Xã hội

Quỹ bảo trì vượt nghìn tỉ,Bộ Giao thông thừa thắng thu thêm

Mới đây, Bộ GTVT đã có đề xuất xin ý kiến về việc xây dựng trạm thu phí trên dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, hoàn vốn cho dự án để chủ đầu tư có căn cứ triển khai.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT phải tính toán, cân nhắc kỹ việc lập trạm thu phí trên Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, đồng thời phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo quy mô đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án sẽ xây dựng 1 trạm thu phí “mở” 10 làn, 1 dừng và 2 làn không dừng tại Km38 + 600. Kinh phí thực hiện hạng mục này là 111,5 tỷ đồng.
 
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa xong đã đòi thu phí
 
Tuy nhiên, theo văn bản số 2250/TTg – KTN của Thủ tướng Chính phủ, các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước sẽ phải dừng thu từ ngày 1/1/2013 khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động.
 
Trong khi đó, dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn Ngân sách Nhà nước, về lý thuyết cũng không được thu phí.
 
Chuyện rậm rịch thu phí cũng được Bộ GTVT nhiều lần nhắc tới trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, khi Quỹ bảo trì đường bộ được thông báo đã thu vượt kế hoạch hàng nghìn tỷ.
 
Thông tin cụ thể từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngày 27/12 sẽ thông xe 26 km đầu tiên của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đoạn tuyến Nội Bài - Tam Dương (Vĩnh Phúc) này sẽ được thu phí 1.500 đồng một km. 
 
Theo thiết kế, tuyến đường có 4 làn xe với vận tốc cho phép là 100km/giờ. Trong thời gian tới, VEC sẽ tiến hành thông xe đoạn tuyến thứ hai Yên Bái – Lào Cai. 
 
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc việc tổ chức thông xe khai thác trước và thu phí 2 đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo đề nghị của Bộ GTVT.
 
Trong khi đó, theo Cục Đăng kiểm, cả nước đã thu được hơn 5.200 tỷ đồng tiền phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện ô tô và xe cơ giới.
 
Ước tính cả năm 2013, phí bảo trì đường bộ với ô tô trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT, việc thu phí bảo trì đường bộ đã thực hiện vượt con số 1.400 tỷ đồng.
 
Việc triển khai thu phí đường bộ được Bộ GTVT thống nhất thu tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó mức thu với xe ô tô cá nhân từ 1,8 triệu đồng/năm trở lên. Các phương tiện xe tải thu theo tải trọng từng phương tiện.
 
Dù thu vượt hàng nghìn tỉ đồng từ phí bảo trì nhưng mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. 
 
Theo đó, mức phí sẽ tăng từ 1/1/2014. Lộ trình mức thu tối đa áp dụng từ năm 2014 không quá 2,5 lần. Năm 2015 áp dụng mức thu tối đa không quá 3 lần.
 
Mức phí đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 15.000 - 52.000 đồng; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 20.000 - 70.000 đồng; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng Container 20 fit là 40.000 - 140.000; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng Container 40 fit từ 80.000 - 200.000 đồng.
 
Giải thích lý do phải tăng phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói rằng việc tăng này để bắt kịp trượt giá và phù hợp với mức thu nhập của người dân
 
Ông nói rõ: "Việt Nam từ một nước nghèo, trở thành một nước thu nhập trung bình thấp, đó chính là minh chứng cho sự tăng trưởng của người dân, chứ còn đòi hỏi cơ sở nào. Tỷ giá thế giới với tỷ giá Việt Nam đều tăng và thống nhất, chúng ta cũng có thể thấy mệnh giá tờ 10.000 đồng năm 2002, đến bây giờ vẫn là 10.000 đồng, tại sao lại nói thu nhập của người dân không tăng". 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo