Pháp luật

Quy định về xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí: Kiến nghị bỏ điều 8a

Sáng 5/2/2015, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) cùng Báo điện tử VTC News, báo Pháp luật TP HCM, Infonet và Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo về “Chế tài hành chính xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?” nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật d

 

“Vừa đá, vừa thổi”

 

Theo pháp luật về báo chí hiện hành (Luật Báo chí sửa đổi 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ VH-TT ban hành) thì các bộ, ngành hiện đang có quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình, từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi.

 

Nhà báo Mai Phan Lợi – trưởng đại diện báo Pháp luật TP HCM tại Hà Nội cho biết, điều 3 Nghị định 51/2002 và Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nêu rõ người đứng đầu tổ chức Đảng, Nhà nước phải có nghĩa vụ trả lời các vấn đề báo chí nêu. Thế nhưng, từ chỗ có nghĩa vụ giải trình thông tin báo nêu, nay các bộ, ngành có quyền xác định đúng sai và xử phạt các thông tin được cho là sai sự thật viết về ngành, lĩnh vực của mình quản lý.

 

Trước phản ứng của báo chí, tờ trình của Bộ Tư pháp tuy có quy về một mối là Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng vẫn để thẩm quyền xác định đúng sai cho các bộ, ngành khác.

 

Theo đó, nội dung tờ trình của bộ tư pháp quy định “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản”

 

Các bộ ngành vẫn thực hiện quy định tại điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó mới chuyển biên bản vi phạm hành chính cho Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt.

 

Điều đó dẫn đến, “từ đối tượng bị báo chí phản ánh, các bộ ngành trở thành trọng tài phán quyết thông tin đúng – sai trên báo chí. Nguy cơ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hạn chế tính phản biện của báo chí”, nhà báo Phan Lợi cho biết.

 

Cho rằng các bộ, ngành có quyền xác định đúng sai và xử phạt các thông tin đăng trên báo sẽ tạo sự chồng chéo. Ông Nguyễn Văn Hùng – Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, về xử phạt báo chí, không nên để xảy ra tình trạng chồng chéo.

 

Văn bản số 159 của Bộ Thông tin Truyền thông vừa qua cũng đã nói rất rõ đầu mối để xử phạt các cơ quan báo chí khi đưa thông tin sai, không chính xác đều giao thanh tra Bộ Truyền thông.

 

Bây giờ có thêm kiến nghị của các bộ ngành, tới đây các bộ ngành cũng được xử phạt thì cần phải được làm rõ. Nếu không mỗi một bộ ngành sẽ có một chế tài riêng, ví dụ với báo chí ngành tôi, mức độ quan trọng đến đâu thì xử phạt mức nào cần phải có quy định.

 

Nếu các bộ ngành vào rồi và kiến nghị lên Bộ Thông tin xử phạt thì vấn đề là sẽ xử lý cơ quan này như thế nào. Văn bản sau chồng lên văn bản trước, ai cũng có thể tham gia xử phạt sẽ tạo nên một sự nhiễu loạn.

 

Vấn đề này cần phải bàn bạc kĩ trước khi đưa ra thực hiện trong xã hội thì phải được sự đồng thuận rất lớn, đặc biệt không ảnh hưởng đến hoạt động báo chí.

 

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông thì các cơ quan, bộ ngành khác lấy thẩm quyền ở đâu để triệu tập phóng viên các báo tới cơ quan mình, rồi lập biên bản vì thông tin sai sự thật và chuyển văn bản sang Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt?

 

Không đồng tình việc bộ ngành xử phạt, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục Việt Nam cho rằng “cái đấy không cần thiết, nó gây ra một sự hỗn loạn”.

 

Quyền xác định đúng sai tại sao không lấy tòa án. Báo viết sai sự thật thì phải đền bù nếu tòa án xác định là sai chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm việc tiếp theo sau đó là xử lý báo chí nhưng phải có căn cứ được tòa án xác định.

 

Từ đối tượng bị báo chí phản ánh, các bộ ngành trở thành trọng tài phán quyết thông tin đúng – sai trên báo chí

 

Hội đồng giám định độc lập

 

So sánh mức xử phạt giữa nguồn cung cấp tin với thông tin sai sự thật có sự bất hợp lý. Nhà báo Phan Lợi cho biết, theo Nghị định 159/2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, chế tài cho hành vi không cung cấp thông tin với mức phạt rất nhẹ từ 200.000 – 500.000 đồng. Ngoài ra không có chế tài cho các hành vi khác như chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, thông tin không đầy đủ.

 

Trong khí đó, hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật chỉ riêng về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ lại quy định báo chí sẽ bị phạt từ 75 triệu – 100 triệu đồng.

 

Vẫn theo nhà báo Phan Lợi, mức phạt 500.000 đồng so với mức phạt đến 100 triệu động của Bộ Tư pháp là “rất bất hợp lý”. Dẫn chứng cho việc này, nhà báo Phan Lợi lấy ví dụ vừa qua Bộ Tài chính cung cấp thông tin về giá xăng rất hỗn loạn, trưa thì thông báo giảm giá xăng hơn 1.400 đồng, đến chiều tối lại gần 1.900 đồng. Bản thân đầu nguồn đã sai thì bây giờ mức 100 triệu như vậy thì ai phải chịu.

 

Ông Tước thì đề nghị, nếu vẫn tiếp tục quy định xử phạt theo hướng thế này thì cần phải đưa ra điều khoản phạt nguồn tin, người cung cấp thông tin, “phải phạt gấp ba lần mới đúng. Người cung cấp thông tin sai phải bị phạt chứ không phải báo chí”.

 

Ngoài ra, Luật sư Trần Vũ Hải cho biết, trường hợp phạt nặng trong báo chí là trường hợp đặc biệt thì phải có hội đồng giám định độc lập gồm những thành viên độc lập của xã hội, các chuyên gia của nhà nước độc lập với cơ quan báo đó cũng như với cơ quan cho rằng bị ảnh hưởng.

 

Hội đồng này sẽ kết luận trường hợp đó có đặc biệt nghiêm trọng hay không và họ đưa ra nhận xét, căn cứ vào ý kiến đó mới có thể phạt chứ không phải căn cứ từ quan điểm chủ quan của cơ quan nào đó.

 

Tại hội thảo, các đại biều đã đồng tình giao cho MEC - tổ chức nghiên cứu, đào tạo và vận động chính sách trong lĩnh vực truyền thông, soạn thảo kiến nghị chính thức gửi các cơ quan liên quan với các nội dung quan trọng

 

Đó là kiến nghị các cơ quan liên quan đề nghị hủy bỏ tất cả các điều khoản quy định về xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí ở  tám của nghị định do các bộ, ngành ban hành, đồng thời không bổ sung thêm Điều 8a như dự thảo và không quy định thẩm quyền xác định hành vi thông tin sau sự thật cho các bộ, ngành

 

Nên thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông xác định và xử phạt hành vi thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013.

 

Ngoài ra nên bổ sung chế tài về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản đối với cơ quan nhà nước khi có ba hành vi chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai, cung cấp thông tin không đầy đủ

Hồng Trang
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo