Quốc tế

Vòng xoáy mới quân sự hóa không gian

Không gian vũ trụ được coi là chiến trường và rất có thể là nơi bắt nguồn của các cuộc chiến mới trong tương lai.

Nhiều lực lượng vũ trụ mới xuất hiện

Không gian đang là chìa khóa để chỉ huy và kiểm soát chiến trường, cảnh báo tên lửa, điều hướng, nhắm mục tiêu và tác động lên mọi khả năng quân sự nói chung. Lực lượng vũ trụ là các đơn vị quân đội liên quan đến các hoạt động trong không gian - chiến trường của các cuộc chiến mới trong tương lai, hay còn gọi là "mặt trận thứ 5" (trên mặt đất, trên biển, trên không, trên mạng và trong vũ trụ).

Vũ khí cho chiến tranh vũ trụ đã được phát triển. Nguồn: thesun.co.uk

Lực lượng vũ trụ Nga từng tồn tại trong khoảng thời gian 1992-1997 và 2001-2011, được tái lập năm 2015 như một nhánh của Lực lượng Không quân - Vũ trụ của nước này. Trung Quốc cũng đã thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược năm 2015, với chức năng tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến điện tử, không gian mạng và vũ trụ. Trong bối cảnh cuộc chạy đua phát triển công nghệ vũ trụ giữa các cường quốc đang ngày càng gay gắt, nhiều lực lượng vũ trụ chuyên trách mới đã và sẽ sớm xuất hiện.

Ngày 29/8/2019, ông Pence - Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Hội đồng Không gian Quốc gia Mỹ đã chủ trì buổi lễ ra mắt Bộ Chỉ huy Không gian (SpaceCom) dưới sự chỉ huy của Tướng John Raymond, và chỉ huy phó - Tướng James Dickinson. Theo tờ Washingtonpost, SpaceCom có 4 chức năng, bao gồm: cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh; kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và đảm bảo an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ; bảo vệ tài sản Mỹ trên quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài phá hoại vệ tinh của Mỹ; và giám sát, cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác...

SpaceCom có 87 đơn vị với ngân sách năm tài khóa 2020 là 83,8 triệu USD. Giống như các bộ chỉ huy tác chiến khác, SpaceCom được chia thành các bộ phận nhỏ dựa theo chiến lược địa chính trị của Mỹ, như đơn vị SpaceCom ở Trung Đông, ở Ấn Độ-Thái Bình Dương… Theo CNN, SpaceCom có 6 căn cứ và dự kiến có 1.450 nhân sự, gồm 390 sĩ quan, 183 binh sĩ, 827 nhân viên và 50 nhà thầu. Vị trí đặt Tổng hành dinh chính của SpaceCom đang được cân nhắc, có thể là Căn cứ Không quân Shriever (trong khi các nghị sĩ Mỹ muốn đặt Bộ chỉ huy mới ở Florida hoặc Texas). Hiện còn một số tranh cãi liên quan tới tên gọi Bộ chỉ huy này, phe Dân chủ muốn gọi là “Quân đoàn” (corps), trong khi phe Cộng hòa muốn gọi là “Lực lượng” (force).

Mô phỏng chiến tranh vũ trụ. Nguồn: sciencephoto.com

Vũ khí năng lượng định hướng. Nguồn: space.com

Ngày 13/7/2019, Tổng thống Pháp Macron cho biết, đã thông qua học thuyết quân sự và không gian mới do Bộ Quốc phòng đề xuất và kế hoạch thành lập Lực lượng Vũ trụ vào tháng 9/2019 (Không quân Pháp sẽ được đổi tên thành Quân chủng Không quân và Vũ trụ), nhằm củng cố và phát triển năng lực không gian. Pháp dự trù chi 3,6 tỷ euro cho giai đoạn 2019-2025 nhằm tiếp tục phóng các vệ tinh quan sát CSO, phóng 3 vệ tinh giám sát điện tử CERES và hiện đại hóa hệ thống giám sát không gian bằng radar GRAVES.

