Rắc rối chuyện con dấu doanh nghiệp
Nên giữ con dấu của doanh nghiệp (DN) như hiện nay hay để cho DN tự quyết định con dấu của mình là vấn đề được các chuyên gia luật và các DN bàn luận sôi nổi tại hội thảo lấy ý kiến DN đối với dự thảo Luật DN sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7-10.
Hơn 20 năm tòa đau đầu với con dấu
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết lâu nay con dấu mang tính chất truyền thống văn hóa lịch sử nhưng cũng tạo không ít vướng mắc cho DN và không ít trường hợp DN khóc dở chết dở vì bị mất con dấu hoặc bị người khác “cầm nhầm”.
Từng tham gia xét xử nhiều vụ án rắc rối liên quan đến con dấu, ông Phạm Tuấn Anh, nguyên Chánh tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội, cho biết hơn 20 năm qua, không ít vụ án kinh tế khiến tòa phải đau đầu vì con dấu bị chiếm đoạt. “Có nhiều trường hợp hội đồng quản trị cũ bàn giao công ty cho hội đồng quản trị mới nhưng không giao con dấu. Ông chủ tịch hội đồng quản trị mới lên không có con dấu để hoạt động đành phải nhờ tòa đòi. Không biết bao nhiêu lần tòa án TP Hà Nội phải giúp DN xin con dấu mới” - ông Anh kể. Để gỡ vướng cho thực tế này, ông Tuấn Anh đề nghị dự luật cần quy định rõ trong vòng bao nhiêu ngày nếu chủ DN cũ không giao con dấu cho chủ DN mới thì cơ quan công an có quyền cho phép DN có con dấu mới và hủy bỏ dấu cũ.
Cũng chính vì con dấu mà nhiều DN nước ngoài khi sang Việt Nam làm ăn đã gặp không ít phiền toái. Tại diễn đàn DN giữa kỳ diễn ra hồi đầu tháng 6, ông Fred Burke, đồng trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại, cho rằng Việt Nam đang bị mắc kẹt trong hệ thống giấy tờ lỗi thời, trong đó có cả vấn đề về con dấu. “Một công dân Đan Mạch khi xin giấy phép lao động tại Việt Nam đã không thể đáp ứng yêu cầu về giấy chứng nhận lý lịch tư pháp không phạm tội từ Đan Mạch theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng tại Việt Nam. Các giấy chứng nhận của họ thường được thực hiện trực tuyến và khi in ra thì không có dấu đỏ. Trong khi ở Việt Nam lại yêu cầu các giấy tờ này phải được chứng thực có dấu đỏ. Hay như một số công ty từ một số bang của Mỹ không thể đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam về việc trình bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán vì ở nước họ các báo cáo này được nộp trực tuyến và chính quyền của họ không ký hoặc chứng nhận bằng dấu đỏ các bản sao này” - ông Fred Burke dẫn chứng.
Để DN tự quyết định con dấu
Ông Hiếu cho rằng chính những rắc rối về con dấu hiện nay nên dự thảo Luật DN lần này đã đưa ra nhiều quy định thay đổi về con dấu. Cụ thể, tại Điều 44 của dự luật mới nhất về con dấu của DN quy định con dấu là tài sản của DN. Hình thức và nội dung của con dấu sẽ do DN quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh thay vì phải do cơ quan công an cấp như hiện nay.
Đồng tình với điểm mới này, luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội các nhà quản trị DN Việt Nam, cho rằng con dấu của DN khác với con dấu của cơ quan nhà nước. Con dấu của cơ quan nhà nước thể hiện quyền lực của Nhà nước và công chức không được sử dụng nó để làm việc sai. Còn DN là một pháp nhân, có pháp nhân mới có con dấu. “Con dấu là sản phẩm của pháp nhân chứ con dấu không đứng trên pháp nhân đó cho nên DN được quyền quyết định nội dung, hình thức và cách quản lý con dấu. Như vậy phù hợp với thông lệ quốc tế tiến tới không bắt buộc sử dụng con dấu nữa” - ông Tiền lập luận.
Tuy nhiên, ông Tiền đề nghị bỏ cụm từ “con dấu là tài sản của DN”. “Nếu quy định con dấu là tài sản của DN thì khi con dấu bị chiếm đoạt phải đền bao nhiêu tiền? Điều này không ai trả lời được và cũng không ai quy định được” - ông Tuấn Anh đặt vấn đề.
Thoáng quá ai chịu trách nhiệm?
Ngược lại các ý kiến ủng hộ dự luật, luật sư Lê Nga, Công ty TNHH Hà Việt, lo ngại: “Nếu quy định DN được quyết định về hình thức và nội dung con dấu sẽ tạo ra vô vàn các hình thù kiểu dáng con dấu và sẽ càng khó khăn hơn trong việc nhận diện con dấu thật, giả. Do đó con dấu nên được làm theo một hình thức kích thước thống nhất. DN chỉ nên được quyết định về thông tin, cách thể hiện thông tin trên con dấu”.
TS Nguyễn Thị Yến, khoa Pháp luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, cũng cho rằng cần xem lại tính khả thi của Điều 44. “Khi con dấu còn là vấn đề không thể thiếu đối với các văn bản của DN và việc quản lý nhà nước sau khi đăng ký DN thì còn tồn tại nhiều bất cập. Nếu để DN tự quyết định hình thức và nội dung của con dấu và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh như dự luật liệu có quá thoáng không? Khi DN vi phạm con dấu, liệu cơ quan đăng ký kinh doanh có phải chịu trách nhiệm đối với các giao dịch mà DN đã thực hiện khi sử dụng không đúng con dấu không?” - bà Yến băn khoăn.
Bổ sung thêm quyền có con dấu cho chi nhánh của DN
Đối với các công ty lớn như Công ty Honda Việt Nam, số lượng hai con dấu tại công ty chính và một con dấu tại chi nhánh theo quy định hiện hành là không đủ để sử dụng. Ví như Honda Việt Nam sản xuất mỗi năm 2 triệu xe máy và 10.000 ô tô thì việc có một con dấu đặt tại bộ phận sản xuất chuyên dùng cho việc đóng dấu giấy chứng nhận xuất xưởng cho mỗi chiếc xe, một con dấu còn lại đặt tại bộ phận hành chính dùng đóng dấu giấy tờ của công ty không đáp ứng đủ. Còn ở chi nhánh của công ty với công suất 500.000 xe/năm lại chỉ có một con dấu để dùng cho cả hai việc khiến người phụ trách phải cầm con dấu chạy tới chạy lui rất mất thời gian.
Ông ĐỖ VIỆT DŨNG, Công ty Honda Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước