Pháp luật

Quy định về quản lý website thương mại điện tử

Sau khi Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử (TMĐT), một số thương nhân, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT có thắc mắc các vấn đề liên quan đến kinh doanh trên mạng xã hội. Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã có thông tin về một số nội dung liên quan.

Theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 20/1/2015) quy định về quản lý website thương mại điện tử (Thông tư số 47), các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, bao gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch

Theo nguyên tắc Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế.

Các chủ sở hữu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT không tuân thủ việc đăng ký với Bộ Công Thương sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, theo Khoản 3a, Điều 81: Thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định sẽ bị xử phạt từ 40 - 60 triệu đồng.

Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 47 quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT trong việc loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này. Như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về người bán, nhưng chủ sàn cũng phải chủ động phát hiện và chịu một phần trách nhiệm khi trên sàn bán các loại hàng hóa vi phạm pháp luật. Quy định này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng.

Liên quan đến vấn về Bộ Công Thương quy định các mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT phải tiến hành đăng ký, Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cho biết, trào lưu kinh doanh TMĐT trên các mạng xã hội đang nở rộ với quy mô thị trường ngày càng lớn. Về mặt bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.

Do vậy, Thông tư số 47 làm rõ hơn quy định của Nghị định số 52, yêu cầu các mạng xã hội có hoạt động theo hình thức sàn giao dịch TMĐT (như liệt kê tại Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52) phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương và tuân thủ các quy định liên quan tới sàn giao dịch TMĐT tại nghị định này. Quy định này nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho TMĐT phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Báo Công Thương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo