Vũ khí của Mỹ có thế "hứng đòn" vì lệnh cấm đất hiếm của Trung Quốc
Chưa biết tốt xấu, Quân đội Mỹ đã muốn biến thể mới của Black Hawk / Lính Mỹ và khẩu súng trường "yểu mệnh" nhất Chiến tranh Việt Nam
Đất hiếm là tên chung để chỉ một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học với các đặc tính đặc biệt, được sử dụng nhiều trong cả ngành công nghiệp quân sự và dân sự công nghệ cao. Xe ô tô điện, điện thoại di động, tên lửa dẫn đường và máy bay chiến đấu, tất cả đều cần tới các thành phần của kim loại quý này. Trong khi đó, Trung Quốc là nước kiểm soát thị phần đất hiếm đáng kể trên thế giới.
Mỹ trông cậy vào Trung Quốc để đáp ứng 80% nhu cầu đất hiếm của Washington. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ sẽ bị giáng một đòn mạnh mẽ nếu Bắc Kinh quyết định cấm xuất khẩu đất hiếm cho Washington.
Mỹ đã nhập khẩu 160 triệu USD kim loại và hợp chất đất hiếm trong năm 2018, tăng 17% so với năm trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với thời điểm năm 2012 khi Mỹ nhập khẩu tới 519 triệu USD đất hiếm tinh luyện.
Trong số các đất hiếm, chỉ riêng neodymium cũng có thể được sử dụng để chế tạo nam châm cực mạnh chịu nhiệt trang bị cho các hệ thống dẫn đường tên lửa và các bộ phận bên trong máy bay, xe tăng, liên lạc vệ tinh, hệ thống radar.
Gần như tất cả các vũ khí dẫn đường trong kho vũ khí Mỹ hiện nay, từ tên lửa hành trình Tomahawk cho tới bom dẫn đường JDAM, đều sử dụng kết hợp một loạt đất hiếm gồm neodymium, dysprosium, praseodymium, samarium và terbium.
Các đất hiếm quan trọng khác như erbium và ytterbiumđều đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo vũ khí laser như hệ thống ATHENA của tập đoàn vũ khí Lockheed Martin. Đây là hệ thống laser uy lực có thể tiêu diệt máy bay không người lái đang hoạt động trên không trung ở khoảng cách hàng nghìn mét.
Máy bay chiến đấu F-35 nổi tiếng của Mỹ cũng cần tới đất hiếm trong quá trình chế tạo. Chỉ một chiếc F-35, dòng máy bay đang được sản xuất cho mọi lực lượng của quân đội Mỹ và các đồng minh, đã cần tới 417 kg đất hiếm.
Nếu không có lớp vỏ phủ gốm được duy trì tính chịu nhiệt nhờ vào loại đất hiếm quan trọng là yttrium, các động cơ của F-35 không thể duy trì được tốc độ siêu thanh. Nếu không có nam châm neodymium, các vũ khí của F-35 cùng các hệ thống liên lạc và chuyển động của dòng máy bay tối tân này sẽ trở nên vô dụng.
Do vậy, với 2.600 đơn đặt hàng cho máy bay F-35, lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc có thể đe dọa tới sự sống còn của dự án F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, F-35 chưa phải là mục tiêu duy nhất có thể bị ảnh hưởng.
Một tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ cần tới 4.170 kg đất hiếm, trong khi một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke cần 2.360 kg.
Đất hiếm được gọi là “vitamin của nền công nghiệp hiện đại”. Mặc dù được gọi là “hiếm”, song thực chất đất hiếm không thực sự hiếm.
Trung Quốc ước tính sở hữu khoảng 36% trữ lượng đất hiếm thế giới và kiểm soát 85-95% hoạt động sản xuất và cung cấp kim loại quý này. Các nước khác cũng sở hữu tài nguyên đất hiếm gồm Australia, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Nam Phi và Mỹ.
Nhu cầu về đất hiếm bùng nổ trong hơn 20 năm qua và Trung Quốc đã nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên này. Do vậy, Bắc Kinh đã tuyên bố đất hiếm là tài nguyên cần được bảo vệ và đưa ra các quy định hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt.
Trung Quốc cũng sẵn sàng sử dụng đất hiếm làm quân bài để giải quyết các mâu thuẫn về ngoại giao. Năm 2010, Trung Quốc đã tạm dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi hai nước nổ ra tranh chấp hàng hải, buộc Nhật Bản phải nhượng bộ và thả một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị Tokyo bắt giữ trước đó.
“Liệu đất hiếm có thể trở thành vũ khí của Trung Quốc để đáp trả sức ép mà Mỹ hay không? Câu trả lời không còn là bí mật nữa. Đừng nói chúng tôi chưa cảnh báo trước”, bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, cảnh báo hôm 30/5.
End of content
Không có tin nào tiếp theo