Rau an toàn đang “chết héo”
Các hợp tác xã trồng rau an toàn cho biết người tiêu dùng chưa có niềm tin về sản phẩm này và hầu như không hề biết thông tin về VietGAP.
VietGAP là cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, nghĩa là “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”, dựa trên bốn tiêu chí:
- Tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất.
- An toàn thực phẩm.
- Môi trường làm việc không lạm dụng sức lao động.
- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Không biết VietGAP là gì!”
Chị Trần Thị Hoàng Oanh - nhân viên văn phòng một công ty ở quận Tân Bình kể: “Tôi đi chợ rất quan tâm đến rau tốt cho sức khỏe, toàn lựa chỗ quen để mua, về ngâm nước muối là yên tâm. Còn rau VietGAP thì tôi không biết, thấy loại nào vừa túi tiền là mua thôi!”.
Tương tự, chị Võ Thị Ngọc Ánh (huyện Nhà Bè) cho hay nhà chị mua rau giá phải chăng, thấy chất lượng cũng ổn, quan trọng là về nhà rửa kỹ. “Tôi chưa từng nghe VietGAP là gì. Nếu giá rau VietGAP cao hơn 5% giá rau thường mà an toàn tôi vẫn mua. Có lần tôi ghé một cửa hàng rau sạch nhưng thấy các loại rau đơn điệu quá mà giá gấp đôi, gấp ba ở chợ nên tôi không mua” - chị Ánh nói thêm.
Theo một số tiểu thương ở chợ, họ quen lấy hàng từ chợ đầu mối về bán bởi người tiêu dùng chuộng hàng giá rẻ hơn. Rau VietGAP giá cao nên khó bán.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thỏ Việt (huyện Củ Chi), cho biết: “Cái khó khi bán rau VietGAP ngoài chợ là không đủ điều kiện bảo quản. Tiểu thương hay tưới nước lên dễ làm hư, diện tích sạp nhỏ không đủ để tủ đông bảo quản nên qua buổi sáng là rau không còn tươi. Mặt khác, dù siêu thị là kênh bán hiệu quả nhưng cạnh tranh khá gay gắt bởi các siêu thị đều làm nhãn hàng riêng cộng thêm rau củ bình thường bày bán rất nhiều”.
“Một sức ép khác đến từ rau củ Trung Quốc. Giờ giá rau củ bình thường nước ta so với rau củ Trung Quốc đã cao hơn 50%, giá rau an toàn lại cao hơn rau thường 10%-15%, trong siêu thị là 20%-30%. Thử hỏi như vậy làm sao cạnh tranh nổi!” - ông Nguyễn Hoàng, tổ trưởng liên tổ sản xuất rau an toàn xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), chia sẻ.
Đã khó khăn còn bị đội lốt
Chị T., tiểu thương nhiều năm tại một chợ ở quận 3, tiết lộ khi mua rau, các thương lái thường đưa cho chị những bao nylon in chữ rau sạch của một hợp tác xã và buộc kèm với rau để bán. “Lẫn lộn vậy khó phân biệt được rau an toàn hay rau thường, bày bán tại chợ càng khó kiểm soát” - chị nói.
Tuy nhiên, bà Ánh Ngọc từ Hợp tác xã Thỏ Việt cho rằng việc trà trộn giữa rau an toàn và rau “bẩn” khó xảy ra vì chi phí in bao bì cho sản phẩm rau an toàn cao, một lần in đến cả trăm triệu đồng. Chỉ có trường hợp cửa hàng rau an toàn lấy những loại rau ngon lớp mặt về “tút” lại rồi bỏ vào bao bì bán theo giá rau an toàn.
Trường hợp này được ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP.Hồ Chí Minh, khẳng định nguồn rau sạch từ các hộ nông dân, hợp tác xã đến siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh được kiểm soát trên 90%, không có chuyện gian lận và các nguồn cung này không thể tự hủy hoại thương hiệu của mình. Thế nhưng chuyện các thương lái ký hợp đồng khoảng 50 tấn rau an toàn với các hợp tác xã nhưng chỉ mua khoảng 30 tấn, sau đó trộn lẫn với rau nhiều nguồn khác bán giá cao… là có.
Cần đến chiến lược quốc gia
Theo nhận định của ông Trần Quang Chánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phước An (TP.Hồ Chí Minh), người tiêu dùng đa phần mua rau củ ở chợ mà rau an toàn lại chỉ “sống” trong siêu thị. Trong khi đó, các siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh chỉ cung cấp được 20%-30% nhu cầu rau cho TP, đó là chưa kể hàng nhập qua đường tiểu ngạch. Vì vậy, cần có một lộ trình trồng rau củ đại trà, nhân rộng ra các tỉnh có diện tích trồng rau lớn như Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai… chứ không chỉ “giẫm chân” tại TP.Hồ Chí Minh, đồng thời tuyên truyền về rau an toàn rộng rãi đến người dân.
Tuy nhiên, bà Ánh Ngọc từ Hợp tác xã Thỏ Việt bộc bạch, đơn vị trồng rau VietGAP không có đủ kinh phí quảng bá. Hơn nữa, “diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, nông dân muốn tham gia hợp tác xã để sản xuất nhưng vì không có đầu ra nhiều nên chúng tôi không dám bao tiêu thêm” - bà nói.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cũng cho rằng cần có một chiến lược trồng rau an toàn quốc gia, tỉnh nào cũng nên trồng. Song song đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã về vốn và quảng bá rau an toàn. Các hợp tác xã, doanh nghiệp thì chủ động liên kết, tạo mạng lưới rau an toàn ở khắp các tỉnh, như vậy mới có hiệu quả.
Đoàn Huế (Theo Pháp luật TP.HCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định