Chủ tịch đắc cử Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 10/9 thông báo, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thành lập cơ quan chuyên về phòng thủ và không gian, giúp tài trợ, phát triển và triển khai lực lượng vũ trang cho khối, nhưng nhấn mạnh EU sẽ không bao giờ là một liên minh quân sự giống NATO. Người chịu trách nhiệm điều hành cơ quan mới là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp hiện làm việc tại Ngân hàng Trung ương Pháp - bà Sylvie Goulard. Cơ quan này sẽ được cấp ngân sách 13 tỷ euro từ ngân sách chung của EU dành cho nghiên cứu quốc phòng để phát triển và mua sắm vũ khí.

Ngày 17/9/2019, Thủ tướng Nhật Bản Abe cho biết dự định thành lập đơn vị vũ trụ trong Lực lượng phòng vệ trên không từ năm 2020, đóng tại căn cứ không quân ở thành phố Fuchu, phía tây Tokyo. Lực lượng phòng vệ trên không trong tương lai có thể phát triển thành Lực lượng phòng vệ trên không và vũ trụ, dự kiến có khoảng 70 nhân sự, có nhiệm vụ giám sát các mảnh vỡ ngoài không gian và nguy cơ tấn công hoặc can thiệp từ vệ tinh của nước ngoài trong vũ trụ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị thêm 484 triệu USD ngân sách năm sau để tăng cường năng lực vũ trụ, trong đó có cả việc thành lập đơn vị vận hành ngoài không gian. Ban đầu, Nhật Bản đã lên kế hoạch thành lập mộtđơn vị quân sự vũ trụvào năm 2022, song sau đó đã quyết định đẩy nhanh việc này - động thái được cho là nhằm tránh bị tụt hậu trong lĩnh vực quân sự vũ trụ so với các nước Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nhật Bản hiện đang nghiên cứu một hệ thống theo dõi không gian trên mặt đất bao gồm các radar có độ nhạy cao và kính viễn vọng quang học.

Trong năm nay, NATO đặt mục tiêu công nhận không gian là một lĩnh vực tác chiến - động thái một phần là để cho Mỹ biết rằng liên minh này có hướng đến và thích nghi với các mối đe dọa mới khi Mỹ thành lập SpaceCom. Quyết định dự kiến được đưa ra tại Thượng đỉnh ngày 3-4/12 tại London - chính thức thừa nhận các trận chiến có thể được tiến hành không chỉ trên đất liền, trên không, trên biển và trên mạng Internet, mà còn cả trong không gian.

Quyết định tuyên bố không gian là một khu vực phòng thủ mới giúp thuyết phục Mỹ rằng, NATO là một đồng minh trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự đối thủ. Trong các lĩnh vực tác chiến khác, tài sản quốc gia của các đồng minh NATO được đặt dưới sự điều động của chỉ huy đồng minh tối cao khi xảy ra xung đột. Nhạy cảm nhất trong tất cả sẽ là quyết định, liệu một cuộc tấn công vào vệ tinh đồng minh có cấu thành một cuộc tấn công vào liên minh và liệu có kích hoạt Điều 5 (phòng thủ tập thể) của NATO hay không.

Và cuộc đua vũ khí

Vào năm 1990-1991, trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, độ chính xác tên lửa hành trình Tomahawk của liên quân khoảng 60-70%, nhưng vào 1999 - khi Mỹ oanh tạc Nam Tư có ứng dụng GPS, chỉ số này đã đạt đến 90%, và người Mỹ bắt đầu ồ ạt kết nối tất cả các hệ thống chiến đấu của họ, không chỉ tên lửa hành trình, mà cả các loại bom, nhiều đạn pháo và thậm chí cả mìn, đạn cối… với GPS. Quân đội Mỹ ngày càng phụ thuộc vào mạng lưới vệ tinh, đặc biệt là trong các hoạt động tác chiến… Và chính tại đây, người Mỹ đã tự rơi vào một cái bẫy - vũ khí quá phụ thuộc vào GPS đã tạo nên “gót chân Achilles” của chính họ.

Mô phỏng chiến tranh không gian. Nguồn: strategicfront.org

Trên thực tế, không gian đã được quân sự hóa từ những năm 1960. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô chưa thực sự đụng độ trên vũ trụ, nhưng đã sử dụng vệ tinh để do thám lẫn nhau. Mỹ có tên lửa chống vệ tinh đóng tại Thái Bình Dương và Liên Xô có vũ khí có thể gây thiệt hại vệ tinh quay quanh. Trung Quốc, Nga và Mỹ đã thử nghiệm vũ khí phóng từ trái đất có khả năng tấn công vệ tinh, hay có vệ tinh có khả năng tiếp cận quỹ đạo của vệ tinh mục tiêu trước khi tấn công, hoặc va chạm với nó, hay thu giữ các vật thể đang bay trên quỹ đạo.

Theo chuyên gia của tạp chí Arsenal Otechestva (Nga), cơ quan phụ trách các dự án quốc phòng Mỹ (DARPA) đã xác định hướng đi trọng tâm trong việc phát triển công nghệ vũ trụ quân sự là phát triển máy bay đánh chặn không gian, loại bỏ tên lửa đạn đạo và tạo nền tảng vũ trụ với tia laser mạnh (có thể bằng năng lượng hạt nhân), bảo vệ lãnh thổ Mỹ và thiết kế các hệ thống đặc biệt để tấn công phủ đầu các kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc trên Trái Đất bằng tên lửa không đối đất.

Theo các phương tiện truyền thông, máy bay quân sự siêu bí mật X-37B của Mỹ đã hoạt động 718 ngày liên tục trên quỹ đạo, mà theo giới thạo tin, một trong những nhiệm vụ của nó được cho là giúp vô hiệu các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo chuyên diệt tàu sân bay của Trung Quốc. Một số nguồn tin cho rằng, X-37B trong tương lai có thể được trang bị pháo liên thanh cỡ nhỏ, và trong điều kiện không gian, đủ sức bắn hạ các thiết bị, phương tiện vũ khí ở khoảng cách xa - chứng minh khả năng trong tương lai, các phương tiện chiến đấu ngoài không gian được trang bị cả tên lửa dẫn đường và các loại vũ khí dựa trên nguyên tắc vật lý mới, là hoàn toàn có thể.

Đặc biệt, truyền thông Mỹ vừa gây bất ngờ khi đăng tải hình ảnh về chiếc máy bay tàng hình siêu bí mật TR-3B Black Manta đang được âm thầm thử nghiệm, được đồn đoán là loại máy bay chạy năng lượng hạt nhân có khả năng lơ lửng và di chuyển trong im lặng. Các nhà lý thuyết âm mưu cho rằng TR-3B là một dự án bí mật của Mỹ để do thám vũ trụ, được tạo ra tại căn cứ siêu bí mật như Vùng 51 (Nevada), sử dụng công nghệ chưa từng được áp dụng trong lĩnh vực hàng không trên Trái Đất.

Chiến tranh không gian sẽ là cuộc đọ sức tổng lực. Nguồn: wordpress.com

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 11/2/2019 công bố tài liệu cảnh báo rằng, nhiều loại vũ khí chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc, bao gồm hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng và tên lửa chống vệ tinh “động học”, có thể phá hủy, làm suy yếu hoặc gây tổn thương các vệ tinh trong không gian và cảm biến của chúng. Đạo luật An ninh Quốc gia năm tài khóa 2019 chỉ rõ sự cần thiết và cấp bách trong việc nghiên cứu các loại vũ khí triển khai sẵn trên vũ trụ và khi cần, sẵn sàng tấn công phủ đầu các quốc gia được Mỹ coi là thù địch, phát triểnlực lượng vũ trụ là nhằm củng cố sự thống trị của Mỹ trong không gian bên ngoài Trái Đất.

Cũng theo Báo cáo, Nga đã giao vũ khí laser cho Lực lượng Không quân - Vũ trụ của nước này trước tháng 7/2018, nhiều khả năng sẽ được sử dụng cho sứ mệnh chống vệ tinh. Trung Quốc đã sở hữu tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất, có thể tấn công các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, đồng thời thành lập các đơn vị quân đội để huấn luyện đào tạo sử dụng tên lửa này, còn Nga nhiều khả năng cũng đang phát triển “hệ thống tên lửa di động trên mặt đất có thể phá hủy các mục tiêu ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, cùng với tên lửa đạn đạo và “hệ thống vũ khí này sẽ được đưa vào hoạt động trong vài năm tới”. Cả Nga và Trung Quốc đều đang phát triển và hoàn thiện các vệ tinh có khả năng tấn công các vệ tinh khác đang bay trên quỹ đạo.

Theo Aviation Week, trong ngân sách quốc phòng năm 2020 của Lầu Năm Góc đã có ngân sách ban đầu trị giá 10 triệu USD cho dự án động cơ nhiệt hạt nhân cho tàu vũ trụ, có hiệu suất và lực đẩy gấp đôi so với động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu hóa học, trong khi có trọng lượng nhẹ hơn. Động cơ xung hạt nhân có thể đạt tốc độ tới 36.000 km/s và động cơ phản vật chất đem lại nguồn năng lượng cực lớn là hai trong số các công nghệ có thể giúp nhân loại đi xa hơn trong vũ trụ.

Vũ khí chiến tranh Lạnh mới đã được triển khai trên quỹ đạo. Nguồn: thenewsrep.com

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đề xuất chi 304 triệu USD trong ngân sách tài khóa 2020 cho chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí laser và vũ khí chùm hạt trong không gian, cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa mới trong thời gian tới. Mỹ đang có kế hoạch thử nghiệm vũ khí chùm hạt trung tính trên quỹ đạo vào năm tài chính 2023, như một phần trong nỗ lực tăng cường khám phá những loại vũ khí hoạt động trong không gian - là những loại vũ khí cần thiết để chống lại các loại tên lửa mới của Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện hai nghiên cứu đánh giá xem liệu các loại vệ tinh được trang bị laser có thể vô hiệu hóa tên lửa của đối phương ngay khi được bắn đi từ bệ phóng hay không (dự kiến tiêu tốn khoảng 15 triệu USD và được hoàn thành trong 6 tháng); và nghiên cứu vũ khí chùm hạt trung tính trong không gian - một dạng khác của vũ khí năng lượng định hướng có khả năng phá hủy tên lửa bằng các luồng hạt hạ nguyên tử di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.

Mỹ đang lên kế hoạch sử dụng vệ tinh và vũ khí đánh chặn để phát hiện và tiêu diệt tên lửa địch từ ngoài không gian theo hai phương án mới là bắn hạ tên lửa đối phương ngay trong "giai đoạn đẩy" khi chúng di chuyển chậm hơn, hoặc phát hiện và tiêu diệt tên lửa đối phương từ ngoài không gian. Theo Economist, Mỹ đang bắt đầu quá trình nghiên cứu tìm cách đưa vũ khí đánh chặn, có thể là tên lửa hoặc laser, lên không gian. Để thực hiện thành công chiến lược bắn hạ tên lửa địch từ không gian, Washington cần phát triển một mạng lưới vệ tinh lớn với chi phí hàng trăm tỉ USD, tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ mới sẽ giúp cắt giảm chi phí.

Theo bài viết trên trang mạng Defence News (Mỹ) đăng tải ngày 17/4/2019, Không quân Mỹ vạch ra 5 thay đổi về kỹ thuật mang tính cách mạng, giúp họ giành lợi thế trong cuộc chiến trên không gian trong tương lai, gồm “5 hóa”, đó là Công nghệ ‘Tự động hóa’, Vũ khí ‘đa dạng hóa’, Tình báo ‘thông minh hóa’, Thông tin ‘cộng hưởng hóa’ (Chia sẻ thông tin).

Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng nếu một cuộc chiến tranh không gian thực sự xảy ra trong bối cảnh Mỹ là quốc gia phụ thuộc vào không gian nhiều nhất.Nếu hệ thống cơ sở hạ tầng cốt yếu và các vệ tinh không gian của Mỹ bị tấn công, Mỹ sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề: Quân đội mất kiểm soát các thiết bị bay không người lái vũ trang làm nhiệm vụ ở Trung Đông; bom thông minh trở nên ngu ngốc; tên lửa sẽ nằm bất động trong kho, cũng như sẽ không thể đưa ra những cảnh báo sớm về tấn công hạt nhân xảy ra ở nhiều khu vực trên Trái Đất.

Theo giới chuyên gia, lực lượng không gian Mỹ là mối đe dọa không chỉ đối với Nga mà đối với toàn thế giới, bởi Mỹ sẽ đưa các thiết bị kỹ thuật quân sự vào vũ trụ, sử dụng chiến thuật mới để kiểm soát từ quỹ đạo và triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao mới, có thể xóa sổ các mục tiêu trên mặt đất; Mỹ có thể thành lập một hạm đội chiến đấu đặc biệt bao gồm các thiết bị vũ trụ nhỏ và có thể được sử dụng nhiều lần với nhiệm vụ thu thập số liệu và phân tích thông tin, kiểm soát các thiết bị của các nước khác trên quỹ đạo, cũng như tiêu diệt chúng nếu cần, vì thế, theo cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ về các mối đe dọa không gian, nếu xung đột tiếp tục nổ ra, có khả năng nó sẽ bắt đầu từ không gian.

Tướng John Raymond - người đứng đầu SpaceCom vừa khẳng định rằng, Washington sẽ hợp tác với các đồng minh trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes, bao gồm nước này và Anh, Canada, New Zealand, Úc) cùng Đức, Nhật Bản, Pháp trong việc chia sẻ dữ liệu và dịch vụ không gian để đối phó với Nga, Trung Quốc - những nước đang theo đuổi quyết liệt dự án chế tạo vũ khí không gian với mục tiêu vô hiệu hóa năng lực chiến đấu của Mỹ vào thời điểm bùng nổ xung đột trên quỹ đạo Trái Đất.

Hôm 4/9, hơn 350 chuyên gia quân sự đến từ 27 Bộ chỉ huy và cơ quan quân sự của Mỹ cùng 4 đối tác quốc tế gồm Australia, Canada, New Zealand và Anh đã tham gia cuộc diễn tập mang tên 'Chiến tranh Schriever' tại căn cứ không quân Maxwell ở Alabama. Đây là hoạt động đầu tiên của SpaceCom nhằm tái khẳng định mối quan tâm hàng đầu của Washington trong vấn đề quân sự hóa không gian vốn đang gây tranh cãi và thu hút được sự quan tâm của nhiều cường quốc thế giới. Hiện Mỹ là quốc gia vận hành nhiều vệ tinh nhất thế giới với 803 chiếc, trong đó có 31 vệ tinh dẫn đường toàn cầu GPS. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 204 vệ tinh, nhiều hơn Nga 62 vệ tinh. 589 vệ tinh còn lại đến từ hàng chục quốc gia khác.

77 vệ tinh của quân đội Mỹ có thể trở thành mục tiêu tấn công từ Nga, Trung Quốc, mà trong nỗ lực chống lại các công nghệ không gian của hai nước này, Washington lên kế hoạch bảo đảm an ninh cho hành trăm vệ tinh cỡ nhỏ đang được phát triển và ngăn chặn nguy cơ bùng nổ chiến tranh ngoài vũ trụ. Bên cạnh đó, SpaceCom đã làm việc với một số công ty hàng không vũ trụ hàng đầu của Mỹ, gồm Blue Origin và SpaceX, để nghiên cứu, phát triển công nghệ phóng nhanh vệ tinh mới vào quỹ đạo trong vòng 24 giờ nếu đối phương tiêu diệt bất kỳ vệ tinh chuyên dụng nào.

Mặc dù thiếu thông tin chắc chắn, cả Mỹ và Nga đều được cho là cũng đã phát triển các chương trình laser chống vệ tinh. Các chùm tia bắn từ mặt đất hoặc từ máy bay sẽ làm lóa mắt cảm biến của vệ tinh. Giới quân quân sự Mỹ từng hoảng hốt trước tuyên bố của Nga rằng, hệ thống phòng thủ A-235 Nudol có thể đánh chặn bất kỳ vệ tinh của đối thủ nào trên quỹ đạo Trái Đất. Các thông tin cho thấy, Nudol đã bay 2000km chỉ trong 15 phút và đánh trúng mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong tương lai gần, Nudol sẽ được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga và chúng sẽ được thiết kế chỉ để bắn hạ các vệ tinh gây nguy hiểm cho quốc gia.

Có vẻ hơi phóng đại, nhưng có thông tin cho rằng, tên lửa của Nudol có thể tấn công các mục tiêu trong không gian trong bán kính khoảng 1.500km và ở độ cao tới 800km. Nếu những tên lửa này chính thức đi vào trang bị quân đội Nga, chỉ cần một vài trong số những tên lửa này cũng đủ sức giải giáp hoàn toàn quân đội NATO. Chỉ với vũ khí này, Nga không cần tiêu tốn nhiều tiền của và vũ khí, chỉ cần bắn hạ một số vệ tinh quân sự Mỹ và NATO trên quỹ đạo Trái Đất, khi đó, quân đội Mỹ sẽ bị tê liệt vì không có bất kỳ kết nối nào.

Tên lửa phòng không S-500 Prometey là mẫu vũ mới nhất của Nga, được thiết kế cho nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa để cùng lúc thay thế hệ thống đánh chặn A-135 (chuyên bảo vệ thủ đô Moscow) và tăng dày lưới phòng không bảo vệ các cứ điểm quan trọng cùng hệ thống S-400. S-500 có thể bắn hạ mục tiêu ở độ cao 200km từ khoảng cách 600km, tức có thể bắn rơi cả các vệ tinh bay ở tầm thấp. Hệ thống radar và đài điều khiển hỏa lực hiện đại trên S-500 cho phép một khẩu đội tên lửa loại này cùng lúc đánh chặn được tới 10 tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh, bay ở tốc độ 7 km/s.

Trên trang Sina, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng GPS không có khả năng bảo vệ chống nhiễu sóng vô tuyến, tín hiệu giả mà các hệ thống chiến tranh điện tử trên các vệ tinh của Nga có thể tạo ra. Tháng 4/2014, ở ngoài khơi Crimea, tàu khu trục thế hệ thứ tư Donald Cook của Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa dẫn đường Tomahawk sử dụng các số liệu GPS, cùng hệ thống điều khiển và thông tin chiến đấu Aegis, có thể tấn công hàng chục mục tiêu cùng lúc…, đã bị một máy bay ném bom Su-24 với tổ hợp tác chiến điện tử Khibiny (EW) làm gián đoạn hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử. Người Nga đã gây nhiễu, làm tê liệt hoạt động của GPS bằng cách sử dụng thông tin giả mà theo một chuyên gia, người ta đã dùng thuật toán trộn tín hiệu giả với tín hiệu thật để làm biến dạng hình ảnh, có hiệu quả trong bán kính vài trăm km.

Pháp đang nghiên cứu các vệ tinh quân sự thế hệ mới (vệ tinh nano tuần tra) và sẽ phát triển vũ khí laser diệt vệ tinh để tự vệ. Dự án này sẽ bổ sung thêm 780 USD vào 4 tỷ USD hiện có cho chương trình quân sự giai đoạn 2019-2025. Trong khi các nước EU được cho là sẽ đóng góp kinh phí để phát triển vũ khí không gian mới, Nhật Bản đang có kế hoạch nghiên cứu các phương tiện có khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh quân sự thông qua việc sử dụng cánh tay robot, sóng điện từ và tấn công công nghệ cao.

Tokyo có kế hoạch ra mắt loại vệ tinh đánh chặn vào cuối năm 2020 để nó có thể được phóng lên quỹ đạo vào giữa thập niên sau. Trong trường hợp khẩn cấp, Nhật Bản cũng muốn phát triển hệ thống để từ mặt đất đánh chặn các vệ tinh hoặc máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) của nước ngoài sử dụng sóng điện từ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản chuẩn bị kế hoạch 2 giai đoạn, trong đó tạo ra hệ thống gây nhiễu nhằm vào các máy bay AWACS vào giữa năm 2020 trước khi phát triển hệ thống tương tự nhằm vào vệ tinh nước ngoài.

Vũ trụ luôn được coi là một lĩnh vực chiến lược xét từ quan điểm an ninh quốc gia, đặc biệt trong thời đại phát triển như vũ bão của kỹ thuật và công nghệ. Việc Mỹ thành lập lực lượng vũ trụ làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa vũ trụ, đe dọa sự ổn định chiến lược và thậm chí là bùng nổ chiến tranh không gian; nếu vũ khí hạt nhân được triển khai trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt thảm họa diệt vong. Nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế, các cường quốc sẽ đáp trả bằng cách chế tạo thêm các loại tên lửa đạn đạo tầm xa mới hoặc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực phá hủy hệ thống đánh chặn của nhau bằng các biện pháp tương ứng, và một vòng xoáy mới của cuộc đua vũ trang trong không gian ở quy mô lớn là điều không thể tránh khỏi.

Theo Lê Ngọc/VOV

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo