Quốc tế

Vũ khí sát thương tích hợp AI, 'con dao hai lưỡi' trong các cuộc chiến tương lai

Vấn đề tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống vũ khí sát thương hàng loạt đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trên thế giới, điều này đã được khẳng định tại Diễn đàn Quân sự Hương Sơn vừa qua ở Trung Quốc.

Từ ngày 20-22/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức Diễn đàn quân sự Hương Sơn lần thứ 9 tại Bắc Kinh. Tại Diễn đàn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai chiến tranh tiếp tục trở thành một trong những vấn đề được cả thế giới thảo luận sâu rộng, vấn đề này mới được đưa vào chương trình thảo luận của Diễn đàn từ năm 2018 nhưng nhận được sự quan tâm sâu sắc của các bên tham gia.

Hiện, AI đã trở thành kỹ thuật quân sự quan trọng mang tầm ảnh hưởng chiến lược đối với các cuộc chiến tranh trong tương lai. Ngoài ra, trong bối cảnh các nước lớn đang cạnh tranh phát triển AI hóa quân sự, các quy tắc quốc tế có liên quan đang ngày càng thiếu tính phù hợp, đây là vấn đề mà các quốc gia tham dự đều cảm thấy quan ngại.

Công nghệ AI được quan tâm sâu rộng tại Diễn đàn quân sự Hương Sơn lần thứ 9 ở Bắc Kinh. Nguồn: Xinhua

Đối mặt với những thách thức mang tính không xác định mà công nghệ AI mang lại, việc kiểm soát ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự đã trở thành sự đồng thuận chung của giới chuyên gia và các bên tham dự. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, bản chất của việc chế định các quy tắc quốc tế có liên quan là nhằm dẫn dắt sự phát triển của vấn đề ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự, phải thận trọng trong việc ứng dụng công nghệ này, một khi mất khống chế sẽ tạo thành cuộc chiến tranh “khủng khiếp” nhất trong lịch sử loài người.

Các bên tham gia Diễn đàn Hương Sơn bày tỏ quan ngại sâu sắc với các loại vũ khí được tích hợp công nghệ AI. Nguồn: Xinhua

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ được quyết định bởi bên nào áp dụng công nghệ này nhiều hơn trên chiến trường, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường an ninh tạo ra nhiều bất lợi cho binh lính tham chiến, việc vận dụng AI tiến hành thăm dò, thực hiện chiến tranh là một chiến thuật mới đang được nhiều quốc gia hướng đến.

"Trí tuệ nhân tạo cũng có thể cho phép các quốc gia tăng khả năng đàm phán trong khu vực và quốc tế. Nói cách khác, nếu một quốc gia có thể thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, thì sẽ có thêm cơ hội quật khởi, cũng có nghĩa là càng phát huy được ưu thế lực lượng trên “võ đài” quốc tế", ông nói.

Trong lĩnh vực quân sự, phát triển AI đã trở thành vấn đề nóng trong những năm gần đây. Xét trên phương diện toàn cầu, trước đây đối với mỗi công ước của từng loại vũ khí đặc biệt, một vài quốc gia thể hiện sự quan tâm, tuy nhiên đến nay do sự phát triển của công nghệ AI, làm cho những loại vũ khí này càng gia tăng tính sát thương và các công ước liên quan đã không còn phù hợp. Đặc biệt, khi chế tạo thành công các loại hệ thống vũ khí có năng lực tự chủ tấn công thì lúc đó đã không có các quy tắc ràng buộc, do đó cần phải đánh giá đúng về việc sử dụng các hệ thống vũ khí này trong khu vực và quốc tế.

Đại diện Quỹ trí tuệ của Đề xướng Nhật Bản và Châu Á-Thái Bình Dương, Kato Yoichi cho rằng, hiện nay các hệ thống vũ khí mới đang phát triển với tốc độ chóng mặt, quốc tế cần đưa ra các khung quy định để quản lý hiệu quả việc phát triển các hệ thống vũ khí mới. Trước mắt cần nhanh chóng đưa ra một bộ quy tắc quốc tế trong việc chế tạo những vũ khí có khả năng tự chủ tấn công, nhưng vẫn phải giữ được những nhân tố tích cực mà công nghệ AI mang lại.

Khi thảo luận về việc chế định quy tắc phát triển công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự, nhiều chuyên gia đã so sánh những hạn chế và phát triển của vũ khí hạt nhân, đồng thời chỉ ra, sau một thời gian dài nỗ lực, quốc tế đã hình thành nhiều hệ thống quy tắc ràng buộc, trong đó có Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, từ đó mang lại vai trò thực sự của vũ khí hạt nhân.

Nhanh chóng có những quy tắc chung kiểm soát vũ khí tích hợp AI là nhận thức chung của các bên tham gia Diễn đàn lần này. Nguồn: Xinhua

Chủ nhiệm Văn phòng Thư ký Diễn đàn Hương Sơn Triệu Tiểu Trác cho biết, công nghệ AI tạo ra những tác động tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào các quy tắc kiểm soát, khống chế công nghệ này. Giống như vũ khí hạt nhân, nếu phổ biến hạt nhât sẽ dẫn tới mối đe dọa lớn, mặc dù Điều ước không phổ biến hạt nhân chưa thực sự hoàn hảo nhưng nó vẫn có vai trò nhất định trong việc hạn chế hạt nhân.

“Vẫn chỉ có một số ít người ngay từ lúc sơ khai đã nhận ra bản chất tiêu cực của công nghệ này. Do đó, tôi hy vọng thông qua các cuộc thảo luận rộng rãi, chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế, dần dần kiểm soát mặt tiêu cực của trí tuệ nhân tạo và phát triển mặt tích cực”, ông nói.

Đối với các quy tắc quốc tế cần tập trung thảo luận và phân tích sâu rộng, chế định các quy tắc có liên quan nên tập trung vào những lĩnh vực quan trọng của việc ứng dụng AI vào quân sự, nếu như thay thế con người hoặc hệ thống vũ khí do con người điều khiển bằng một vũ khí thông minh “lạnh giá”, điều này sẽ dẫn đến rất nhiều vi phạm đạo đức và sát thương hàng loạt, đây cũng là những nguy cơ chính của việc phát triển AI trong lĩnh vực quân sự.

Cố vấn cao cấp của Diễn đàn Hương Sơn, Thiếu tướng nghỉ hưu Diêu Vân Trúc chỉ ra, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quyền đưa ra quyết sách cuối cùng phải nằm trong tay con người, đừng để các câu chuyện hủy diệt con người trong các bộ phim Hollywood trở thành sự thật, nên dựa trên các giá trị chung và sự thừa nhận đạo đức chung của nhân loại để thiết lập các quy tắc.

Theo Đức Trí/Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo