Thị trường

Rò rỉ quy trình làm 'siêu vàng giả' tinh vi của Trung Quốc

(DNVN) - "Công thức" làm ra vàng giả là trộn theo tỷ lệ 51% vàng thật với đồng, nikel, sắt và một số kim loại hiếm. Nhưng, cách phổ biến nhất là trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy.

Tinh vi đến mức có thể qua mặt máy đo

Loại vàng giả nguồn gốc từ Trung Quốc được làm rất tinh vi, ngay cả máy đo cũng không kiểm tra được. Theo nguyên tắc, vàng thật sẽ được trộn tỷ lệ 51% với đồng, nikel, sắt và một số kim loại hiếm như osmium, indium, ruthenium và rhodium để tạo nên thỏi vàng giả.

Vàng giả Trung Quốc bị thu giữ. Ảnh: báo Infonet.

Nhưng khó lường hơn là việc kẻ gian trộn vonfram dạng bột với vàng thật ở dạng rắn nóng chảy vì cả hai đều có tỷ trọng gần giống nhau (19,6 và 18,3). Các chuyên gia cho biết, vonfram được nghiền nhỏ dạng bột rất mịn rồi trộn với vàng nóng chảy. Sau đó có một lớp vàng nguyên chất bọc bên ngoài để qua mặt người mua, theo báo VietNamNet.

Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật để thay thế bằng vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Hỗn hợp vàng độn này có thể vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của máy đo vì  các máy thử vàng chỉ mới phát hiện được 17-18 nguyên tố kim loại khác nhau, nhưng chưa cài đặt nhận biết vonfram.

Theo đó, khi thử vàng độn, các chỉ số hiển thị trên máy không ghi nhận tạp chất này nên sẽ kết luận là vàng 999 hoặc 9999.

Ngoài ra, vàng giả còn được chế bằng cách cho bột kim loại mịn gồm các kim loại nằm trong nhóm Pt: Ru (Ruthenium), Os (Osminum), Ir (Irridium) - gọi tắt là ROI. Chúng không tạo hợp kim với vàng mà chỉ tồn tại ở dạng tạp chất cơ học giống như các hạt sạn màu ánh kim trong vàng miếng giả.

Theo tính toán, mỗi lượng vàng độn vonfram, kẻ gian có thể lãi từ 6 đến 7 triệu đồng (1 lượng vàng 9999 có thể độn được khoảng 20% vonfram, tương đương khoảng 2 chỉ vàng thật). Trong khi đó, giá trị của vonfram rất thấp. Hiện ở Việt Nam, kim loại này có giá trên dưới 100.000 đồng/kg.

 

Cách nhận biết vàng giả

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ đánh giá Hợp chuẩn hợp quy thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thì có ba phương pháp chính để phân biệt vàng giả, vàng thật là XRF, Fire Assay và ICP-OES. Các cơ quan chức năng cũng sử dụng những cách này để đánh giá chất lượng vàng.

Vàng giải xuất hiện trên thị trường khiến người dân và giới kinh doanh vàng hoang mang. Ảnh: báo VietNamNet

Phương pháp thứ nhất không phá hủy mẫu là XRF và hai phương pháp còn lại phá hủy mẫu là Fire Assay và ICP-OES. Các cơ quan thanh, kiểm tra cũng sử dụng các phương pháp này để đánh giá chất lượng vàng.

Ông Linh cũng cảnh báo các cửa hàng vàng không nên chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân qua cách quan sát, kiểm tra thủ công để phân biệt vàng giả. Ngoài ra, các thiết bị đo tuổi vàng và máy soi cũng khó phát hiện trước cách làm vàng giả tinh vi như hiện nay.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các doanh nghiệp uy tín và thương hiệu lớn để mua vàng. Vì khi mua, khách hàng sẽ có hóa đơn biên nhận ghi số siri miếng vàng, mã hiệu rõ ràng, tránh tình trạng bị làm giả hoặc dễ dàng giải quyết khi gặp vấn đề chất lượng.

 

Trao đổi với PV báo Infonet, ông Bùi Anh Tú, Trưởng phòng Kinh doanh Bán lẻ vàng của Công ty vàng bạc đá quý Phú Qúy cho rằng nguyên nhân khiến một số tiệm vàng bị lừa vừa qua có thể là do chủ quan và thiếu thiết bị kiểm tra.

Đối với Phú Quý, trường hợp khách đến bán vàng nhưng không phải sản phẩm của Phú Quý hay của những đơn vị có thương hiệu trên thị trường thì đều phải nung chảy vàng để kiểm tra. Với trang thiết bị máy móc cũng như quy trình kiểm tra nghiêm ngặt như vậy nên ông khẳng định công ty không bao giờ e ngại việc thu mua sản phẩm của khách hàng.

“Khi nấu chảy và thử trên máy quang phổ sẽ lộ ra ngay có phải là vàng thật hay không. Toàn bộ quá trình này có sự giám sát trực tiếp của cả phía công ty và của người bán. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng đã phát hiện có không ít trường hợp vàng giả do chính người bán cũng bị hại”, ông Tú cho biết.

Chủ công ty TNHH Bảo Tín Đức Hùng cũng cho rằng nguyên nhân khiến một số tiệm vàng bị lừa do chủ quan, bỏ qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Còn thực chất thông tin vàng giả đã xuất hiện cách đây khá lâu.

“Có nhiều phương pháp để kiểm tra như nấu, cắt, dùng axit để thử. Nếu vàng thật khi nấu nung chảy rất nhanh, còn khi cắt sẽ ngọt, dẻo hơn. Người làm trong nghề lâu năm sẽ có rất nhiều phương pháp để thử”, chủ doanh nghiệp cho biết.

 

Thu Phương (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo