Quyết liệt chống chuyển giá
Ngày 14-12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các lệnh của Chủ tịch nước về công bố các luật, pháp lệnh, nghị quyết vừa được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Lập nhóm thanh tra chống chuyển giá
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ 1-7-2013), tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết luật này đã bổ sung cơ chế thỏa thuận về phương pháp định giá trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc bổ sung này tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, tạo chủ động cho doanh nghiệp FDI trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo đó, Việt Nam sẽ có thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc với cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Trong đó xác định cụ thể căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế theo thị trường…
Trả lời câu hỏi về việc một số doanh nghiệp FDI như Coca-Cola, Metro, Adidas Việt Nam có dấu hiệu nghi vấn chuyển giá trốn thuế, báo lỗ nhưng vẫn mở rộng kinh doanh, ông Trần Văn Phu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết thời gian qua nhiều doanh nghiệp FDI nhập thiết bị, nguyên liệu với giá cao do thỏa thuận với các hiệp định quốc tế tại nước sở tại. Do đó Bộ Tài chính sẽ trao đổi thêm với các nước có hàng hóa nhập khẩu để minh bạch thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã thành lập nhóm thanh tra chống chuyển giá, trong đó có cơ chế hội thảo, trao đổi kinh nghiệm với các nước, tập hợp lực lượng giám sát các Cục Thuế địa phương một cách độc lập. Trong năm 2013 Bộ Tài chính chỉ đạo làm mạnh chống chuyển giá ở những địa phương lớn, rủi ro quản lý thuế cao như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết ngành thuế sẽ đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở dữ liệu thông tin bởi nếu không có sẽ khó khăn trong việc so sánh giá chuyển nhượng. “Trước đây cơ sở dữ liệu thông tin thường phân tán giữa các địa phương, giờ sẽ tập trung về trung ương để rà soát giao dịch kinh tế, đối chiếu phân tích. Ngoài ra, sẽ tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thuế vì chống chuyển giá không đơn giản, ảnh hưởng đến hiệp định quốc tế và thông tin thuế nước ngoài” - bà Mai lý giải thêm.
Chủ động từ chức nếu tín nhiệm thấp
Đối với nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (có hiệu lực từ 1-2-2013), Ban Công tác các đại biểu của Quốc hội cho biết: Để đảm bảo sự kết nối giữa các quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm hoặc phê chuẩn miễn nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, nghị quyết quy định hai hình thức. Thứ nhất, người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Thứ hai, người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu qua bỏ phiếu không được tín nhiệm thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ xem xét quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với người đó.
Đối với các chức danh khác như thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND nhưng không phải thành viên UBND hoặc những người giữ các chức danh lãnh đạo khác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong hệ thống chính trị đều sẽ được lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Hiện Bộ Chính trị đang chỉ đạo việc xây dựng và ban hành quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trên.
Tài sản tăng thêm phải giải trình
Theo ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng (có hiệu lực từ 1-2-2013) là bỏ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng. Tổ chức và hoạt động của ban chỉ đạo sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng. Luật cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ giải trình tài sản tăng thêm. Theo đó trong bản kê khai tài sản, người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm bên cạnh việc làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong kỳ kê khai.
Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm công khai các nội dung gồm vốn và tài sản đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, ngoài ngành nghề kinh doanh, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, họ tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong hội đồng thành viên, HĐQT, tổng giám đốc…
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN (có hiệu lực từ 1-7-2013): Mức khởi điểm tính thuế được nâng từ 4 triệu đồng hiện hành lên 9 triệu đồng, tức thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được nâng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng, tức là nếu có một người phụ thuộc thì thu nhập trên 12,6 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế...
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (có hiệu lực từ 1-7-2013): Tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ sáu tháng lên 12 tháng, giảm thời hạn tập sự hành nghề luật sư từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. Ngoài ra, giữ nguyên như hiện hành, không cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được làm luật sư.
- Luật Thủ đô (có hiệu lực từ 1-7-2013): Quy định điều kiện nhập hộ khẩu vào Hà Nội khó khăn hơn so với Luật Cư trú. Cụ thể là: Phải tạm trú liên tục ba năm trở lên (Luật Cư trú là một năm); có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở (Luật Cư trú quy định nhà mượn, ở nhờ cũng được); bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định; được sự đồng ý của chủ nhà về việc cho nhập hộ khẩu vào nhà thuê.
- Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Việc lấy ý kiến nhân dân đối với toàn bộ Dự thảo Hiến pháp bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013. Các ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc.
- Nghị quyết tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại: Quốc hội đồng ý tiếp tục thí điểm chế định này đến 31-12-2015. Đồng thời, mở rộng thí điểm ra một số tỉnh, thành khác chứ không chỉ thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh như hiện nay.
Thảo Nguyên (Theo Pháp luật TP.HCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới