Quốc tế

Robot làm bạn với người già Nhật Bản

“Các cụ ơi, chúng ta cùng hát nhé”, giọng nói trẻ con trong trẻo bắt nhịp cho khoảng 20 cụ già chậm chạp vỗ tay, lẩm nhẩm lời bài hát thiếu nhi nổi tiếng Yuuyake Koyake trong phòng sinh hoạt chung tại Viện dưỡng lão Shintomi.

Giọng nói dễ thương kia không phải từ cô bé nào mà là của Pepper, robot cao khoảng 1,2 m, đang “say sưa” múa tay để mọi người làm theo. Là sản phẩm của tập đoàn SoftBank, Pepper được trang bị hàng trăm cảm biến để có thể nhận biết cảm xúc, giới tính và đoán tuổi người đối diện.

Cùng lúc đó, tại tầng trên, 4 cụ đang chơi đùa cùng Paro và Aibo, những minh chứng khác của lời nhận xét: “Người Nhật cái gì cũng nghĩ tới”. Mang hình dạng như một chú hải cẩu con vô cùng đáng yêu, robot Paro do công ty Daiwa House chế tạo và có thể chớp đôi mắt tròn hơi ướt, ngúc ngoắc đầu mỗi khi bàn tay nhăn nheo vuốt nhẹ lên bộ lông mượt màu hồng. Ở bàn bên kia, 3 chú chó máy Aibo (Sony) liên tục làm trò như đứng thẳng trên hai chân, xoay vòng vòng để mang lại niềm vui trong ánh mắt đã mờ đục của những cụ bà gần đất xa trời.

Robot Pepper hướng dẫn các cụ già vận động trong phòng sinh hoạt chung. Ảnh: Trọng Kha.

Người Nhật lâu nay nổi tiếng bởi bí quyết trường thọ của mình. Tuy nhiên, nước này cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già thuộc hàng đứng đầu thế giới. Thống kê của chính phủ cho thấy Nhật Bản hiện có hơn 33 triệu người trên 65 tuổi, chiếm khoảng hơn 26% dân số.

Trong khi đó, mô hình xã hội và áp lực cuộc sống khiến người Nhật hầu như không thể sống chung để chăm sóc cha mẹ còn thanh niên ngày càng ngại hẹn hò hay lập gia đình. Điều này đang tạo nên áp lực cực kỳ lớn về an sinh và phúc lợi cho người cao tuổi. Mặt khác, do nhiều yếu tố như đãi ngộ và công việc vất vả khiến Nhật đang rất thiếu nhân viên chăm sóc người già. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi ước đoán đến năm 2025, nước này sẽ thiếu gần 400.000 chuyên viên ngành dưỡng lão.

Robot Paro có khả năng phản ứng mỗi khi được vuốt ve. Ảnh: Trọng Kha.

Chính vì thế, ngay từ năm 2013, chính phủ đã kêu gọi và trợ giá cho các tập đoàn, công ty đẩy mạnh khai thác thế mạnh về sáng tạo và công nghệ để nghiên cứu phát triển các loại robot phục vụ chăm sóc người cao tuổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là một phần trọng yếu của chiến lược “Tái phục hồi Nhật Bản” do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng.

Viện dưỡng lão Shintomi ở thủ đô Tokyo là một trong nhiều cơ sở được chọn làm đối tác của chính phủ trong chương trình thí điểm sử dụng robot và các công nghệ mới. “Các cụ ở đây chủ yếu mắc chứng suy giảm trí nhớ nên việc bầu bạn và tập thể dục cho trí não rất quan trọng. Trong khi đó, chúng tôi lại thiếu lao động và robot là lựa chọn thay thế rất hữu ích”, ông Kimiya Ishikawa, Chủ tịch Tập đoàn phúc lợi xã hội Silverwing, nói với Thanh Niên. Shintomi là một trong 4 cơ sở dưỡng lão và phục hồi chức năng do Silverwing điều hành ở Tokyo.

Ngắm chó robot Aibo làm trò là một trong những niềm vui của các cụ tại viện dưỡng lão Shintomi. Ảnh: Trọng Kha.

Đại diện Silverwing dẫn lại trường hợp của một cụ bà 97 tuổi bị suy giảm nặng, hầu như không còn nhận biết được xung quanh và cả ngày liên tục yêu cầu được cho đi tắm. Sau một thời gian tiếp xúc với Paro và Aibo, khả năng đối thoại của cụ phần nào được phục hồi và không còn hỏi “Tôi đi tắm được không?” nữa.

 

Bên cạnh đó, tại Shintomi còn sử dụng nhiều loại công cụ hỗ trợ thoạt trông giống như những bộ giáp trong phim khoa học viễn tưởng để giúp giảm gánh nặng cho chuyên viên chăm sóc. Những thiết bị này hoạt động bằng nguyên tắc khí động học hoặc nhận tín hiệu sinh điện từ của não bộ để tăng lực nâng cho cơ bắp, giúp người mặc không còn tốn sức và tránh những bệnh như đau lưng hay tổn thương cột sống khi phải liên tục bồng bế người cao tuổi. Ngoài ra còn phải kể đến chiếc giường do Panasonic chế tạo với một nửa có thể tách ra và biến thành xe lăn dành cho những cụ phải nằm liệt giường.    

Pepper hiện là trợ thủ đắc lực cho các nhân viên tại Shintomi. Ảnh: Trọng Kha.

Trao đổi với đoàn phóng viên ASEAN đến tìm hiểu theo lời mời của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Ishikawa nhận định tiềm năng của robot chăm sóc còn rất lớn và những thế hệ người máy tiếp theo thậm chí có thể dự đoán trước nguy cơ mắc bệnh bằng cách phân tích và tổng hợp dữ liệu sức khỏe của đối tượng. Theo ước tính của Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp, thị trường của loại robot chuyên trách này có thể đạt tới 3,7 tỉ USD vào năm 2035.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt. Đầu tiên là giá cả khi mỗi chú Paro hay Aibo hiện nay vào khoảng 6.000 USD và hầu hết chi phí thí điểm đều đang do chính phủ gánh cùng chính quyền địa phương. Mặt khác, cả ông Ishikawa lẫn bà Yukari Sekiguchi, giám đốc viện Shintomi, đều thừa nhận hiện robot vẫn mang vai trò hỗ trợ chứ chưa thể thay thế con người trong nhiều hoạt động chăm sóc người cao tuổi.

Trước mắt, ông Ishikawa cho biết cơ quan chức năng và các chuyên gia sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy tắc giám sát và bảo đảm an toàn trong sử dụng robot cũng như tìm biện pháp tăng cường tương tác giữa người và máy. Theo ông, “mục đích của công nghệ là giúp con người sống vui, sống khỏe và mở rộng hơn nữa khả năng của mình. Với người cao tuổi, điều này có nghĩa là họ có thể sống độc lập, làm việc và tham gia vào các hoạt động xã hội cho đến chừng nào còn có thể”.

Nên đọc
Theo Thanh niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo