Quy hoạch Sơn Trà: Giữ nguyên hay đánh đổi?
Mới đây, tại Hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà”, xung quanh nội dung tranh luận về vấn đề tìm giải pháp vừa phát triển vừa bảo tồn Sơn Trà, ông Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường - khẳng định rằng: “Vấn đề bảo tồn và phát triển kinh tế tại Sơn Trà ở thời điểm hiện tại không thể đi chung được”, theo tin tức trên báo Lao động.
Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường - nhận định: “Tôi khẳng định rằng, vấn đề bảo tồn và phát triển kinh tế tại Sơn Trà ở thời điểm hiện tại không thể đi chung được.
Đây cũng là điều chính Chủ tịch UBND thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ đã nói, tiền không thể tái tạo được Sơn Trà và chủ trương của chúng ta là phát triển theo bảo tồn vì vậy lựa chọn cho Sơn Trà chỉ có một, đó là bảo tồn. Nếu có phát triển du lịch thì chỉ có thể loại lữ hành chứ không có lưu trú tại nơi này”.
Đồng ý với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam - đặt vấn đề: “Nếu chúng ta phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc đánh đổi một phần thiên nhiên, còn nếu chúng ta chọn bảo tồn thiên nhiên thì phải loại bỏ kinh tế. Vậy chúng ta chọn chân dài đầu đất hay chân ngắn thông minh?”.
Ông Trí nhận định, việc bảo tồn nguyên vẹn sinh quyển là không thể, vì sự xuất hiện của con người đã tác động một phần đến hệ sinh thái ở Sơn Trà. Vì vậy, xã hội cần nói rõ để đi đến sự thống nhất về lựa chọn hướng đi cho Sơn Trà thay vì bàn về việc vừa chọn bảo tồn vừa phát triển kinh tế. Và người quyết định cuối cùng là nằm ở UBND TP.Đà Nẵng, người dân thành phố chứ không phải ai khác.
Trong đó, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cho hay, hệ sinh thái Sơn Trà có hiện tượng bị sụt, xói mòn với thực trạng hệ san hô bị chết, tảo biển đang bị suy giảm mạnh. Nhưng sự suy giảm này không ai biết, báo Dân việt đưa tin.
“Có thể thấy hệ sinh thái Sơn Trà rất nhạy cảm với tác động của môi trường thời gian qua. Đà Nẵng chỉ còn mỗi Sơn Trà, phải xem nên ưu tiên vào cái gì?” - Tiến sĩ Long đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa - Viện Hải dương học Nha Trang thông tin, diện tích san hô quanh bán đảo Sơn Trà đã biến mất đến 42% trong 10 năm qua. Qua khảo sát năm 2016, diện tích các rạn san hô ở vùng ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 46,9ha, giảm 34 ha so với con số 80,9 ha khảo sát vào năm 2006.
Ý kiến của các nhà khoa học đều ủng hộ bảo tồn Sơn Trà và hạn chế tối đa các tác động lên bán đảo Sợn Trà. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là việc tại đây đã có 21 dự án được chính quyền TP.Đà Nẵng phê duyệt. Trong số này, phần lớn được cấp sổ đỏ đã 5-7 năm.
Liên quan đến rào cản này, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam kiến nghị: “Doanh nghiệp họ bỏ tiền đầu tư muốn phát triển Đà Nẵng. Ở đây họ không sai phạm gì. Cái cần là chính quyền TP.Đà Nẵng phải can đảm, kêu gọi doanh nghiệp và đền bù cho họ bằng các khu đất khác, kinh doanh tốt, có thể không bằng 100% ở Sơn Trà” - ông Long nói.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, bài toán ở Sơn Trà là không hề đơn giản với phương án đền bù đất khác cho doanh nghiệp.
"Để làm dự án, nhiều DN đã bỏ tiền vay vốn ngân hàng, sau khi được chấp nhận họ còn mất rất nhiều thứ để triển khai. Bây giờ muốn họ đi chỗ khác đâu phải dễ. Thành phố cũng phải cân nhắc rất kỹ về vấn đề này, đền bù thì quỹ đất ở đâu, rồi liên quan đến giải toả, đền bù, tái định cư cho dân. Nói chung là một lượng công việc khổng lồ" - ông Thơ nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo