Quyền lợi của cổ đông nhỏ: Độ vênh giữa thực tế và luật pháp
Những câu chuyện thực tế
Một nhà đầu tư tư nhân muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược trong một công ty cổ phần chuyên cung cấp dịch vụ tàu biển có trụ sở ở Hải Phòng. Để đạt được mục đích, nhà đầu tư này cam kết với các cổ đông rằng sẽ ký quỹ 7 tỉ đồng để góp vốn cho một dự án xây dựng trị giá 140 tỉ của công ty. Đại hội đồng cổ đông chấp nhận, và công ty này được hình thành bởi bộ kiềng ba chân gồm cổ đông chiến lược, nhóm đại diện nắm giữ cổ phần nhà nước, và nhóm cổ đông là người lao động. Tuy nhiên, sau khi được mua số cổ phần đủ để làm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư này trở mặt. Họ họp riêng với đại diện phần vốn của Nhà nước để đủ 65,7% cổ phần, đủ để ra nghị quyết rằng, nhà đầu tư chiến lược nay không phải ký quỹ khoản tiền 7 tỉ đó nữa. Vậy là dự án xây dựng, cơ sở tạo lập niềm tin để các cổ đông nhỏ đầu tư vào công ty, phá sản.
Một câu chuyện khác. Một nhóm cổ đông nắm giữ 65,5% số cổ phiếu trong một công ty cổ phần họp đại hội đồng cổ đông để sửa đổi một số điều lệ công ty có lợi cho mình. Để đạt được mục đích này, nhóm cổ đông trên đã huy động bảo vệ, thậm chí cả công an, ngăn cản nhóm cổ đông thiểu số kia vào dự họp. Nhóm cổ đông thiểu số khởi kiện ra tòa, thì được khuyên, công ty cổ phần là công ty đối vốn, tức ai nắm nhiều tiền thì quyết định, nên không thụ lý.
Theo khoản 1 điều 102 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đây là cơ sở để nhóm cổ đông đa số, như trong hai ví dụ trên, tiến hành đại hội. Họ đương nhiên làm đúng luật.
Luật sư Lê Minh Thắng, Công ty Tư vấn doanh nghiệp K & Cộng sự, cho rằng những ví dụ trên, và còn nhiều ví dụ sinh động khác, đã chỉ ra một thực tế là các cổ đông nhỏ đang bị xâm hại nghiêm trọng về quyền lợi, khi các nhóm cổ đông lớn quyết hết mọi đường hướng của doanh nghiệp. Ông nói: “Trong Luật Doanh nghiệp, cả luật năm 1999 và 2005, đều nói đến việc bảo vệ cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, vẫn có độ vênh rất lớn giữa thực tế và luật pháp”. Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, người chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, thừa nhận một số quy định liên quan trong Luật Doanh nghiệp chưa tạo thuận lợi cho cổ đông, thành viên công ty thực hiện quyền khởi kiện người quản lý trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục khởi kiện còn phức tạp, kéo dài, tốn kém.
Kẽ hở có được trám?
Theo điều 120 của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sửa theo hướng cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Các điều kiện cho đợt triệu tập lần thứ hai, thứ ba khi lần thứ nhất không đủ số 51% nói trên lần lượt là 33% và không cần phần trăm tối thiểu, thấp hơn so với mức 51% và không cần phần trăm tối thiểu so với luật hiện hành.
Bên cạnh đó, điều 123 dự thảo luật cũng giảm yêu cầu về tỷ lệ chấp thuận tối thiểu để nghị quyết, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua xuống còn 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt”. Đây là mức giảm nhiều so với mức tương ứng trong luật hiện hành là 65% và 75%.
Những động thái trên có bảo vệ được các nhà đầu tư nhỏ?
Bình luận về điều 120 của dự thảo luật, luật gia Cao Bá Khoát, người từng có nhiều đóng góp cho các Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005, cho rằng: “Các cổ đông thiểu số dễ dàng hơn trong việc thực hiện quyền tiến hành họp đại hội đồng cổ đông”. Ông phân tích: các cổ đông nhỏ sở hữu ít cổ phần nhưng họ có thể phối hợp với nhau để tạo thành nhóm cổ đông đạt tỷ lệ đủ điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông lần thứ hai mà không cần chờ đến lần thứ ba.
Tuy nhiên, theo ông Khoát, việc giảm yêu cầu về tỷ lệ chấp thuận tối thiểu để quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua như điều 123 của dự thảo luật không thể hiện được mục đích bảo vệ cổ đông nhỏ trước cổ đông lớn. Bởi lẽ, chỉ cần một phiếu của cổ đông lớn đã quyết định việc thông qua hay không thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông. Ông có cách tiếp cận khác: quy định tỷ lệ này càng lớn thì sẽ càng hạn chế được sự độc đoán, chuyên quyền của các cổ đông lớn, bảo vệ quyền và lợi ích của các cổ đông thiểu số.
Mặc dù vậy, luật sư Khoát cũng thừa nhận việc này cũng có khả năng dẫn đến trường hợp các cổ đông nhỏ lợi dụng quyền phủ quyết của mình làm cho hoạt động của công ty đình trệ nhằm mưu cầu lợi ích riêng.
Băn khoăn từ thực tế và những kịch bản
Khoản 2 điều 136 dự thảo luật vẫn giữ quan điểm như khoản 2 điều 115 Luật Doanh nghiệp hiện hành với quy định “thành viên hội đồng quản trị có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào theo quyết định của đại hội đồng cổ đông”. Vấn đề là, theo luật gia Khoát, việc bãi miễn này có hợp lý hay không. Khoản 3 điều 123 dự thảo luật về quy tắc bầu dồn phiếu có mục đích là đảm bảo cổ đông thiểu số cũng có thể cử người của mình tham gia hội đồng quản trị. Tuy nhiên, quy định về việc bãi miễn thành viên hội đồng quản trị nói trên đã vô tình vô hiệu hóa ý nghĩa của việc bầu dồn phiếu. Rõ ràng, cổ đông hay nhóm cổ đông thiểu số phải dồn tất cả phiếu biểu quyết của mình mới cử được một người vào làm thành viên hội đồng quản trị. Nhưng thành viên này ngồi chưa ấm chỗ có thể đã bị nhóm cổ đông lớn bãi miễn, bất chấp nhóm cổ đông thiểu số phản đối. Đây chính là cách thức để nhóm cổ đông lớn hơn dần chiếm độc quyền điều hành công ty. Từ phân tích này, ông Khoát cho rằng, cần sửa đổi khoản này theo hướng việc bãi miễn thành viên hội đồng quản trị phải có cơ sở, điều kiện và lý do rõ ràng.
Những khái niệm về cổ đông thiểu số hiện nay vẫn còn tranh cãi. Người thì khẳng định là 5% vốn điều lệ công ty, người khác lại cho rằng phải là 10%. Thông lệ quốc tế hiện nay là 49%. Quy định để bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số sẽ không thực sự có hiệu quả khi mà các cổ đông thiểu số chỉ mua bán cổ phiếu mà ít quan tâm đến quyền của mình trong hoạt động của công ty. Không ít công ty không mời được cổ đông thiểu số về họp đại hội đồng cổ đông. Những ví dụ trên thực tế là vô vàn, và rất sinh động. Liệu Luật Doanh nghiệp hiện nay có bao quát được hết các vấn đề này?
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)