bắn mà chỉ đơn thuần mang vác đạn mà thôi.

Thiết kế xe mang phóng tự hành của Việt Nam có một số nét tương đồng với Rubezh-ME của Nga

Khả năng rất cao sau khi hoàn thiện thì tên lửa hành trình diệt hạm KCT 15 của Việt Nam sẽ được biên chế cho một lữ đoàn tên lửa bờ mới thành lập, hoặc còn viễn cảnh khác đó là dùng để nâng cấp Lữ đoàn 680 đang vận hành tổ hợp 4K51 Rubezh đã cũ.

Với tầm bắn trong khoảng 130 - 260 km của KCT 15, tổ hợp tên lửa hành trình đất đối hải của Việt Nam chính là sự thay thế hoàn hảo cho P-15M Termit có cự ly tác chiến ngắn, đường bay dễ bị đánh chặn và khó chống trả các biện pháp gây nhiễu điện tử của đối phương.

Ngoài trang bị cho các lữ đoàn tên lửa bờ, không loại trừ rằng trong tương lai không xa chúng ta còn sản xuất đủ cả biến thể triển khai trên tàu chiến, phóng từ trên không hay thậm chí là phiên bản tên lửa hành trình đối đất dựa trên thiết kế KCT 15.

Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo