Xung đột Nga-Ukraine làm thị trường năng lượng châu Âu chao đảo, Mỹ là "ngư ông đắc lợi"
Trung Quốc chỉ mặt người "đẩy Nga vào chân tường": Lẽ ra NATO nên bị giải thể từ năm 1991 / New York Times: Mỹ sẽ hỗ trợ chuyển xe tăng thời Liên Xô cho Ukraine sau lời cầu viện của TT Zelensky
Trang Business Insider (Mỹ) ngày 28/3 đưa tin, Phó chủ tịch Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P, chuyên gia năng lượng Daniel Yergin cho biết trên một chương trình truyền hình ngày hôm đó rằng, Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm nay.
Theo Business Insider, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga và ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch vào năm 2027 để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Cambridge (CERAWeek) từ ngày 7 đến 11/3 ở Houston (Mỹ), các đại diện của EU đã đặt câu hỏi xung quanh các manh mối về các nguồn cung cấp LNG bổ sung.
Theo thống kê, Nga hiện cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt của EU. Quyết định của EU đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ phải tìm kiếm nguồn cung khí thiên nhiên tại các khu vực khác trên thế giới. LNG vận chuyển bằng đường biển là giải pháp thay thế chính cho khí đốt của Nga. Mỹ, Australia và Qatar có thể trở thành nguồn cung cấp LNG chính.
Ngày 25/3, Mỹ cam kết sẽ giúp các nước châu Âu tăng nguồn cung cấp LNG từ các nguồn thay thế vào cuối năm 2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ gây tốn kém cho châu Âu, nhưng đó là "điều đúng đắn cần làm từ quan điểm đạo đức".
Chuyên gia năng lượng Yergin giải thích động thái của Tổng thống Biden là một cách để Mỹ cải thiện vị thế của mình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Ông Yergin cũng lưu ý: "Rõ ràng là LNG của Mỹ là một tài sản địa chính trị cho cả Mỹ và châu Âu".
Tàu chở LNG của Mỹ cập cảng Świnoujście (Ba Lan). Ảnh: polandatsea.com
Kể từ khi Nga tuyên bố an ninh của nước này bị ảnh hưởng và tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga, khiến giá cả một loạt mặt hàng tăng vọt, như xăng dầu, thực phẩm và xe hơi...
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá bán lẻ xăng tại Mỹ trong tháng 3 đã đạt mức 4,34 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,785 lít), đây là mức cao kỷ lục tại Mỹ.
Chuyên gia Yergin phân tích rằng, mặc dù nền kinh tế toàn cầu không muốn chứng kiến giá dầu và khí đốt tăng cao hơn nữa, nhưng xung đột càng kéo dài thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Yergin tin rằng, mặc dù Nga vẫn đóng vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng, nhưng thị phần nguồn cung của nước này có thể sẽ giảm so với những thập kỷ trước.
Ông Yergin dự đoán rằng, giá khí đốt của châu Âu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, và với việc thay đổi nguồn cung, nguồn khí đốt ban đầu vốn được cung cấp cho châu Á có thể sẽ được chuyển sang châu Âu.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) viết, các nhà sản xuất Mỹ có năng suất 115 tỷ mét khối LNG vào năm ngoái, phần lớn được xuất khẩu sang châu Á và chỉ khoảng 22 tỷ mét khối sang châu Âu. Nhưng trong năm nay, năng suất của Mỹ sẽ tăng lên 130 tỷ mét khối. Do giá thầu cao hơn và hành trình vận chuyển ngắn hơn, Mỹ sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu. Đồng thời, Australia và Qatar cũng sẽ xuất khẩu nhiều khí đốt hơn đến châu Á.
Tuy nhiên, theo phân tích của hãng tin Bloomberg (Mỹ), công suất nhập khẩu LNG tối đa của các nước châu Âu hiện nay là 145 triệu tấn, và thậm chí ở mức công suất tối đa cũng chỉ bằng một nửa so với đường ống cung cấp khí đốt của Nga. Ngoài ra, châu Âu sẽ cần phải cơ cấu lại các đường ống vận chuyển khí đốt từ các cảng ven biển đến các khu vực trung tâm của nhu cầu ở sâu trong lục địa. Không có vấn đề nào ở trên có thể giải quyết dễ dàng nếu không dựa vào Mỹ.
Đường ống dẫn khí đốt Nga - châu Âu vẫn hoạt độngĐiều đáng chú ý là, hiện nay, khoảng 30% đường ống dẫn khí đốt của Nga đến các nước châu Âu như Đức, Áo, Ý, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đi qua lãnh thổ Ukraine vẫn đang hoạt động.
Một công nhân tại một trạm xăng ở miền tây Ukraine. Ảnh: AP
Tờ Washington Post (Mỹ) ngày 28/3 dẫn lời các nhà phân tích cho biết, Nga đã thể hiện uy tín của mình với tư cách là nhà cung cấp các hợp đồng dài hạn bằng cách duy trì hoạt động của các đường ống dẫn khí đi qua Ukraine. Vào tháng 1/2020, Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận 5 năm về đường ống nói trên.
Yuriy Vitrenko - Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Quốc gia Ukraine (Naftogaz) - tin rằng, việc Nga duy trì nguồn cung cấp khí đốt chủ yếu là vì lý do kinh tế, vì việc giảm xuất khẩu khí đốt sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của Nga.
Ông Vitrenko cho rằng, nếu Ukraine có hành động đơn phương cắt đường ống dẫn khí thì khí đốt sẽ được chuyển hướng sang các đường ống khác mà không làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga; nhưng ngược lại, có thể khiến Ukraine dễ bị Nga tấn công hơn.
Trong những năm gần đây, Nga tiếp tục xây dựng các đường ống dẫn khí đốt mới ở châu Âu. Vào thời điểm dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" đang bị đình chỉ cho các lệnh trừng phạt, thì "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Theo kênh CCTV News (Trung Quốc), "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đã được hoàn thành vào năm 2020. Khi hoạt động hết công suất, nó có thể cung cấp tổng cộng 31,5 tỷ mét khối khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu mỗi năm. Đường ống hiện đã được mở rộng đến Bulgaria, và dự kiến sẽ tiếp tục dẫn đến các nước Đông Nam châu Âu như Serbia và Hungary trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo