Tại Triển lãm Hàng không - Vũ trụ quốc tế Seoul (ADEX 2019), quân đội Hàn Quốc đã cho xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân nhất của mình là chiếc K2 Black Panther trình diễn tính năng trước khán giả, tuy nhiên màn biểu diễn này không được như ý muốn.
Trong màn trình diễn tại Triển lãm quốc phòng ADEX 2019 được tổ chức ở Seoul, xe tăng K2 Black Panther bị nhận xét có sức cơ động kém, ngay cả đối với những chướng ngại vật nhỏ cũng khó khăn khi vượt qua.
Ngoài việc trọng lượng khá nặng nề, xe tăng K2 Black Panther còn được Hàn Quốc gia cố bằng các phiến giáp phản ứng nổ bên hông và tháp pháo, tuy nhiên đây có vẻ không phải nguyên nhân chính.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết, vào ngày 27/5, nhà máy Changwon gần Busan đã tổ chức bàn giao đợt thứ hai của xe tăng K2 Black Panther cho quân đội, đây là lần đầu tiên chiếc chiến xa này hoạt động trở lại sau khi gặp sự cố về hộp số.
K2 Black Panther là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ hai do Hàn Quốc tự nghiên cứu phát triển, nó đã được quân đội nước này đánh giá rất cao về tính năng kỹ chiến thuật.
Nguyên mẫu K2 Black Panther ra mắt từ năm 2007, nhưng do áp dụng một số lượng lớn công nghệ nước ngoài đã khiến thời gian thử nghiệm trở nên rất dài.
Đầu năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố sẽ đưa K2 Black Panther vào sản xuất hàng loạt tại thời điểm năm sau, tức là vào năm 2012, nhưng sau đó kế hoạch trên vẫn không hoàn thành đúng tiến độ.
Vấn đề chính nằm ở động cơ DST 1500 mã lực và hộp số tự động S&T do Doosan Infracore sản xuất khi xuất hiện sự thiếu ăn khớp. Vấn đề này không được giải quyết cho đến khi K2 ra mắt chính thức vào năm 2013.
Quân đội Hàn Quốc ký hợp đồng mua 100 xe tăng K2 đầu tiên vào năm 2011, nhưng hệ thống động lực nội địa đã không vượt qua bài kiểm tra độ bền. Lỗi trên chỉ được khắc phục vào tháng 12/2015 nhờ mua sản phẩm của Đức để thay thế.
Mặc dù hộp số của Đức đã được sử dụng, phía Hàn Quốc vẫn không tin tưởng vào sản phẩm trong nước. Lô xe tăng K2 sản xuất hàng loạt tiếp theo được lên kế hoạch bắt đầu vào năm 2014 và hoàn thành vào năm 2017.
Nhưng S&T vẫn không có khả năng giải quyết vấn đề về độ tin cậy của hộp số tự động và thiết bị này vẫn chưa vượt qua bài kiểm tra độ bền, khiến hàng chục xe tăng K2 chẳng thể bàn giao vì không có hộp số.
Do không có cách nào để hoàn thành việc sản xuất, một số lượng lớn xe đã phải nằm chờ. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc buộc phải "chữa cháy" bằng động cơ sản xuất trong nước và hộp số nhập khẩu từ Đức.
Động cơ DST 1500 mã lực do Doosan Infracore sản xuất ban đầu dựa trên thiết kế động cơ diesel MTU-890 của Đức, do vậy không có trở ngại kỹ thuật nào trong vấn đề phù hợp với hộp số nguyên bản của Đức, cho nên chương trình này đang tiến triển nhanh chóng.
Xe tăng K2 sử dụng gói năng lượng hybrid đã vượt qua bài kiểm tra độ bền sau 3.200 km sử dụng vào đầu năm nay. Không có bất thường nào được tìm thấy trong quá trình thử nghiệm. Hiệu suất của thiết bị Đức tích hợp vào K2 một lần nữa được xác nhận.
Sau khi nối lại sản xuất, nhà máy Hyundai sẽ giao 106 xe tăng K2 cho quân đội Hàn Quốc vào năm 2021. Ngoài ra, lô 110 chiếc thuộc đơn hàng thứ ba sẽ được ký kết trong vài năm tới, các đơn vị thiết giáp của nước này cuối cùng đã đi đúng hướng.
Tuy nhiên, các xe tăng K2 không được sử dụng để thay thế dòng K1 mà là những chiến xa M48/60 Patton thế hệ cũ đang phục vụ với con số lên tới cả nghìn chiếc trong quân đội Hàn Quốc.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô