Xã hội

Quy định pháp luật lao động về trợ cấp

Qua ý kiến tư vấn của Luật sự, Doanh Nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu quý vị độc giả về guy định pháp luật lao động về trợ cấp.

Dưới đây là tư vấn của Luật sư Lê Hồng Hiển và Nguyễn Bảo Quyên - Công ty Luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về quy định pháp luật lao động về trợ cấp.

1. Quy định pháp luật về trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc

1.1. Đối với trường hợp trợ cấp mất việc làm:

Theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 Bộ luật lao động năm 2012 trường hợp do thay đổi cơ cấu công nghệ; sáp nhập, chia, tách, hợp nhất doanh nghiệp, HTX dẫn đến người lao động bị mất việc làm thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

Người lao động được hưởng trợ cấp mất việc làm nếu đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động thì “thay đổi cơ cấu công nghệ” bao gồm: Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Mức hưởng trợ cấp mất việc làm mà người lao động được hưởng theo quy định được xác định như sau: Mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

1.2. Đối với trợ cấp thôi việc:

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên và người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:

+ Hết hạn hợp đồng lao động;

+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

+ Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;

+ Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật;

+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do NSDLĐ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (theo Điều 38 BLLĐ 2012);

+ Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo quy định của Bộ luật lao động thì mức hưởng trợ cấp thôi việc được xác định như sau: Mỗi năm làm việc người lao động được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

2. Trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định của pháp luật, trong thời gian người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã mà đóng bảo hiểm thất nghiệp (bắt buộc) theo quy định thì khi họ bị mất việc làm và chưa tìm được việc làm mới thì họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều kiện, mức hưởng, thời gian hưởng và các trường hợp chấm dứt hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

2.1.      Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp (trước khi thất nghiệp) từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng (=) Mức lương bình quân 6 tháng liền kề có đóng BHTN trước khi thất nghiệp x 60%.

Ví dụ: Sáu tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp, mức lương của người lao động là 10 triệu đồng thì số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động được hưởng trong một tháng được xác định = 10 triệu x 60% = 6 triệu. Nếu người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp được 2 năm thì người lao động sẽ được hưởng số tiền trợ cấp thất nghiệp = 6 triệu x 3 tháng = 18 triệu.

2.2.      Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Theo quy định của pháp luật thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

+ Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;

+ Có việc làm

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an

+ Hưởng lương hưu hằng tháng

+ Sau 2 lần từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởn trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng.

+ Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;

+ Ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên

+ Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp

+ Chết (ngày chết xác định là ngày được ghi trong giấy chứng tử), bị Tòa án tuyên bố mất tích (ngày mất tích được xác định là ngày ghi trong quyết định của Tòa án)

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

+ Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Nên đọc
Công Danh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo