Xã hội

RỢN GÁY VỚI ĐIỂM ĐEN GIAO THÔNG (*) Ẩu chết, cẩn thận cũng tiêu

Để kéo giảm tai nạn, ngoài sự đầu tư của nhà nước đối với hệ thống đường sá, biển báo, điều cần nhất là hành vi chấp hành luật giao thông của toàn xã hội

Ngã tư “tử thần” là tên mà giới xe ôm đặt cho ngã giao cắt giữa Quốc lộ 1 và Quốc lộ 25, thuộc địa phận xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên bởi nơi đây thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông và cứ tông xe là có người chết.

 

Nguyên nhân nào cũng có

 

Vụ tai nạn mới nhất xảy ra ở ngã tư này vào ngày 13-11 làm chết một cán bộ văn thư của Trường Tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa). Sáng hôm đó, chị Nguyễn Thị Diệp Anh (38 tuổi) chạy xe máy trên Quốc lộ 25 để đến trường. Khi đến ngã tư, nhìn thấy xe chạy trên Quốc lộ 1 nhiều nên chị Diệp Anh hãm phanh xe đứng đợi. Lúc đó, một chiếc xe bồn chở xăng chạy cùng chiều phía sau đột ngột tông tới, húc văng chiếc xe máy sang một bên rồi cuốn chị Anh vào gầm làm nạn nhân chết tại chỗ.

 

“Tụi tôi hay nói ngã tư này là ngã tư “tử thần” là vậy. Ẩu cũng chết mà cẩn thận quá cũng tiêu. Đang chạy đến đây mà dừng thì xe chạy sau không chú ý là xong đời. Còn nếu chạy ẩu, cố vượt qua thì cũng mất mạng với xe tải, xe container qua lại nườm nượp” - anh Lê Tấn Đạt, một tài xế xe ôm, nói.

 

 
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại ngã tư “tử thần” ở Phú Yên, sáng 13-11, làm chết một nữ cán bộ văn thư Ảnh: HỒNG ÁNH

 

Cũng theo anh Đạt, tuy địa hình ở ngã tư này rộng, thoáng nhưng độ cao trung bình của Quốc lộ 25 lại thấp hơn Quốc lộ 1. Vì vậy, người đi trên Quốc lộ 25 khi đến gần ngã tư, do đường có độ dốc nên không quan sát hết mặt đường Quốc lộ 1 và cứ nghĩ sẽ vượt qua được. Tuy nhiên, khi tăng tốc để vượt thì lại không qua khỏi.

 

Trong khi đó, theo tài xế Nguyễn Văn Lim, lái xe giường nằm cho Công ty CP Thuận Thảo, 2 năm qua, do cầu Đà Rằng cũ bị xuống cấp, hạn chế xe qua lại nên toàn bộ xe khách, xe tải từ TP Tuy Hòa vào Nam đều phải lên Quốc lộ 25 để qua ngã tư này. Vì vậy, lưu lượng xe qua ngã tư “tử thần” tăng cao, tiềm ẩn tai nạn giao thông. “Nhà nước nên lắp đặt ở ngã tư này một chốt đèn hiệu để bảo đảm an toàn giao thông” - tài xế Lim đề xuất.

 

Một lý do khác, theo đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên, là do xe đậu đỗ trái phép để đón trả khách tại ngã tư. “Nhiều người dân không xuống bến xe mua vé mà thường đến đây để đón xe cho rẻ tiền. Mặc dù đã có biển cấm dừng nhưng cánh nhà xe thấy có khách đứng chờ là tấp vào đón. Chúng tôi chỉ còn cách cử cán bộ chốt ở đây không cho xe dừng” - đại tá Lương nói.

 

Ám ảnh dốc Cua Heo

 

Trong rất nhiều điểm đen giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dốc Cua Heo (trên Quốc lộ 1, thuộc xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là nơi gây ám ảnh nhất vì tai nạn xảy ra liên miên trong hàng chục năm trời từ thuở nơi này còn rất hoang vu. Vụ việc làm chết cả một gia đình trẻ cách đây gần 3 năm có lẽ khiến nhiều người thương cảm nhất.

 

 
Miếu thờ mọc lên ngày càng nhiều xung quanh khu vực ngã tư Tam HiệpẢnh: XUÂN HOÀNG

Buổi chiều định mệnh cuối tháng 9-2011, những người dân buôn bán ven đường bàng hoàng khi nghe một tiếng động rất mạnh, sau đó là tiếng la hét, tiếng phanh gấp của dòng xe và một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra: Giữa dốc là một chiếc xe khách dừng chếch ra phía Bắc, một xe container khác nằm hướng ngược lại. Dưới 2 xe này, một người đàn ông, một phụ nữ trẻ và cháu bé bị hất ra mỗi người mỗi hướng. Cả 3 đã tử nạn hết sức thương tâm.

 

Dốc Cua Heo hiện đã là trung tâm cửa ngõ phía Nam của thị xã Long Khánh, người qua lại càng tấp nập hơn, mặt đường được cải thiện, tai nạn giao thông có giảm nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn đó.

 

So với nhiều tỉnh - thành, Đồng Nai có số vụ tai nạn giao thông diễn ra hằng năm cao. Thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều “điểm đen” mới trên Quốc lộ 1 là ngã ba Amata, ngã tư Tam Hiệp và ngã tư Vũng Tàu.

 

Tại ngã tư Vũng Tàu, một cây cầu vượt thép vừa được đưa vào sử dụng khiến người dân rất phấn khởi. Thế nhưng, việc thi công quá lộn xộn và kéo dài năm này qua năm khác của dự án cầu Đồng Nai gần đó khiến ngã tư này trở thành điểm đen về tai nạn giao thông. Cách đây khoảng 1 tháng, chỉ trong vòng 1 tuần, tại ngã tư này xảy ra 3 vụ tai nạn làm 3 người chết tại chỗ. Trong đó, 2 phụ nữ bỏ mạng dưới bánh xe ben chỉ cách nhau vài giờ. Theo cánh xe ôm, cả 3 vụ tai nạn trên, ngoài nguyên nhân do đường đông người, tài xế chạy ẩu, còn vì khu vực đang thi công nên đường chật hẹp, mặt đường đầy đá dăm.

 

Ngã tư sinh - tử

Chị Nguyễn Thị Linh, một người bán hàng nước tại ngã tư “tử thần” ở Phú Yên, cho rằng đây là ngã tư rất lạ bởi “sinh ở đây mà chết cũng ở đây”. Theo chị Linh, 3 ngày sau cái chết của chị Diệp Anh, một chiếc xe giường nằm chạy tuyến TP HCM - Hà Nội đỗ xịch ở ngã tư này. Một thai phụ vừa bước xuống xe đã ôm bụng quằn quại, đầu đứa bé đã lọt ra ngoài nên mọi người quyết định đỡ đẻ cho chị ngay bên vệ đường. Do bị ngạt, đứa bé tím tái, nhắm nghiền mắt tưởng như không qua khỏi nhưng sau một hồi xoa bóp, da đứa bé ửng hồng và cất tiếng khóc. Trước đó, năm 2008, một phụ nữ quê ở Gia Lai cũng sinh con tại ngã tư này.

 

 
 

Theo NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo