Quy định kê khai tài sản ở Việt Nam còn rất hời hợt
- Việt Nam có nhiều quy định về kê khai tài sản, ông có lạc quan với điều đó không?
- Ở Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến việc kê khai tài sản. Nhưng vấn đề là thực thi các luật thế nào. Tất cả các quy định đó đều rất hời hợt, vì nó không đưa ra cơ chế cụ thể về việc kê khai tài sản phải tiến hành thế nào. Chẳng hạn số người phải kê khai tài sản là quá nhiều, điều đó dẫn tới việc không quản lý được. Trong 5 năm, ở cấp tỉnh sẽ có hàng chồng hồ sơ kê khai tài sản và họ không thể xử lý được. Theo tôi, tốt hơn là nên giảm số người phải kê khai và xác minh kỹ càng các bản kê khai đó.
Có lẽ, trong trường hợp Việt Nam, số quan chức phải kê khai không nên quá 1.000 người. Nên bắt đầu từ chỗ này; sau đó sẽ bổ sung cả những người có trách nhiệm quản lý hoặc có trách nhiệm lớn với tài sản công.
- Thế còn công chức hoặc cán bộ trong các cơ quan công quyền, vì tham nhũng rất dễ xảy ra trong cơ quan công quyền?
- Tôi nghĩ rằng người lãnh đạo phải nêu gương tốt. Cán bộ phải là tấm gương cho công chức. Như tôi vừa nói, đây phải là cách tiếp cận từng bước một. Đầu tiên là một nhóm các quan chức ở cấp cao kê khai tài sản, giải thích nguồn gốc thu nhập để nêu gương, để mọi người cấp dưới noi theo. Và điều đó cần phải có quyết tâm chính trị, ý chí chính trị. Ý chí đó không chỉ là luật, mà còn là việc làm gương, biến luật, biến nghị quyết thành hành động. Cách tiếp cận từng bước đó sẽ tạo ra sự khác biệt và có thể có tác động tích cực đến chống tham nhũng ở Việt Nam.
- Liệu những hạn chế về cơ sở hạ tầng như việc thanh toán bằng tiền mặt, hay những quy định về tài sản được phép để người khác đứng tên có làm cản trở kê khai tài sản?
- Đó chỉ là sự biện hộ. Đó là một khó khăn, nhưng không cản trở việc kê khai tài sản. Bản chất của tham nhũng dù ở nơi nào cũng giống nhau, đó là sự lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Đó không phải vấn đề văn hóa, cơ sở hạ tầng, mức độ giàu-nghèo hay mức độ tiếp cận thông tin. Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt. Nhưng nếu một quan chức chỉ nhận lương mà lại sống xa hoa, thì người đó phải giải thích nguồn gốc những tài sản đó, giải thích những ưu đãi, những nguồn thu nhập không chính thức hoặc chính thức mà người đó có được. Nếu một cá nhân mua nhà, mua xe hơi, vấn đề không phải anh trả bằng tiền mặt hay thẻ ngân hàng, mà vấn đề là ngôi nhà và cái xe hơi đó có giá trị, nhà đó, xe đó có phù hợp với thu nhập của cá nhân đó không.
- Vậy nên có cách tiếp cận nào với tài sản tăng lên bất thường?
- Nếu chứng minh được nguồn gốc tài sản, chẳng hạn trúng xổ số, thì rất tốt. Điều đáng lo ngại là họ không có cái vé số đó. Tôi cho rằng, việc không giải thích được nguồn thu nhập phải được coi là tội phạm. Việt Nam đang sửa đổi Luật Hình sự, đó là cơ hội tốt để bổ sung điều đó vào luật.
- Việc chưa có hệ thống giám sát hoàn chỉnh tác động gì đến quy định này?
- Đó là cản trở lớn. Việc kê khai tài sản ở Việt Nam rất phụ thuộc vào tính tự giác và cơ chế tự giám sát. Cách tiếp cận dựa trên tính tự giác như vậy không có lợi cho việc thực thi quy định kê khai tài sản. Giám sát phải đến từ bên ngoài. Giám sát phải bằng cách trao quyền nhiều hơn cho cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, với trách nhiệm điều tra độc lập và truy tố độc lập hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Thảo Nguyên
Theo LĐO
End of content
Không có tin nào tiếp theo