Quyết định 51: Lắp “mô tơ” cho cổ phần hóa
Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp về việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong 2 năm 2014-2015, đồng thời thực hiện lộ trình thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của các doanh nghiệp Nhà nước.
Để thực hiện quyết tâm này, ngày 06/3/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 với các giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa. Nhằm pháp quy hóa nghị quyết này, Quyết định số 51 về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước được ban hành. Quyết định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014.
Giải tỏa “điểm nghẽn”
Quyết định 51 được cho là bước tiến lớn của cơ quan quản lý khi lần đầu cho phép doanh nghiệp Nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách. Đây được xem là một trong những điểm nghẽn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.
Theo đó, việc thoái vốn dưới mệnh giá/giá trị sổ sách kế toán phải dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất, đồng thời doanh nghiệp phải trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.
Đồng thời, quyết định cũng quy định mức điều chỉnh giảm giá bán tối đa để các doanh nghiệp chủ động trong quá trình thoái vốn. Cụ thể, đối với cổ phiếu đã niêm yết có thị giá dưới mệnh giá thì bán theo biên độ quy định trên sàn. Nếu sau 3 tháng không bán hết thì giảm giá bán tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước đó để bán thỏa thuận.
Đối với công ty chưa niêm yết được định giá thấp hơn mệnh giá thì tổ chức bán cổ phần công khai. Nếu không thành công, doanh nghiệp có thể bán thỏa thuận với giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp giá khởi điểm bán đấu giá lần đầu không thành công).
Còn nếu nhà đầu tư bỏ cọc hoàn toàn thì giá thỏa thuận không thấp hơn giá đấu thấp nhất. Thời gian hoàn tất việc bán thỏa thuận tối đa là 60 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền mua cổ phần của cuộc đấu giá lần đầu. Trong trường hợp thỏa thuận không thành công thì mức giá khởi điểm để bán lần 2 giảm tối đa không quá 10% so với giá khởi điểm lần đầu.
Lỗ năm liền kề vẫn được bán cổ phần
Theo quy định cũ khoản 1 Điều 21 NĐ 58/2012 dẫn chiếu tiết b khoản 1 Điều 12 Luật chứng khoán quy định điều kiện bán chứng khoán ra công chúng thì hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi đồng thời không có lỗ lũy kế đến năm đăng ký chào bán.
Tuy nhiên Quyết định 51 cho phép đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty có năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ và có lỗ lũy kế đến năm chào bán, có lỗ nhưng không có lỗ lũy kế và có lãi nhưng có lỗ lũy kế.
Trong thời gian qua, việc nhiều doanh nghiệp không đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung ngay sau khi cổ phần hóa đã khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với các phiên đấu giá cổ phần. Với Quyết định 51, doanh nghiệp cổ phần hóa sau ngày 1/11/2014 phải có kế hoạch tham gia giao dịch tập trung trên thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM)/niêm yết trong vòng 90 ngày/01 năm kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tất cả những quy định trên thể hiện sự quyết tâm của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường, triển khai chủ trương của Chính phủ thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, vốn dĩ bị cho là diễn ra quá ì ạch và chậm chạp bấy lâu nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp