Chính trị

Quy trình bỏ phiếu bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp

(DNVN) - Quy trình bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp diễn ra trong 6 bước mà bất kỳ cử tri nào cũng cần thực hiện đầy đủ trước khi tiến hành bầu cử.

Theo tin tức trên báo Giao thông quy trình bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 22/5/2016 sẽ được thực hiện theo 6 bước. Cụ thể:

Bước 1: Cử tri đến các điểm bỏ phiếu để tiến hành bầu cử.

Ngày 22/5 cử tri cả nước đi bầu cử. Ảnh Internet.

Bước 2: Xuất trình thẻ cử tri và nhận phiếu bầu cử. Có 4 loại phiếu bầu cử: Phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, phiều bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã/phường/thị trấn.

Bước 3: Cử tri xem xét danh sách, tiểu sử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi viết phiếu bầu.

Bước 4: Cử tri không tin nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó.

Không được khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử. Không được đánh dấu trên phiếu bầu.

Không được viết thêm, ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu. Không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu. Không gạch tên người ứng cử nào.

 

Bước 5: Cử tri viết xong phiếu bầu phải tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Bước 6: Tổ bầu cử sẽ đóng dấu "Đã bỏ phiếu" vào thẻ cử tri.

Nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và sẵn sàng cho công tác bầu cử diễn ra ngày 22/5, Hội đồng bầu cử quốc gia mới ban hành công văn số 58/VPHĐBCQG-PL đề nghị các cơ quan, tổ chức ở địa phương tiếp tục lưu ý, khẩn trương tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc các công việc thuộc trách nhiệm. Báo Nhân dân thông tin.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử; Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng các hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.

Hoàn thiện công tác bố trí, sắp xếp, trang hoàng ở các địa điểm bỏ phiếu, khu dân cư, khu vực công cộng…

 

Trong quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu bầu cử, các Tổ bầu cử có trách nhiệm quản lý chặt chẽ số phiếu bầu cử và thực hiện việc kiểm kê, kiểm tra, phân loại phiếu bầu như sau:

Đối với số phiếu bầu chưa sử dụng hoặc gạch hỏng thì phải tiến hành lập biên bản, niêm phong trước khi bắt đầu kiểm phiếu và gửi đến Ban bầu cử cấp tương ứng theo Mẫu số 31/BCĐBQH&BCĐBHĐND (ban hành kèm theo Công văn số 128/HĐBCQG-PL ngày 9/4/2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia).

Đối với số phiếu bầu sau khi đã được kiểm thì tiến hành niêm phong mỗi loại phiếu bầu vào bao hoặc phong bì riêng (có chữ ký của Tổ trưởng và Thư ký Tổ bầu cử) và chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 3 Điều 13 của Thông tư số 02/2016/TT-BNV ngày 1/2/2016 của Bộ Nội vụ.- Các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng con dấu. Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, việc quản lý con dấu được thực hiện như sau:

Các Tổ bầu cử, Ban bầu cử và Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã bàn giao các con dấu của tổ chức mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử;

Ban bầu cử và Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện bàn giao con dấu của tổ chức mình cho Ủy ban nhân dân cùng cấp (qua Phòng Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử;

 

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban bầu cử cấp tỉnh bàn giao con dấu của tổ chức mình cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo